Saturday, February 03, 2007

Hạt cơ bản và Ba người khác

Thử điểm qua đôi chút về hai cuốn sách gây ồn ào dư luận Việt Nam trong thời gian qua mà tớ đã kịp tranh thủ đọc trong thời gian ở Việt Nam: Hạt cơ bản của Houellebecq và Ba người khác của Tô Hoài. Hình như là hai cuốn duy nhất được dành riêng hai cuộc hội thảo, một do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức và một do L'Espace tổ chức.

Về Hạt cơ bản của Houellebecq do Cao Việt Dũng dịch, được biết cuốn sách này rất có tên tuổi ở Pháp (trong khi lại bị chìm nghỉm trong số các tác phẩm văn học dịch ở Mỹ- tất nhiên người Mỹ và ngời Pháp từ xưa vẫn có sở thích và tư duy nghệ thuật hơi khác nhau). Cao Việt Dũng cũng được coi là một dịch giả trẻ nhiều triển vọng nhất- nhớ đọc trong một bài báo nào đó phỏng vấn Dương Tường thì chỉ có Cao Việt Dũng là dịch giả trẻ duy nhất được Dương Tường đánh giá cao và kỳ vọng trong số những cái tên khác được nhà báo nhắc tới như Ngọc Cầm Dương, Lê Quang, Lương Việt Dũng...

Quay trở lại nội dung cuốn sách, tôi hiểu cuốn sách như một lời phê phán đối với xã hội phương Tây thời hiện đại và Houellebecq đang lập lại tiếng kêu của Spengler thủa nào "Phương Tây đang suy đồi". Nguyên nhân sự suy đồi ấy được Houellebecq lý giải như là kết quả của cuộc cách mạng tình dục của thế hệ 68, đã khiến cho loài người lại trở về với trạng thái cạnh tranh tình dục giống như ông cha ta thủa hoang sơ. Nhưng nếu như thủa hoang sơ thì sự cạnh tranh tình dục chỉ nhằm mục đích tiến hóa thì trong thời hiện đại, sự cạnh tranh tình dục đóng vai trò là nòng cốt cho sự định hướng và phát triển của xã hội- nói cách khác xã hội phương Tây được quy định và tạo khuôn từ những cá thể có nhu cầu và khả năng tình dục mạnh mẽ và rút cục tất cả các vấn đề của xã hội đều được quy về khái niệm tình dục. Trong xã hội không có chỗ cho những con người "siêu nhiên" như Nietszche từng mơ ước (hình mẫu là Micheal, một người không có nhu cầu tình dục), cũng không có chỗ cho những kẻ khốn cùng, thừa ham muốn nhưng lại thiếu khả năng và sự hấp dẫn tình dục như Bruno. Những kẻ như thế có thể có chỗ đứng và thậm chí được xã hội tôn vinh trong các thời đại của Lý trí, thời đại của Đức tin như trong quá khứ nhưng lại không thể có chỗ đứng trong thế giới tiêu thụ hiện đại. Và sự suy đồi của phương Tây sẽ xảy ra khi cuộc cạnh tranh tình dục được đẩy tới vô cùng, phá vỡ tất cả những nền móng lý trí, đạo đức, tôn giáo.. được tạo ra trong hơn 2000 năm qua.

Vậy một xã hội tương lai là gì? Houellebecq không đi xa hơn Huxley trong Brave New World
(thực tế Houellebecq nhắc tới Huxley khá nhiều trong cuốn này, coi ông ta như cha đẻ tinh thần cho các hội đoàn tự do tình dục). Từ những năm 30 thế kỷ trước, Huxley đã tưởng tượng tới một xã hội vô cảm, gần như phi tình dục (đúng hơn là có tình dục nhưng tình dục đã trở nên nhạt nhẽo và tầm thường như việc đánh răng vào buổi sáng), nơi con người được sản xuất hàng loạt trong phòng thí nghiệm, với các tính năng và trí tuệ được xác định từ trước (nói thêm -về mặt ý tưởng, Huxley là một người rất xuất sắc mặc dù văn ông này thì đọc rất chán, nhạt chưa từng có, có thể nói là một nhà văn tồi). Xã hội tương lai của Houellebecq cũng gần như y hệt, nên ý tưởng này có thể được coi là mới lạ với người đọc Việt Nam vốn chưa được tiếp cận với Huxley chứ thực ra cũng chẳng có gì mới mẻ cả.

Đi xa hơn, có thể hình dung Houellebecq như một nhà văn bảo thủ mới, một nhà bảo thủ khá kỳ quặc, người lên án xã hội tiêu thụ, sexually-oriented cùng tất cả các trào lưu tưởng như ngoài lề nhưng lại phản ánh định hướng xã hội và tiên đoán cho sự suy đồi của nó (từ những-người-sáu-tám hippie của những năm 68 cho tới phong trào new age gần đây). Quay trở về với tình yêu và đạo đức xã hội có thể là những điều mà tác giả ngầm gửi gắm mặc dù bản thân ông ta cũng hoang mang về khả năng đó. Tình yêu chỉ là một sự an ủi cho những kẻ bị gạt ra ngòai lề xã hội (giống như tôn giáo trước kia?) chứ không cứu được số phận của họ.

Cảm giác chung của tôi về cuốn sách này là có một số điều thú vị nhưng nhìn chung tôi không thực sự thích nó, nhất là cái tính lên gân cường điệu hơi có vẻ trí thức Gô-loa. Cái chất hài hước đen cũng hơi sỗ sàng quá với người đọc. Nhưng có lẽ ở một đất nước hiếm hoi nơi các nhà văn được coi như một thứ celebrity thì văn phong hơi có phần trưởng giả, ngạo nghễ, bề trên của Houellebecq được độc giả chào đón nhiệt liệt là có thể hiểu được. Hơn nữa, người Pháp thực sự tin là nước họ (và châu Âu) đang suy đồi, trong khi người Mỹ với sự tự tin vốn có, không nghĩ vậy.

Về chất lượng bản dịch, tôi không biết tiếng Pháp để đọc nguyên bản nên không có gì để nói nhiều. Nhưng nếu Cao Việt Dũng dùng tiếng Việt nhuyễn hơn một chút thì có lẽ sẽ xứng đáng hơn với các kỳ vọng của Dương Tường dành cho Dũng chăng? Vì rằng đúng như Dương Tường nói, Cao Việt Dũng là một dịch giả trẻ hiếm hoi có phông văn hóa rất đáng nể và với lòng yêu nghề đáng khâm phục (cứ căn cứ vào số lượng các tác phẩm mà Dũng dịch trong thơi gian qua cũng có thể thấy được điều đó.

2. Ba người khác

Nếu như Hạt cơ bản là về sự suy đồi của xã hội phương Tây, thì Ba người khác lại đề cập tới một sự suy đồi khác, một sự tha hóa khác, đó là sự tha hóa của một xã hội châu Á trong dòng thác cách mạng. Dòng thác ấy cuốn băng đi các giá trị cổ truyền, biến tất cả trở về với số không. Và có gì đó rất gần với Hạt cơ bản, đó là khi hệ thống các giá trị đạo đức xã hội từng được thiết lập hàng nghìn năm bị cuốn phăng đi thì chỉ còn lại con người với những bản năng muôn thủa trần trụi của họ. Và còn lại là tình dục, tình dục, tình dục. Hay nói như Tô Hoài là “sinh hoạt như gà”. Trong cái nền mờ mờ, nhập nhoạng của thời buổi chẳng ai biết cái gì, tin cái gì ấy thì cũng diễn ra các cuộc cạnh tranh tình dục giữa các con đực và con cái: giữa Đơm và Duyên, giữa Bối, Đình và Cự.

Và dòng thác ấy ở Việt Nam chính là cải cách ruộng đất. Ngòai cuốn Mảnh đất lắm người nhiều ma và Những thi
ên đường mù có đề cập đôi nét tới cải cách ruộng đất (nhưng nghiêng nhiều hơn tới các hậu quả của nó về sau) thì đây là cuốn sách đầu tiên tôi đọc lấy bối cảnh hoàn toàn là cuộc cải cách ruộng đất. Đọc cuốn này mới biết tới các khái niệm rễ, chuỗi, tới mối quan hệ giữa đội cải cách và rễ, chuỗi. Với giọng văn tưng tửng như của người ngoài cuộc (trong khi thực ra Tô Hoài lại là người trong cuộc hiếm hoi- và nhân vật Bối có khá nhiều điểm chung với tác giả), Tô Hòai đã vạch trần được sự giả dối, vô phương hướng, và hơn cả là sự tha hóa của con người trong thời cải cách đó.

Văn Tô Hoài giản dị, hơi tưng tửng nhưng có chiều sâu và sự thâm thúy ẩn trong đó, không điệu đà như Nguyễn Tuân hay giàu cảm xúc cá nhân như Nguyên Hồng. Về tư cách của ông trong Cải cách ruộng đất hay Nhân văn giai phẩm thì cũng có người nói thế này, người nói thế kia nhưng với Ba người khác, cùng với hai cuốn hồi ký Chiều chiều và Cát bụi chân ai thì có thể nói, hiếm có nhà văn Việt Nam nào dũng cảm và “thành ý” (thành thật với chính mình) như Tô Hoài. Ông từng nhận mình ngủ với Xuân Diệu trong Cát bụi chân ai, và có chung chạ với “rễ, chuỗi” khi làm đội cải cách, “sáng tác” các lời cung của tù nhân khi làm chánh án tòa cải cách (xem phần phát biểu của Tô Hoài trong tọa đàm về Ba người khác trên talawas). Trong sách Đại học có câu Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm là bốn bước để tu thân. Xem ra thì ở Tô Hoài, tuy trong đời không phải lúc nào ông cũng giữ được đạo làm người quân tử, hay là người kẻ sĩ nhưng đến cuối đời, lại là một người hiếm hoi làm được điều đó.

Nói chung, đây là một cuốn sách đáng đọc, không chỉ về giá trị văn học mà còn về giá trị lịch sự của nó khi nhìn lại về một thời kỳ “tha hóa” của đất nước.


No comments: