Hôm nay dở chứng, muốn viết gì đó về Kafka.
Vừa đọc xong Tuyển tập Kafka. Quyển này mua ở Việt Nam có khá đầy đủ các tác phẩm tiêu biểu của Kafka: truyện vừa Hoá thân, 2 tiểu thuyết Vụ án, Lâu đài (chỉ thiếu tiểu thuyết Amerika), một số truyện ngắn, trích đoạn Nhật ký và thư gửi Felice, thêm phần bình luận của một số nhà phê bình Việt Nam đồng thời cũng là dịch giả (phê bình cũng OK nhưng vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng Marxist nhiều quá, mất đi cái nhìn nhiều chiều).
Kafka là một nhà văn quá đặc biệt. Đúng là không quá khi người ta xếp ông vào một trong ba nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20, mở đầu cho trường phái Hiện đại: bộ tam gồm Kafka, Proust, Joyce hoặc Kafka, Joyce, Faulkner tuỳ quan điểm. Đáng chú ý là cả Kafka, Proust và Joyce đều chưa từng nhận giải Nobel (những kẻ đi trước thời đại của mình!). (Kafka còn hầu như không được biết đến khi còn sống và tổng số trang các tiểu thuyết và truyện ngắn ông viết chắc chỉ hơn 1000 trang).
Nhưng đúng ra trong số mấy người này thì chỉ có Kafka là còn đi xa, đi sâu hơn cả vì ông còn đặt nền móng cho trường phái Hậu hiện đại, ảnh hưởng tới những Marquez, Rushdie của thập kỷ 80-90. Marquez từng sửng sốt khi đọc câu đầu trong truyện vừa Hoá thân và nhận ra rằng à hoá ra người ta vẫn có thể viết văn như thế, khác với tất cả mọi quy tắc.
Còn về nội dung thì ông là người ảnh hưởng sâu nhất tới văn học hiện sinh, dòng văn học chế ngự văn đàn phương Tây trong 30 năm từ sau thế chiến thứ Hai và đóng góp ít nhất là bốn giải Nobel: Sartre, Camus, Beckett, Kenzaburo Oe. Bên cạnh đó, các tác phẩm về Dystopia, chủ đề con người cá nhân chống lại trong vô vọng với các thể chế quan liêu cũng có thể coi như bắt đầu từ Kafka.
Ngược lại, Kafka có lẽ chịu ảnh hưởng nhiều của Dostoievski và Kierkegaard, ông thường hay nhắc tới hai người này trong nhật ký của mình. Tuy các tác phẩm của Kafka không có dấu vết tôn giáo như của hai người trên và Kafka cũng không phải là người sùng đạo nhưng vẫn có thể diễn giải những cuộc hành trình vô vọng của những kẻ lạc lõng giữa thế gian trên như là con đường tìm đến God, đến một chân lý vĩnh hằng. Và sự ám ảnh về một tội lỗi mà những kẻ lạc lõng đó phạm trong khi vẫn hoàn toàn innocent cũng có gì đó liên quan tới cái original sin trong Kinh Thánh.
Cuộc đời Kafka cũng rất đặc biệt và nếu đọc về cuộc đời ông cùng với các thư từ, nhật ký của ông cũng góp nhiều vào việc hiểu thêm tác phẩm của ông, (không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dùng Freud để phân tích tác phẩm của Kafka). Đó là một con người kỳ lạ, luôn chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn, là một tiến sĩ Luật khoa có công việc ổn định, thậm chí còn là chủ một nhà máy riêng nhưng luôn hoảng loạn, chán ngán tất thảy, và chỉ tìm thấy niềm hạnh phúc khi viết văn (thế nhưng lại không bao giờ đủ dũng khí để bỏ việc mà viết văn cả). Quan hệ với phụ nữ cũng thế, có vẻ như Kafka khá quyến rũ phụ nữ và ông cũng thích điều đó. Nhưng mặt khác, ông lại sợ hãi trước việc phát triển mối quan hệ với họ, sợ cuộc sống gia đình và tình dục, sợ cô đơn nhưng còn sợ hơn nếu không được cô đơn.
Nhưng có một điểm không mâu thuẫn trong con người Kafka, đó là ý thức về sự tồn tại gắn với việc viết văn của mình.
Kafka viết trong nhật ký:
"Trong một vài năm gần đây, tôi nói với mẹ trung bình không nổi hai mươi từ một ngày, với bố có lẽ không nói gì khác ngoài những lời chào hỏi... Nguyên nhân đơn giản là tôi hoàn toàn chẳng có gì để nói với họ cả. Tất cả những gì không phải là văn học khiến tôi buồn và căm ghét tại vì nó cản trở hoặc kìm hãm tôi, mặc dù đó chỉ là do tôi nghĩ ra".
Kafka ý thức rằng mình sống là để viết văn nhưng sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được công việc đó. Đó cũng là lý do cả ba tiểu thuyết của ông đều vẫn được viết dở dang cho tới khi chết. Và khi chết, Kafka đề nghị người bạn thân mình đốt hết tất cả những tác phẩm, thư từ liên quan tới ông. (May là ông này, cũng là một nhà văn có tên tuổi, không thực hiện lời yêu cầu cuối cùng của bạn.)
"Có thể, tôi là một kẻ khôn ngoan, bởi vì bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng chết, nhưng không phải vì đã thực hiện tất cả những trách nhiệm đặt ra cho tôi, mà là vì tôi không làm được một cái gì trong số trách nhiệm đặt ra cho tôi và thậm chí không hy vọng vào một lúc nào đó sẽ làm được dù chỉ một phần điều đó".
Rất giống việc sống và chết của nhân vật Joseph K trong Vụ án!. (Chưa thấy một nhà văn nào sòng phẳng với cuộc sống như Kafka!). Và cái cảnh K bị giết cùng với câu cuối cùng của cuốn này "Như một con chó" để tổng kết đời mình cũng quá hay, như là chấp nhận mà như là chua xót, mỉa mai cho kiếp người và rất đậm chất black humor.
No comments:
Post a Comment