Sunday, December 10, 2006

Hanoi Day Three or Ngủ, thế hệ @, sống chậm, giao thông, thông lệ, nhạc Việt...

- Tình hình là dạo này từ lúc về Việt Nam, tớ ngủ rất ít, chỉ chừng 5 tiếng mỗi ngày. 11h30 là buồn ngủ díp mắt không cưỡng được, tới 4h30 lại dậy tỉnh như sáo nên không muốn ngủ tiếp. Thật trái ngược với thời kỳ huy hoàng 9 tiếng một ngày của mình đợt trước.

- Hà Nội mấy hôm nay trời rét, đi chơi cũng ngại. Vẫn chưa nhìn thấy Hồ Tây, Hồ Gươm thì chỉ đi qua chứ chưa ngắm nghía nó có khác gì ngày xưa không. Các cuộc nói chuyện với các bạn trong mấy ngày qua càng cho mình thấy xã hội mình sôi sục với việc kiếm tiền thế nào. Như mình đọc ở đâu đó một chú Tây nhận xét là ở Việt Nam, mỗi người dân là một nhà kinh doanh tiềm tàng. Âu cũng là một sự tốt cho đất nước trước một thế hệ trẻ trung, năng động và nhiều tham vọng thế.

- Lại nhớ tới bài phê bình thế hệ đi trước và vừa biện hộ vừa phê bình thế hệ @ của Cao Việt Dũng nhân vụ Sống và Yêu của Lê Vân đăng trên talawas đợt trước (btw, giờ về Việt Nam thì không vào được talawas, nghe nói đợt APEC thì Việt Nam tạm tháo firewall -bên cạnh đuổi trẻ em lang thang khỏi thành phố- để giữ thể diện nhưng sau APEC thì lại dựng lại firewal). Tìm lại trên một diễn đàn đoạn tản văn của Dũng- chính ra là tản văn mặc dù viết dưới hình thức essay. Không biết Dũng có tham vọng đặt tên thế hệ như Gertrude Stein- Hemingway với Thế hệ Bị Đánh mất hay Douglass Copland với Thế hệ X hay không? Nhưng Dũng đặt tên thế hệ (tớ phỏng đoán từ giữa 7x tới giữa 8x?) là Thế hệ trắng - một cái tên không rõ là bi quan hay lạc quan. Màu trắng là màu có thể hấp thụ, tiếp nhận mọi thứ màu, nhưng hình như nó không phải là màu.

"
Thế hệ chúng tôi là thế hệ trắng, áo trắng công sở Tây, màu trắng máy tính Mac và trắng tinh về lịch sử, trong khi thế hệ trước chúng tôi là một thế hệ đen (hoặc đỏ, tùy người nghĩ), thế hệ của bùn đất cánh đồng, hầm trú ẩn và thậm chí giao thông hào.

...Thế hệ trước chúng tôi bắt đầu có một thói quen đáng yêu là gửi chúng tôi sang những đất nước tiên tiến để đi học, với ham muốn và hy vọng cũng không kém phần đáng yêu là chúng tôi sẽ vì đó mà được đổi đời. Thế là vài phần trăm của thế hệ tuổi trẻ vàng son (những từ như the gilded youth hay la jeunesse dorée nhiều khi cũng còn hàm nghĩa chua chát mỉa mai) chúng tôi hì hụi với mấy cái máy tính hoặc to miệng phét lác về những chiến lược kinh doanh cho từ công ty xuyên quốc gia đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Và chấp nhận dễ dàng cái màu trắng kia. Đại đa số thế hệ chúng tôi nhanh chóng, như một phản xạ có điều kiện, bịt tai (hoặc sang trọng hơn là cắm headphone máy Ipod vào tai) khi bị tình cờ nghe thấy điều gì đó đi ra ngoài khuôn khổ những điều dễ chấp nhận (nhưng tầm thường), một dạng politically correct made in Vietnam. Đến nhà (trọ) của giới trí thức tương lai khi còn sống ở trời Tây đó là thấy đồ gỗ Ikea, thấy giày Camper, và, đôi khi, cả một cái lồng vẹt. Nhưng họ đã được giáo dục cẩn thận đến mức trong nhà không mấy khi có được đến một quyển sách. Đến kỳ làm tiểu luận, luận văn nhiều người không biết đến tra phích sách trong thư viện – dù copy cả đoạn dài trên Internet là chuyện quá dễ dàng và phổ biến đối với họ. Đã từng có nhiều du học sinh post ảnh khoe phòng trong những forum trên Internet. Vâng. Ba chiếc máy tính. Vâng. Cái điện thoại O2. Và zero quyển sách. Đại đa số chúng tôi chấp nhận dễ dàng cái được ấn định. Nhưng tôi không có thẩm quyền gì trách cứ họ. Thế hệ nào cũng chỉ chứa nổi một bộ phận rất nhỏ không chấp nhận sự áp đặt từ trên xuống. Nhưng vấn đề là phải có. Và nhất là ở những thế hệ khó nhọc loay hoay với những cuộc chiến vừa mới đi qua: thế hệ lost generation của Hemingway, và sau đó một chút, thế hệ của Harold Pinter và nhất là John Osborne (tác giả vở kịch Look Back in Anger – 1956), những người được mệnh danh là Angry Young Men (hoặc AYM, hoặc Angries). Trào lưu nào dù lớn đến đâu cũng chỉ có số lượng tham gia hết sức hạn chế. Cuộc cách mạng 1968 cũng chứng kiến đám đông thản nhiên đi qua bên cạnh. Dù gì thế hệ của chúng tôi cũng làm được một vài thay đổi. Họ đang dần làm tê liệt được hai thứ thuốc phiện phổ biến nhất của nhân dân trí thức Việt Nam: bóng đá và bia hơi, đã từng hoành hành trong cả một thế hệ, tức là cái thế hệ sống dưới cùng mái nhà với chúng tôi. Để nhiễm vài thứ thuốc phiện khác: không phải bia hơi, mà là quán café wifi (miễn phí hoặc không), không phải bóng đá, mà là đua xe F1, ôtô từ Toyota Vios đến Lexus, các thứ đồ điện tử từ MP3 Tàu nhái đến điện thoại Vertu. Dù gì thì cũng là có thay đổi..."

Comments của tớ "...
Còn nếu nói về thế hệ thì thế hệ CVD vẫn là thế hệ con ngoan trò giỏi, từng quảng khăn đỏ và đeo huy hiệu Đoàn viên nên CVD đòi hỏi có những phá cách này nọ thì hơi khó. Trách thế hệ đó ít đọc sách hay thiếu bản lĩnh văn hóa cũng bất công vì đó là thế hệ đang tìm cách thích ứng và theo kịp các giá trị vật chất của thế giới bên ngoài sau thời gian Việt Nam đóng cửa trong u mê. Cái thế hệ dám tự tin vào các giá trị của mình và hòa nhập thực sự (phần nào) vào dòng văn hóa thế giới phải là thế hệ 9x."

- Cái từ thế hệ @ thì không rõ ai đặt ra? Hình như Phan Huyền Thư hay Phan Thị Vàng Anh thì phải. Nhìn trên giá sách ở Đinh Lễ- Nguyễn Xí có một cuốn sách nhan đề là "Sống chậm thời a còng" không nhớ của ai, cũng không rõ nói về cái gì, hình như cũng mới ra. Tự hỏi không biết ở Việt Nam, cụ thể hơn là ở Hà Nội, người ta đang sống chậm hay sống nhanh thời @. Nhưng hình như có vẻ người Hà Nội vẫn nói nhiều hơn là làm, tỏ vẻ sống nhanh nhưng thực ra lại là sống chậm?. Bạn nói "Mỗi lần về Hà Nội là tớ hối hả như sống gấp". Còn mỗi lần về Hà Nội với mình thì lại cảm thấy thư thả hơn bình thường, mọi thứ đều chầm chậm chầm chậm chầm chậm.

- Buổi tối, nói chuyện với một cô bé từ Sài Gòn ra. Cô có nhi
ều quan sát rất thú vị về so sánh cách sống giữa hai miền. Một quan sát là cách ứng xử với luật giao thông và tình trạng tắc đường. Người Sài Gòn có những "luật ngầm" trong cách ứng xử này để giảm thiểu các khó khăn do va quẹt và tắc đường gây ra- Người Hà Nội thì không, vẫn mạnh ai nấy đi, miễn sao là mình thoát khỏi chỗ tắc đường nhưng chính việc đó lại càng làm đường thêm tắc. Hy vọng cùng với tình trạng giao thông ngày càng tệ ở Hà Nội, sẽ dần dần có thêm những quy chuẩn ở Hà Nội. Đợt này về tớ thấy cũng có nhiều tiến bộ trong quản lý giao thông ở Hà Nội, rất nhiều vạch phân đường, đèn xanh đèn đỏ được thiết kế cho các làn đường khác nhau, có thêm đèn báo thời gian người đi phải chờ trước khi có đèn xanh/đèn đỏ ở các ngã ba, ngã tư. (Nhưng đến giờ tớ vẫn không biết là ở Hà Nội hiện nay, đã được rẽ phải khi có đèn đỏ chưa, hay chỉ có ở những nơi có biển ghi là "được rẽ phải khi có đèn đỏ"?)

- Trong sách học về Lý thuyết trò chơi của tớ, có một phần về vai trò của các thông lệ và chuẩn mực (conventions and norms) trong việc tạo ra các cân bằng trong các tương tác xã hội. Một ví dụ là việc người New York tạo ra quy ước đi ở bên phải đường khi đi bộ trên vỉa hè để tránh va quệt nhau, mặc dù chẳng có luật lệ nào quy định người ta phải đi bên phải hay bên trái lề đường. Cùng với thời gian, việc này trở thành một thông lệ, một quy tắc hành xử chung là đi bên phải đường đi bộ, nhờ đó tránh được các phiền phức có thể có.

- Mọi người giới thiệu giúp trong thị trường băng đĩa nhạc- phim ở Hà Nội có những gì đáng mua/đáng xem. Tớ khá mù tịt về tình hình nhạc Việt Nam hiện nay, ngòai những Lam- Linh- Nhung- Hà từ tận thế kỷ trước.

- Sau khi mua một đống sách trắng trẻo, in đẹp, bìa đẹp mất gần 800.000 về thì cuốn sách hiện giờ mình đang đọc lại là một cuốn sách giấy đen, nhiều trang sách long ra- là cuốn "Những thiên đường mù" của Dương Thu Hương mà mình mua ở một hiệu sách cũ đường Láng cách đây chắc cả chục năm nhưng vẫn chưa đọc (sau khi đọc lướt vài trang rồi vứt đấy vì một số lý do- trong đó lý do chính chắc vì sự khó chịu trước cái nhìn negative và nặng nề về quá khứ). Giờ đọc thấy hóa ra nó hay hơn mình từng nghĩ về nó.

- Ban ngày, vào giờ làm việc hay buổi trưa tớ khá rỗi, nên nếu bạn nào có hứng cafe cà pháo gì lúc đó thì hẹn hò nhá.

No comments: