Monday, October 23, 2006

Nước Nga và chủ nghĩa dân tộc

Ôi nước Nga thân thiết của tôi ơi

Nhà gỗ thông xanh khoác áo choàng tượng chúa...
Một màu xanh mát ngắm nhìn thuê thoả
Một màu xanh tít tắp tận chân mây

Như một kẻ hành hương từ xa đến
Tôi ngắm nhìn mãi đồng ruộng của Người
Bên lối vào le te bên thôn xóm
Những cây phong gầy guộc lá reo vui
... (Exenhin)

Nước Nga trong thơ Exenhin, trong tranh Levitan đẹp như thế. Và con người Nga vẫn được biết tới như những người mộc mạc, hồn hậu, chân chất.

Nước Nga bây giờ ra sao?
Đọc một loạt bài viết về nước Nga trên các diễn đàn của một số bạn đang sống ở Nga có thể thấy là nước Nga hiện nay rất có thể là nước mà tệ nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra nặng nề nhất trên thế giới. Và qua vụ án sinh viên Vũ Anh Tuấn, khi mà bồi thẩm đoàn, đại diện cho những công dân bình thường, xử trắng án cho thủ phạm, thì có thể thấy sự phân biệt chủng tộc ấy không chỉ dừng lại ở một số nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan mà là hiện tượng phổ biến trong xã hội. Nó còn tệ hơn các phiên tòa bất công ở miền Nam nước Mỹ những năm 40-50 trong các vụ án giết người da đen như trong các phim/truyện To Kill the Mocking Bird, In the Heat of the Night, Missisipi Burning. Trong các phiên tòa đó, ít ra một số kẻ thủ phạm cũng bị xử dù với mức án nhẹ hơn mức đáng bị xử. Và so sánh cách mà các nhóm phân biệt chủng tộc ở Nga ngang nhiên tấn công người nước ngòai giữa đường phố ấy với các vụ tấn công người da đen của hội KKK ở nước Mỹ cách đây 50 năm thì cũng có thể thấy là KKK chẳng ngang nhiên và nhận được sự dửng dưng, thậm chí khích lệ ngấm ngầm của cảnh sát, của công chúng như thế. Ít ra các thành viên KKK cũng còn bịt mặt.

Đó là chuyện nước Nga, một xã hội đang ngày càng hoen ố về tệ nạn phân biệt chủng tộc trong thế kỷ 21 trong khi các thành lũy kiên cố nhất xưa kia của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc như miền Nam nước Mỹ, Nam Phi hay Đức ngày nay đã và đang tiến dần tới sự hòa hợp và bình đẳng chủng tộc. Nước Nga thì ngược lại, đó quả thực là nỗi hổ thẹn và nỗi nhục mà người Nga nên tự cảm thấy.

Tại sao trong 70 năm XHCN, ở nước Nga không có mấy dấu vết của chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà chỉ trong vòng 10 năm từ ngày XHCN sụp đổ thì chủ nghĩa dân tộc cực đoan lại lây lan đến thế?

Ở đây có lẽ có hai nguyên nhân chính: thứ nhất, người Nga vốn dĩ có tư tưởng dân tộc cực đoan rất mạnh, điển hình có thể thấy qua các tác phẩm của Dostoevski. Thời Liên Xô cũ, người ta xóa nhòa đi khái niệm dân tộc và thay vào đó bằng khái niệm công dân Liên bang XHCN. Thế nhưng khi Liên Xô cũ sụp đổ và khái niệm công dân Liên bang XHCN trở thành một trò hề thì tạo ra một khoảng trống trong identity của người Nga và khiến nhiều người trong số họ tìm tới chủ nghĩa dân tộc như là một cố gắng bù đắp và tìm kiếm identity. Điểm khác của chủ nghĩa dân tộc thế kỷ 19 và chủ nghĩa dân tộc thế kỷ 20-21 ở Nga là chủ nghĩa dân tộc cực đoan thời Nga hoàng gắn liền với tôn giáo (Chính thống giáo), chứ không phải chủng tộc. Chủ  nghĩa dân tộc cực đoan ngày nay ở nước Nga trên thực tế là một thứ chủ nghĩa vay mượn từ chủ nghĩa Quốc xã của Hitler- vốn là thứ chủ nghĩa dân tộc của người German chứ không phải của người Slavơ.

Nguyên nhân thứ hai, thì nhiều người nói rồi, do sự khủng hoảng về mặt kinh tế, chính trị, do sự sụp đổ của người khổng lồ chân đất và khó khăn kinh tế khiến người Nga mất đi vị thế ngạo nghễ, chúa tể, "anh cả" thời chiến tranh Lạnh và phải đối mặt với việc nhiều người nước ngoài- trong mắt người Nga, vốn luôn là inferior hơn họ- trở nên vượt trội họ về nhiều mặt. Lòng tự trọng bị thương tổn cùng với sự ghen tị, hằn học lại càng đưa đẩy họ tới với chủ nghĩa dân tộc.

Nước Nga, từ xưa tới nay, vốn thiếu căn bản của một nền dân chủ và nền văn hóa-văn minh như ở châu Âu. Người Nga vốn chỉ quen sống bằng đức Tin (Chính Thống giáo hoặc CNCS) trong một chế độ chuyên chế quan liêu nặng nề (Sa hoàng hay Liên bang XHCN), khác với xã hội Tây Âu dựa trên nền tảng Lý trí- Dân chủ- Bình đẳng. Giờ đây cả thể chế chuyên chế lẫn đức Tin của họ đều không còn, không khỏi khiến người Nga hoang mang. Và trong cố gắng tìm lại mình đó, chủ nghĩa dân tộc xuất hiện như một niềm tin thay thế, một thứ hào quang AQ ru ngủ nhiều người thoát khỏi nỗi cay đắng hiện thực (tao không bằng mày bây giờ nhưng cụ cố nhà tao chả bằng mấy lần cụ cố nhà mày). Và kết quả là những người nước ngoài phải hứng chịu cơn giận dữ đáng tởm và là một vết nhơ của nước Nga.

Còn thái độ của người Việt thì sao: liệu chúng ta có nên có một nỗi hổ thẹn và nỗi nhục nào không (như những người Nga có lương tri cần cảm thấy trước tệ nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội họ) ?. Đọc thêm blog của em GT về cuộc biểu tình "dự định" của người Việt trước cửa sứ quán Nga. Tình cờ, đọc trên trang Wikipedia mới biết hôm nay cũng là ngày kỷ niệm Cách mạng Hungary 1956. Vâng, 50 năm trước, người Hungary có biểu tình chống lại người Nga.

No comments: