Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Hàng vạn công nhân Trung Quốc hiện đang có mặt ở Việt Nam.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn đặt câu hỏi: Kích cầu…hàng Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội ước tính sẽ có 300-400 nghìn người trở nên thất nghiệp chính thức do khủng hoảng kinh tế 2009. Theo viện trưởng viện Khoa học lao động-xã hội thì số người mất việc có thể lên tới 500.000, cộng thêm con số 1 triệu người thất nghiệp hiện nay đưa tổng số thất nghiệp lên tới 1,5 triệu người. Con số này hẳn không tính tới hoặc bỏ qua số liệu thất nghiệp phi chính thức, hay bán chính thức. Trong một phóng sự gần đây, VTV đưa tin có thể hàng triệu lao động ở các làng nghề có khả năng mất việc hay thiếu việc làm. Báo Tiền Phong đưa tin hai triệu công nhân ngành may mặc đứng trước nguy cơ thất nghiệp và thiếu việc làm nghiêm trọng khi mà tới đầu tháng 3, 70% doanh nghiệp trong ngành chỉ nhận được các đơn đặt hàng cho tới hết tháng ba. Thêm vào đó là hàng ngàn người Việt Nam đi xuất khẩu lao động phải trở về nước.
Trong khi hàng chục vạn lao động Việt Nam đang mất việc thì chúng ta lại nhập khẩu lao động hàng vạn người Trung Quốc sang Việt Nam để khai thác khoáng sản và xây dựng hạ tầng. Trong số các dự án đó có nhiều dự án nhận được hỗ trợ của Nhà nước nhằm kích cầu. Kết quả là nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhận được “kích cầu” của cả chính phủ Việt Nam và chính phủ Trung Quốc khi đầu tư ở Việt Nam. Lao động Trung Quốc được mời chào vào Việt Nam trong khi lao động Việt Nam lại đang mất việc làm chính trên nước mình.
Thêm vào đó là tình trạng nhập siêu trong quan hệ mậu dịch với Trung Quốc sẽ càng trở nên trầm trọng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn viết về chính sách của hai chính phủ với một mặt hàng rất quan trọng mà Việt nam nhập siêu từ Trung Quốc:
“kể từ tháng 12-2008, Trung Quốc đã hạ thuế xuất khẩu từ 15% xuống còn 0% đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời với việc nới rộng quản lý bằng giấy phép đối với xuất khẩu thép để thúc đẩy đầu ra được mạnh hơn. Đây là những chi tiết cụ thể trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với chín ngành hàng trọng điểm năm 2009, đã được Trung Quốc công bố. Tất nhiên, thép có mặt trong danh sách.
Thép xây dựng Trung Quốc, qua một vài nhà nhập khẩu Việt Nam, đã đàng hoàng đi bằng cửa chính vào thị trường nội địa với một số lượng đáng kể mà hầu như không vấp phải một hàng rào thuế quan nào, do các nhà xuất và nhập khẩu chọn được một lỗ hổng rất lớn trong chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam.”
Hầu hết các nhà kinh tế trên thế giới đều phản đối việc áp đặt chính sách bảo hộ trong thời khủng hoảng, cho rằng nó lợi bất cập hại, và làm giảm lợi ích tổng thể. Nhưng chính sách thương mại cần đặt trên cơ sở tương hỗ và cùng có lợi. Chỉ trong sự việc nhỏ trên đã cho thấy sự bất cập trong chính sách kích cầu của Việt Nam. Trong khi chính sách kích cầu của Trung Quốc hướng về xuất khẩu, hỗ trợ các ngành công nghiệp có khả năng xuất khẩu thì kích cầu Việt Nam lại có thiên hướng gia tăng tiêu dùng nội địa, điển hình thông qua các công trình xây dựng hạ tầng và công nghiệp đồ sộ dùng vốn ngân sách mà các nhà thầu Trung Quốc thường xuyên thắng thầu do áp dụng mức giá thấp (việc tại sao họ có mức giá thấp cũng là một vấn đề cần nghiên cứu thêm) và rất có thể còn là các khoản lót tay nhẹ nhàng và dễ dàng cho các chủ đầu tư.
Ở đây tôi không muốn nhận xét gì về hiệu quả của chính sách kích cầu của Việt Nam vì không có đủ thông tin và cũng chưa đọc kỹ về nó. Nhưng quan sát trên báo chí có thể thấy rất nhiều sự bất hợp lý, lộn xộn, tùy tiện và mù mờ trong việc áp dụng chính sách này. Lấy ví dụ: căn cứ của việc hỗ trợ lãi suất là gì? Chính phủ kiểm soát nào đối với việc sử dụng tiền ngân sách (tức là tiền thuế của dân) để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn? Tại sao có sự thiếu minh bạch trong việc công khai đối tượng được hưởng trợ cấp lãi suất cũng như những bất cập trong việc sử dụng vốn hỗ trợ này để cho các mục đích khác (như đảo nợ)? Hay các chính sách về giá điện: tăng giá điện bất chấp các phản đối của cả công chúng và nhiều nhà nghiên cứu mà không có lý do gì rõ ràng, thuyết phục.
Và cả những chuyện buồn cười, sặc mùi cơ chế xin-cho như lời ông Thứ trưởng Công thương tuyên bố sau khi tăng giá điện: “nhóm sản phẩm nào quá sức chịu đựng thì sẽ kiến nghị lên Thủ tướng xin gỡ khó". Ở đây có thể đặt ra câu hỏi: liệu doanh nghiệp nào có thể “xin” Thủ tướng gỡ khó cho? Là các tập đoàn Nhà nước hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân? Và khi đi “xin” như thế, họ có tiếp tay cho tham nhũng hay không. Tại sao cái gì cũng cần tới quyết định của Thủ tướng, phải chăng ông có trí thông minh hơn Einstein để có thể quyết định được mọi việc như thế?. Nhưng quan trọng hơn cả chuyện tham nhũng “có thể” là sự rối bung của chính sách khi một chính sách được đưa ra luôn kèm theo các ngoại lệ dành cho những ai khôn ngoan và biết “lách”.
Còn năng lực điều hành của Chính phủ. Tổng kết lại thì đó là các lời hứa thất bại. Thủ tướng từng hứa kinh tế sẽ phục hồi vào giữa năm 2009 nhưng tới tháng 3/2009 đã phải xin rút chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,5% xuống 5%. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng hứa hẹn kinh tế sẽ hồi phục vào tháng 5/2009, nhưng tới gần đây lại khẳng định kinh tế sẽ hồi phục vào cuối năm chứ không phải tháng 5. Cứ đà này thì rất có thể trong mấy tháng nữa, chúng ta lại được nghe các lời hứa và lời “xin” mới. Việc này có lẽ cũng không khó lắm khi mà ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã “mở đường” bằng nhận định trên Vietnamnet: “Tôi cho có lẽ giữ mức 3,5% đã là cố gắng.”
Nói ngoài lề, tôi thấy cái chỉ tiêu tăng trưởng nghe rất vô duyên. Cái cần là dự đoán tăng trưởng như các tổ chức quốc tế vẫn làm chứ không phải là đặt chỉ tiêu tăng
trưởng rồi sau đó vì lo sốt vó cho việc đạt chỉ tiêu đó mà làm những chuyện thiếu tỉnh táo như tàn phá môi trường, bán tài nguyên với giá rẻ, vay mượn tùm lum hay thậm chí biến báo số liệu…chỉ nhằm sao cho đạt được mục tiêu đó vì cho rằng nó gắn với “uy tín chính trị” của Chính phủ. Cách tư duy “chỉ tiêu tăng trưởng” cũng là sản phẩm của thời bao cấp kế hoạch hóa. Việc này khác với chỉ tiêu lạm phát (inflation targeting) vì chỉ tiêu lạm phát có thể đóng vai trò là một sự tự giới hạn, một thứ kỷ luật cho chính sách tiền tệ của NHTW. Một số nghiên cứu cũng cho thấy việc thực hiện lạm phát chỉ tiêu có thể có tác dụng kìm hãm lãm phát trong một số nền kinh tế nhất định.
Monday, March 30, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment