1. Little Miss Sunshine là một phim chế nhạo lối sống Mỹ với cách phân chia loài người thành hai loại: the Winners và the Losers. Một black comedy vừa hài hước vừa cảm động và bất ngờ. Mặc dù nội dung phim có vài chỗ hơi thô, không phù hợp lắm với văn hóa của người châu Á lắm nhưng nếu ngẫm lại thì tất cả những cái đó đều chấp nhận được và đều nói lên được một cái gì đó. Đạo diễn tỏ ra khá can đảm khi đi vào những chỗ gross đó mà không sa vào việc làm ra một phim chọc cười tầm thường mà vẫn sâu sắc. Người xem có những lúc có thể phá lên cười nhưng đọng lại từ phim có lẽ là một nụ cười mỉm, một sự tự chế giễu mình với những ảo tưởng và phù phiếm trong việc tuân thủ những giá trị và cách đánh giá mà xã hội coi là chuẩn mực. Trong việc mô tả về ba ngày sóng gió trong một gia đình Mỹ không được bình thường lắm, những người làm phim đã nêu được những sự bất thường và méo mó trong những thứ tưởng được coi như bình thường trong xã hội.
Các diễn viên đóng đều đạt cả, các nhân vật rất đáng nhớ: một cô bé bị ám ảnh bởi việc thi hoa hậu trẻ con, người cha ám ảnh bởi việc phải thành đạt như một self-help author (note: người Mỹ đọc các sách dạy thành công hơi bị nhiều, trong best-selling list của Amazon lúc nào cũng thấy vài cuốn như Đắc nhân tâm, 7 thói quen của người thành đạt...); người mẹ luôn mong muốn giữ được gia đình không bị đổ vỡ nhưng lại quá căng thẳng và stressed để làm được điều đó; người cậu-một học giả về Proust và cũng đồng tính luyến ái như Proust- từng tự tử không thành công vì cậu sinh viên-người tình của mình rơi vào tay một học giả chuyên về Proust khác; ông nội- ham thích đọc các tạp chí khiêu dâm và bị đuổi ra khỏi nhà dưỡng lão vì hút heroin; và người anh trai cô bé- sùng bái Nietszche, khinh bỉ loài người cùng với lời nguyền sẽ không nói ra một từ nào với loài người cho tới khi được nhận vào Không lực.
2. The Departed: Phim remake của Vô gian đạo (Infernal Affairs) mà có lẽ nhiều người xem rồi. Nội dung về cơ bản tương tự Vô gian đạo, khác một chút trong đoạn cuối và một số nhân vật. Ấn tượng chung là phim này làm chặt chẽ và logic hơn Vô gian đạo nhưng lại không gây được các ấn tượng về chiều sâu của nội tâm nhân vật. Tất nhiên, nhận xét có thể không được khách quan lắm vì bị ấn tượng bởi phim trước rồi. Vô gian đạo là một phim tragic kiểu phương Đông, nhiều đoạn có vẻ mang tính biểu tượng hơn là thực tế trong khi The Departed lại là một tragedy kiểu phương Tây, chặt chẽ và hợp lý hơn. Có điều là nếu so với các phim làm từ thập niên 70 của Scorsese như Raging Bull hay Taxi Driver thì có vẻ càng về sau, Scorsese càng có phần hướng ngoại và ưa sử dụng bạo lực như một hình thức gây shock hơn, thay vì dùng bạo lực như một cách diễn giải, một sự kéo dài của các mâu thuẫn, xung đột bên trong nội tâm nhân vật. Khác biệt nữa là ông cũng chuyển từ việc phân tích một situation (Taxi Driver, Mean Street, After Hours) sang các phim có tính tiểu sử và hơi có tính epical (Raging Bull, Goodfellas, Casino, Gangs of New York). The Departed đúng ra là rơi vào phim situation nhưng cách xử lý của tác giả cũng thiên về hướng ngoại. Anh Leo nói nhiều, chửi bậy cũng rất nhiều chứ không có vẻ hiền triết khổ sở, mắt buồn đau đáu như anh Lương Triều Vĩ. Điểm chung các phim của Scorsese chắc là sự bùng nổ bạo lực ở đoạn cuối phim như là cách giải quyết mâu thuẫn và trong đoạn đó thì thường có máu đổ đầu rơi. Trong The Departed cũng vậy, đoạn cuối phim có khá nhiều xác người và các nhân vật chính thì đều chết ráo.
No comments:
Post a Comment