- Tết là dịp hiếm hoi nghe tiếng gà gáy trong thành phố- những con gà chờ bị giết thịt cho những mâm cơm ngày Tết. Giờ là 2h sáng mà đã văng vẳng tiếng gà.
- Đêm giao thừa, trời lạnh ngắt, màn pháo hoa xem trên nóc thượng cũng buồn tẻ. 1h30 sáng mùng 1 đã nghe tiếng người rao bán muối trong cái lạnh 8 độ C đêm mùa đông.
- Cũng khá lâu rồi (4 năm có lẽ) mới lại có một cái Tết ở Hà Nội, nhưng hầu như không cảm thấy không khí Tết. Chỉ là những ngày mùa đông lạnh giá kéo dài. Năm nay trời lạnh nên ngoài đường cũng thưa thớt, không đông đúc như những cái Tết trong ký ức. Lại nghĩ, giá đường phố Hà Nội lúc nào cũng như mấy ngày Tết, không quá đông đúc, chật chội tới mức ngột thở như hàng ngày. Nhưng đó là một trong những cái "giá mà" chắc không bao giờ thành hiện thực.
- Hà Nội quen thuộc đến phát chán. Một câu hỏi thường xuyên nhận được là có thấy Hà Nội thay đổi gì không. Câu trả lời có thể là có, có thể là không, tùy hứng, nhưng luôn phải kèm theo lời giải thích.
- Lại bắt đầu chặng đường mới. A long winding road/ that leads me to your door.
- "Nước Mỹ, nước Mỹ" của Phan Việt là một tập truyện ngắn hay (tuy mới đọc được khoảng 1/2), viết khá đều tay. Chúc mừng Phan Việt. Tuy nhiên tôi không cảm thấy thuyết phục lắm ở những đoạn "chửi bậy" trong truyện, có cảm giác nó không phù hợp lắm với tâm lý của nhân vật chính.
Có thể coi "Nước Mỹ, nước Mỹ" là sự tiếp tục của "Tiếng Người" với hai nhân vật chồng-vợ với cá tính khá nhất quán (nhất là nhân vật "chồng"). Trong "Nước Mỹ, Nước Mỹ" hiển hiện sự cô đơn của những người xa xứ, như trong "The Interpreter of Maladies". Nước Mỹ đã mất sự hào nhoáng, chỉ còn tiện nghi, những người Việt trong "nước Mỹ" cũng không còn sự háo hức với những giấc mơ, chỉ còn thói quen và nơi trú ẩn. Và họ lại mơ về "Canada, Canada"!
Còn Việt Nam? Những bế tắc của các du học sinh nước ngoài trở về hội nhập với cuộc sống Việt Nam chính là chủ đề trong tiểu thuyết "Tiếng Người" của Phan Việt. Trong tập truyện ngắn này cũng có một truyện ngắn mang tên "những ngày ở Việt Nam" kể về tâm trạng của một cô gái trở về nhà ăn Tết cùng gia đình. Chép vài đoạn:
"Còn lạ gì? Biết rồi, còn lạ gì? Tại sao ai cũng nói câu này với tôi? Tại sao ai cũng đủng đỉnh, ai cũng bảo họ biết mọi thứ, họ đang sống bình thường hơn tôi. Vậy mà cứ động vào đâu cũng thấy rơi, thấy vỡ, thấy nổ, thấy sập, thấy chen lấn xô đẩy, thấy thấp thỏm cuống cuồng, thấy khó hiểu mất lòng. Và chết."
"Sáu năm trước, tôi rời Hà Nội, Khi tôi đi, mọi thứ ở đây đều rõ ràng và chắc chắn. Anh trai tôi mới cưới vợ, lúc nào cũng cười. Em trai tôi mới vào đại học, vẫn còn là một thằng nhóc 17 tuổi đáng yêu vừa rời chuyên toán cùng một lũ bạn lúc nào cũng xộc xệch quần áo vì đá bóng;...Lúc tiễn tôi ra sân bay, ai cũng mừng cho tôi, ai cũng tự hào vì tôi. Còn tối hôm qua, ai cũng nói rằng họ lo lắng vì tôi."
Và trong đầu cô gái chập chờn một hình ảnh: "Trong đầu tôi chỉ có một hình ảnh duy nhất: cái bàn gỗ sồi lớn, nằm gần cửa kính trong thư viện trường ở Boston. Cái bàn ở góc trong cùng, ngay bên dưới bức tượng bằng đồng tạc những hình người trần trụi vươn lên cao."
Đó là "giấc mơ Mỹ" của cô? Hay đó là nơi trú ẩn khỏi những bất an và ồn ào, những đủng đỉnh, những rơi, vỡ, nổ, sập, chen lấn, xô đấy, thấp thỏm cuống cuồng...?
Cuối truyện cũng là hình ảnh một dáng người vươn lên cao "Người thợ điện đang trèo lên những nấc thang đầu tiên. Anh ta đang lên cao dần, cao dần trên đỉnh cột điện cạnh đống rác nơi tôi đang đứng." Dưới chân cột điện là hoa đào, túi nilong rác và lông gà.
hit counter
Tuesday, January 27, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment