Thursday, June 08, 2006

Những biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ trong ca khúc Việt Nam sau 1975

Jason Gibbs
Những biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ trong ca khúc Việt Nam sau 1975
Nguyễn Trương Quý dịch
Nhiệm vụ của ta là phải đấu tranh cho lẽ phải. Mà đã đấu tranh thì phải bỏ sức lực, phải suy nghĩ và phải hy sinh những quyền lợi cá nhân, có khi là cả cuộc đời mình, cho lẽ phải chiến thắng (Đặng Thuỳ Trâm, Nhật ký, 2005, tr. 50-51).


Đó là những dòng viết ở tỉnh Quảng Ngãi năm 1968 của một bác sĩ trẻ Hà Nội, Đặng Thuỳ Trâm. Nhật ký của cô hiện đang là cuốn sách bán chạy nhất ở Việt Nam, có phần nào nhờ vào sự kiện một người lính Mỹ đã giữ gìn cuốn nhật ký sau cái chết của người bác sĩ trong một trận chiến năm 1971, và gần đây ông đã gửi lại cho gia đình cô ở Hà Nội. Sự phổ biến của cuốn nhật ký phần lớn do chủ nghĩa lý tưởng và sự hi sinh quên mình thấm vào nhật ký của người viết, lay động mọi người đọc, nhưng đặc biệt cộng hưởng ở một Việt Nam đang tìm kiếm lại chính mình sau những biến động xã hội nhiều va chạm mạnh kể từ khi mở cửa với phương Tây vào những năm cuối thập niên 1980.

Có lý để nói rằng Đặng Thuỳ Trâm là một tiếng nói từ “thế hệ vĩ đại nhất” của Việt Nam - một thế hệ đã thấm đẫm chủ nghĩa yêu nước và ý thức của chủ nghĩa cộng sản về nhiệm vụ và sứ mệnh. Chiến tranh với Mỹ vẫn còn gây tác động thành một dòng chảy mạnh trong tâm thế người Việt đương đại. Chính quyền không ngừng tưởng nhớ những người đã ngã xuống và dùng hình tượng chiến tranh để tiếp tục thúc đẩy nhân dân tiến lên. Hình tượng này thực sự rất có sức mạnh. Trong lĩnh vực ca khúc, chiến tranh cũng được khắc hoạ rộng rãi. Trong bài viết này, tôi xin đưa ra một số ca khúc do những người đã từng tham gia cuộc chiến này sáng tác, phân tích nội dung của chúng, để chỉ ra những sắc thái được chuyển tải trong việc thể hiện cảm xúc và ý nghĩa qua thời gian.

Nhiều bài trong các dịp lễ kỷ niệm chiến tranh, âm nhạc được dùng là những ca khúc sôi nổi của thời chiến, hoặc được viết để kỷ niệm chiến thắng, ví dụ như Tiến về Sài Gòn của Lưu Hữu Phước năm 1966 và Như có Bác trong ngày vui đại thắng năm 1975 của Phạm Tuyên.
[1]

Những ca khúc sau này được viết về chiến tranh có nhiều sắc thái hơn vì đề cập đến việc đương đầu với khó khăn, sự hi sinh và mất mát của phía người chiến thắng. Một trong những bài hát đầu tiên như thế là Vết chân tròn trên cát của Trần Tiến, do chính tác giả hát lần đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong Ngày Thương binh Liệt sĩ năm 1981.
[2]

Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến, 1981)

Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi
Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương
Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời.
Bài hát có đồng lúa mênh mang câu hò.
Bát hát có người lính đã hy sinh âm thầm
Cho hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn
Bài hát có trận đấu không quên bên đồi.
Bài hát có người lính biên cương thương mẹ
Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn để lại một bài ca trên cát trắng bao la
Vết chân tròn vẫn in hình trên con đường mòn cát trắng quê tôi.
Hát mãi trong tôi ôi bài ca cuộc đời cháy mãi trong tôi đốt mãi trong tôi…

Trong một bài báo về ca khúc của mình, tác giả kể về câu chuyện của một thương binh đã có một ca khúc có tên Tình yêu trong chiến tranh viết về những hi sinh của thương binh gửi đăng trên một nhật báo Hà Nội. Tờ báo từ chối ca khúc và nói họ cần những thứ nhiều chất quân hành hơn. Anh nối câu chuyện này với một lần tình cờ bắt gặp một người thương binh dạy học ở một vùng duyên hải đang chơi đàn guitar và hát cho học trò của mình. Người sáng tác đã tìm thấy cảm hứng và chất liệu hoàn thành từ cảnh tượng những vết chân tròn được tạo nên từ chiếc nạng của người cựu chiến binh, hình ảnh những đứa trẻ làng quê chạy nhảy và chơi giữa những triền cát (Trần Tiến 1985; Trần Hòa Bình 1987). Mặc dù mọi người nói về bài hát ở khía cạnh nhắc đến những hi sinh trong chiến tranh, người sáng tác có ý muốn thể hiện tâm trạng bình yên của những cựu chiến binh thời hậu chiến (Trần Hoàng Anh 2002).

Một ca khúc khác cũng xuất hiện sớm, là Bài ca không quên viết năm 1981 của Phạm Minh Tuấn. Bài hát được giới thiệu trước công chúng trong bộ phim cùng tên năm 1982 (Minh Quân 1982).

Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn, 1981)

Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên.
Có một bài ca không bao giờ quên, là lời mẹ ru con đêm đêm.
Bài ca tôi không quên, tôi không quên tháng ngày vất vả.
Bài ca tôi không quên, tôi không quên gót mòn hành quân hối hả,
Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya.
Nhưng giờ đây có giây phút bình yên, sao tôi quên.
Có giây phút bình yên, sao tôi quên sao tôi quên,
Bài ca tôi đã hát. Bài ca tôi đã hát, với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời.

Sau chiến thắng năm 1975, chính
quyền Việt Nam không để mọi người có thời gian để hồi tưởng hay than khóc. Thực ra, chiến tranh không kết thúc năm 1975, thay vào đó, chính quyền tiếp tục vận động người dân xây dựng lại đất nước, phát triển những vùng đất hoang thành vùng kinh tế mới, và tạo nên những con người mới hướng tới một tương lai xã hội chủ nghĩa hoàn thiện. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cũng tiếp nối bằng cuộc xung đột với Khmer Đỏ năm 1978 và Trung Quốc năm 1979. Vào năm 1981, tình hình đời sống Việt Nam trở nên vô cùng khó khăn. Như tác giả đã nói với tôi, vào lúc lũ lụt làm cho lúa gạo mất mùa, nhiều người Việt Nam đã rời bỏ hoặc tìm cách rời bỏ đất nước bằng thuyền hay đôi chân vượt biên. Ca khúc đối với ông là một cách để nhắc nhở người Việt Nam tiếp tục giữ vững phẩm chất của họ với chủ nghĩa anh hùng và hi sinh trước khó khăn đến sớm (Phỏng vấn Phạm Minh Tuấn, thành phố Hồ Chí Minh, 19.9.2005).

Cả hai ca khúc Vết chân tròn trên cátBài ca không quên dùng âm nhạc như một cách ẩn dụ để tiếp tục cộng hưởng từ thời chiến, thông qua những đóng góp của những người đã chiến đấu và trải qua những mất mát. Nhưng những ca khúc này không dùng nhịp quân hành để tái hiện những hi sinh của dân tộc, và thậm chí thể hiện sự khó khăn gian khổ bằng những giai điệu hết sức xúc động về cả sự trang trọng lẫn u buồn.
[3]

Năm 1986, tình hình xã hội và văn hoá thay đổi toàn diện với sự ra đời của đổi mới, phiên bản cải tổ của Việt Nam. Đổi mới là một chủ trương được chính quyền dẫn dắt, đưa ra danh sách việc cần làm công khai để diệt tận gốc những đặc quyền đặc lợi và tham nhũng. Một xã luận trên tờ Tuổi Trẻ năm 1986 nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày sinh Hồ Chí Minh, đã đề nghị chính quyền cần tự phê bình và lên tiếng kêu về “một số cơ quan Đảng, Nhà nước mà hiện nay đã trở thành những cung đình quan liêu xa cách nhân dân”. Nói chuyện với văn nghệ sĩ Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1987) nói rằng “người chiến sĩ văn cần có con dao thật sắc để gọt sửa những cái xấu, và còn cần phải có chất “gây men” để hình thành những cái mới trong đời sống xã hội”.

Trần Tiến đã trở thành sức mạnh dẫn đầu của đổi mới âm nhạc Việt Nam. Năm 1987, anh thành lập ban nhạc rock Đen-Trắng và lưu diễn dọc đất nước. Danh mục chương trình của anh, có tên Đối thoại 87, gồm những bài hát như Ý nghĩ trong phòng hải quanRock đồng hồ, một bài hát trong đó mượn hình ảnh kim giây để chỉ những người lao động bị sách nhiễu, trong khi kim phút và kim giờ đại diện cho những ông chủ và tầng lớp quan liêu hưởng lợi. Ca khúc mạnh bạo nhất và gây tranh cãi nhất của anh mang tên Trần trụi 87.

Trần trụi 87 (Trần Tiến)

Tôi đã thấy người mẹ năm xưa chào đón quân đi.
Mẹ mang mo cơm nuôi từng chiến sĩ.
Bà mẹ nào giờ đây lang thang xin ăn bên những toa tầu.
Anh có đau không anh, chị có đau lòng không?
Đừng hát, xin đừng mãi ngợi ca, những lời hát nhàm chán ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh, mà quên đi áo cơm và hoa hồng.
Không! Những người lính nằm xuống, không hề mong nhìn thấy quê hương hôm nay, đôi tay ăn xin cào xé tim ta. Không, xin đừng nói giả trá.
Đâu rồi những bàn tay năm xưa gian lao, nay ta bên nhau xây lại đời sống, vì tự do, áo cơm và hoa hồng. Không!

Bài hát đã gây sốc, vừa tạo ra sự hưởng ứng sôi nổi lẫn sự chỉ trích gay gắt. [4] Bài hát của Trần Tiến đã nhắc tới hi sinh của những người lính và những bà mẹ già đã nuôi giấu chiến sĩ, đang bị lợi dụng trong tên gọi của một chủ nghĩa yêu nước trống rỗng. Anh kêu gọi người Việt Nam hãy quan tâm đến người khác và hãy cùng nhau làm việc.

Cuối cùng thì đổi mới chỉ có thể đạt được đến thế ở Việt Nam. Trong một cuộc trao đổi với tôi, Trần Tiến kể đã từng bị giam giữ ở Thành phố Hồ Chí Minh vì trình diễn những ca khúc của mình. Anh kể về việc thoát ra được và đến gặp thẳng nhà lãnh đạo của đất nước Nguyễn Văn Linh để nói: “Trần Tiến không kích động bạo loạn, Trần Tiến kích động yêu nước” (Phỏng vấn Trần Tiến, 17.9.2005). Tuy nhiên, những bài hát này không còn được nghe thấy ở Việt Nam kể từ đó và không còn lúc nào thích hợp để viện dẫn những hi sinh trong chiến tranh để sửa chữa những bất công trong hiện tại.

Những bài hát sau này đã nhắc đến sự hi sinh của những người đã chết bên phía Cộng sản, nhưng so với trước, chúng đã thể hiện nỗi buồn và vết thương trong những mối quan hệ của những người mất đi người thân yêu của mình.

Tiếp theo là ví dụ về ca khúc Cỏ non Thành Cổ của Tân Huyền. Khi tôi nói chuyện với nhạc sĩ, ông nói từ lâu ông đã rất muốn viết một ca khúc về nỗi đau của chiến tranh. Năm 1990, ông đến thăm di tích chưa sửa chữa xong của nghĩa trang Quảng Trị tương lai bên trong phạm vi ngôi thành có từ thế kỷ 19, là nơi đã chứng kiến cuộc vây hãm khốc liệt năm 1972 khi những người lính miền Bắc chiếm giữ thị xã từ 1.5 đến 16.9 bằng một cái giá khổng lồ về quân số. Ca khúc thể hiện sự tương phản giữa vẻ đẹp của những vạt cỏ xanh bình yên mênh mông mà tác giả nhìn thấy hôm nay với những tháng ngày của thời điểm khốc liệt đã qua. Cỏ xanh mọc lên không chút vướng bận trên những thứ làm nên một nấm mộ chung. Hát ca khúc này cho người Quảng Trị, ông đã khiến họ xúc động rơi nước mắt (Trao đổi với Tân Huyền, Hà Nội, 30.9.2005). Một đặc điểm gây chú ý cho tôi là phong cách của ca khúc khá tương đồng với những ca khúc phổ thông ở miền Nam Việt Nam, nhất là khi tôi nghe qua giọng ca Thái Châu, một ca sĩ chế độ cũ.

Cỏ non Thành Cổ (Tân Huyền, 1990)

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ.
B
ình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa.

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ.
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ.
Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về...
Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ.
Cỏ xanh non tơ cỏ. xanh non tơ. xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình.

Cả nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đều tham gia cuộc phản công Tết Mậu Thân 1968. Năm 1991, khi nước bạn và nhà viện trợ của Việt Nam là Liên Xô tan vỡ, hai người đã cùng viết ca khúc Màu Hoa Đỏ. Trong bộ mặt của một tương lai ít chắc chắn như trước, họ muốn ca khúc của mình khẳng định cho mọi thời về sự hi sinh của những người đã ngã xuống cho tự do và thống nhất của Việt Nam.

Màu Hoa Đỏ (nhạc: Thuận Yến, lời: Nguyễn Đức Mậu, 1991)

Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo.
Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về!
Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che.
Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo.
Việt Nam ơi! Việt Nam! núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con.
Việt Nam ơi! Việt Nam! ngọn núi nơi anh ngã xuống.
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa.
Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn.

Theo nhạc sĩ, mùa thu trong ca khúc là chỉ mùa thu Cách mạng tháng Tám của Việt Nam năm 1945, mùa xuân là đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968. Hoa trong tên bài để chỉ người lính hi sinh, màu đỏ mang một ý nghĩa kết hợp đầy biểu tượng về vinh quang, cờ Việt Nam, và máu của người đã ngã xuống. Với những người viết, ca khúc là một sự tưởng nhớ dành cho những người lính Việt Nam, đã mang lại một không khí chung để chia sẻ đau thương, mất mát, và nỗi buồn của người Việt Nam (Phỏng vấn Thuận Yến, Hà Nội, 15.9.2005).

Địa danh được đề cập đến trong Màu hoa đỏ là một nơi mà người Việt Nam gọi là Trường Sơn. Đây là dãy núi cao xương sống của Đông Dương, chạy dài suốt miền Trung, và là cảnh tượng quen thuộc đối với hầu hết những người lính xuất phát từ miền Bắc. Nhưng không chỉ có những người lính. Những tuyến đường tiếp vận của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần anh hùng của nhiều phụ nữ trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng trong một lần vào tỉnh Hà Tĩnh năm 1968 đã nhìn thấy một đội những cô gái trẻ tuổi từ 18 đến 20, làm nhiệm vụ sửa con đường tiếp vận bị bom. Lúc đó ông viết bài thơ Khỏa trần Trường Sơn, để 26 năm sau viết thành ca khúc năm 1994.

Khỏa trần Trường Sơn (Nguyễn Đình Bảng, 1994)

Im vắng trong rừng trong veo dòng suối cả tiểu đội con gái khỏa trần giữa Trường Sơn
Mười hai tòa thiên nhiên lồng lộng giữa thiên nhiên nguyên trang nguyên trinh nguyên hình nõn nuột phút ngắm mình khỏa trần bất chợt câu hát ngân nga.
Khỏa trần giữa Trường Sơn trong ngọc trắng ngà như một bầy tiên sa ú oà mặt suối chợt cơn gió từ xa ào tới lá rừng xao xác bay.
Khỏa trần giữa Trường Sơn để tự lấp đầy khoảng im vắng trống trơn đoạn đường con gái nỗi khoa khát nên kìm hóa dại tiếng cười rú từng cơn.
Khỏa trần giữa Trường Sơn
Một đời xuân độc thoại vật vã cùng con đường sốt rừng đeo đẳng mãi cả tiểu đội con gái Trường Sơn khỏa trần.

Mới đọc thì thấy những từ được viết ra có một chân dung thôn dã, nửa khêu gợi, nhưng thực tế chúng thể hiện quá khứ và hiện tại đầy gian khó của những cô gái trẻ này. Nguyễn Đình Bảng cho tôi biết việc khoả thân ở đây là hiện thân của sự lộ mình mà không có nơi ẩn náu, không được bảo vệ khỏi nguy hiểm triền miên, của những người phụ nữ không được trang bị vũ khí hay vỏ bọc sắt thép nào khi đối mặt với những trận bom oanh tạc ngày nối ngày (Phỏng vấn Nguyện Đình Bảng, Hà Nội, 14.9.2005). Ông cũng kể về hoàn cảnh của họ:

Suốt ngày cuốc xẻng dọn đường, mở đường. Đêm đứng nhìn từng đoàn xe qua, í ới vui cười chốc lát rồi lại trở về im lặng. Thấp thoáng bóng dáng của những người đàn ông xa lạ lướt qua họ, không thể nào neo đậu dù chỉ là một ngày. Thế rồi "một ngày như mọi ngày", không ai ở lại mà tuổi xuân thì vụt trôi qua tự bao giờ.

Điều làm nên ấn tượng mạnh nhất cho người sáng tác là những hi sinh tuổi trẻ của những cô gái - họ chưa từng có gia đình và họ chưa hề yêu (Đinh An Linh 1997, 6-7). [5]

Nếu vấn đề những người lính mất tích khi làm nhiệm vụ là điều quan trọng đối với nước Mỹ, thì nó trở nên nghiêm trọng hơn nhiều đối với người Việt vốn mất mát nặng nề hơn. Từ giữa những năm 1990, đã có một hoạt động phổ biến của những người lính và gia đình đi tìm kiếm những gì còn lại của đồng đội và người thân.
[6] Ca khúc Khúc ru tìm đồng đội của Hoàng Tạo khắc hoạ nỗi buồn thương và sự thanh thản trong việc tìm lại đồng đội mất tích. Âm nhạc của ca khúc pha trộn giữa lối hát ru than vãn với nhịp điệu da diết u uẩn lắng sâu bên dưới.

Khúc ru tìm đồng đội (Hoàng Tạo, 2002)

Ơi a a bạn, ơi a a anh,
Đất đai lặng im đầy tình, có thiêng thì cho mình gặp.
Đồng đội đi tìm đồng đội như lòng ai dọc hành trình.
Hỡi lối a mòn,
Hỡi suối ngàn thu cất lên một tiếng trầm hùng thầm sầu là ngh
ĩa tận cùng,

Trở lại tìm đồng đội,
Người đồng đội đã yên nằm mà sự tích trận đánh âm vang chiều rừng xa.
Rồi mai đón anh về, đồng đội lại gặp đồng đội, đầm ấm làng xóm của ta bên anh, bên anh ngàn năm.

Ca khúc Lá thư gửi từ lòng đất của Phan Lai Triều là lời kể lại từ bức chúc thư viết năm 1972 của Lê Văn Huỳnh, một người đàn ông trẻ gửi cho gia đình và người vợ mới cưới. Thư của anh viết cho vợ có câu “khi được sống hoà bình hãy nhớ đến anh” được dùng làm câu kết bài hát, nhưng trong thư điều nhắc đến rất rõ là muốn vợ hãy gắng đi tìm mộ, và mô tả trước chỗ mà cô có thể tìm ra được. Cuối cùng vào năm 2002, cô đã đến được nơi chôn anh gần sông Thạch Hãn ở Quảng Trị. Lời bài hát là một lời khẳng định tiếp tục của sự thuỷ chung và đợi chờ của người vợ (Nguyễn Văn Thục 2004).

Lá thư gửi từ lòng đất (Phan Lai Triều, 2004, dựa trên lời thư của Lê Văn Huỳnh)

Ngày đồng đội về dù không thấy bóng hình anh
Nhưng em đừng buồn vì anh yêu tổ quốc và yêu em yêu cả cuộc đời.
Ngày hòa bình về nhoà trong nước mắt tìm anh,
Em đi tàu vào rồi qua sông Thạch Hãn là nơi anh xa mãi cuộc đời.
Đọc lá thư anh xiết bao nỗi niềm thương nhớ,
Đã bao năm em đợi em chờ,
Dù lửa đạn dù nắng mưa dù tóc em xanh nay đã bạc màu,
Mà bây giờ thư anh mới đến được tay em.
Đọc lá thư anh, lá thư gửi từ lòng đất,
Em nhớ thương anh khắc ghi lời anh nhủ khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh.
Khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh.

Ở phần đầu tôi đã trích dẫn nhật ký của bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm. Một cô gái Hà Nội gốc, mới tốt nghiệp từ trường Y, cô đã trải qua gần 4 năm ở tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất và liên miên nhất. Cuốn nhật ký khác thường vì nó đã đem đến một cái nhìn không tô vẽ về cuộc chiến. Cô viết về khoảng thời gian hai năm của tình đồng chí, sự hi sinh và chủ nghĩa anh hùng, nhưng cũng viết về những người bạn và bệnh nhân gục ngã vì chiến tranh. Nhật ký dường như là một người bạn đường mà cô có thể tìm thấy sức mạnh để đối mặt với những thử thách ghê gớm phía trước. Khía cạnh gây xúc động nhất của cuốn nhật ký là nỗi cô đơn của cô gái. Khi tôi tìm gặp, Trần Tiến đã trình bày một bài hát mới cho tôi nghe dựa trên cuốn nhật ký với đầu đề Tôi cô đơn như một ngọn cờ (bài hát quá mới nên tôi chưa có được tài liệu âm thanh). Một phần lời được lấy từ những dòng cuối từ những trang cuối nhật ký viết ngày 20 tháng Sáu 1970 (hãy so sánh với lời ca khúc được chép tiếp sau):

“Không, mình không còn thơ dại nữa, mình đã lớn, đã dày dạn trong gian khổ nhưng lúc này đây sao mình cảm thấy thèm khát đến vô cùng bàn tay chăm sóc của một người mẹ mà thực ra là một bàn tay của một người thân hay tệ hơn chỉ là một người quen cũng được. Hãy đến với mình, nắm chặt tay mình trong lúc cô đơn, truyền cho mình tình thương, sức mạnh để vượt qua những chặng đường gian khổ trước mắt” (Đặng Thùy Trâm 2005, 256).

Tôi cô đơn như một ngọn cờ (Trần Tiến. 2005)

Tôi cô đơn như một ngọn cờ
Ngọn cờ khát khao
Ngọn cờ bão giông
Ngọn cờ xé nát trong lòng đạn thù
Ngọn cờ vút bay trong niềm kiêu hãnh Tự Do
Tôi cô đơn như một ngọn cờ
Trên đỉnh núi hoang vu đời tôi
Tôi vinh quang như một ngọn cờ
Trên đỉnh dốc gian nan đời tôi.

Thèm biết bao nhiêu bàn tay của mẹ
Hãy về bên con trong giây phút cô đơn.
Thèm biết bao nhiêu bàn tay bè bạn
Xiết chặt tay tôi trong giây phút gian nan.
Thèm biết bao nhiêu bàn tay dù lạ
Níu chặt vai tôi trong giây phút hoang mang.

Tôi cô đơn như một ngọn cờ
Tôi vinh quang như một ngọn cờ.

Trần Tiến ví Đặng Thuỳ Trâm và sự khó khăn gian khổ của cô với một ngọn cờ bị bom đạn bắn nát. Ngọn cờ đứng kiêu hãnh cho dù bị uy hiếp dữ dội, biểu tượng cho thời đại của một thế hệ oanh liệt nhất của Việt Nam.

Để kết thúc, tôi muốn có một vài nhận định rộng hơn về những ca khúc này. Tất cả chúng đều làm vai trò của một hình thức tưởng niệm. Chúng đều bắt nguồn từ một xã hội mà những sản phẩm văn hoá được nhà nước quy định. Hơn nữa, những nhà sáng tạo làm công việc về âm nhạc đều là hội viên của các hội đoàn văn hoá của chính quyền. Mọi ca khúc trên, ngoại trừ Trần trụi 87, đều được phát đều đặn trên đài phát thanh và truyền hình Việt Nam, đặc biệt trong ngày lễ kỷ niệm của đất nước; nhiều bài đã giành được giải thưởng quốc gia.

John Bodnar đã nhận định một chức năng của việc kỷ niệm của nhà nước là “làm dịu lại những lo âu về sự đổi thay” (1992, 14). Những ca khúc đầu tiên gợi lên nỗ lực tập thể của đất nước trong cuộc chiến như một ý nghĩa cần được tiếp tục thực hiện trong hiện tại. Bài ca không quên nhắc lại những gian khổ đã qua nhằm vượt qua sự bi quan trước hoàn cảnh khó khăn hiện tại; Vết chân tròn trên cát nói đến những đóng góp của những người trở về từ chiến tranh, dù bị tàn phế nhưng vẫn có thể tiếp tục cống hiến. Trần trụi 87 cũng nhắc đến khó khăn và những nỗ lực tập thể của đất nước, nhưng dùng những hình ảnh có thể làm xấu hổ cho những kẻ trục lợi trên mồ hôi xương máu chung.

Những bài hát tiếp sau là những biểu hiện của sự xót thương và tôn kính. Những ca khúc này đều buồn và cảm động, nhưng cũng là sự tẩy rửa muộn phiền đầy sức mạnh. Nói về cuộc đấu tranh chính trị trong công việc tưởng niệm của Mỹ, Bodnar đem sự tranh cãi quanh chuyện Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial –
www.nps.gov/vivi/) ở thủ đô Washington làm một ví dụ. Ông viết rằng đối với những nhà chức trách, tưởng niệm chỉ đơn thuần xem như “một hiện thân tinh thần của chủ nghĩa yêu đất nước và dân tộc”, trong khi đối với người dân họ xem như “một biểu hiện của tình đồng đội và nỗi buồn chiến tranh” (1992, 15). Mặc dù mong muốn của nhà chức trách có ra sao, ông cho rằng càng ngày chức năng của Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam càng thể hiện theo suy nghĩ của người dân nhiều hơn.

Trong mọi bài hát Việt Nam tôi đã nhắc đến trên đây, hai nửa theo như phân chia của Bodnar –chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc đối trọng với tinh thần đồng đội và nỗi đau - thật hạnh phúc là chúng cùng tồn tại (1992, 9). Đối với bên chiến thắng, một bên mà không cảm thấy băn khoăn hay mắc nợ gì về hậu quả chiến tranh, việc hai nửa cùng tồn tại dường như không có gì khó cả. Tuy nhiên, trong quá khứ, những nhà chức trách văn hoá Việt Nam rất nghiêm khắc trong việc loại trừ việc diễn tả nỗi đau buồn (Gibbs 2005). Trong những năm 1980 nỗi buồn đau bị coi như làm xao lãng những nỗ lực tiếp tục (thực tế là không bao giờ chấm dứt) xây dựng đất nước, và phát triển một viễn cảnh xã hội chủ nghĩa quốc tế.

Không chỉ là việc kỷ niệm, những bản chúc thư như Những lá thư gửi từ lòng đất và nhật ký như của Đặng Thùy Trâm mang cả chức năng giáo dục. Lớp trẻ được nhắc nhở về một thế hệ đi trước, vốn thiếu thốn quá nhiều nhưng đã được chuẩn bị để trong nhiều trường hợp sẵn sàng hi sinh bất cứ điều gì cho lý tưởng. Những bài hát này, tôi nghĩ chúng phản chiếu những tình cảm được đa số người Việt Nam chia sẻ. Tuy nhiên, có một khoảng trống im lặng phía sau số đông này, là những gì đã trải qua của người lính Việt Nam Cộng hoà – bên thua trận. Sự mất mát của họ không có tiếng nói ở Việt Nam ngày nay (Kirk 2005). Tôi hi vọng thông qua việc giới thiệu những ca khúc này chỉ ra rằng qua thời gian có một mối quan tâm trường cửu trong việc tôn vinh và hiểu được mất mát lớn lao của dân tộc trong một chiến thắng. Niềm tin vào người đã ngã xuống, và với những người còn sống, tiếp tục được dùng để phác nên một niềm tin vào hiện tại và tương lai.


Tài liệu tham khảo:

Bodnar, John. 1992. Remaking America: Public Memory, Commemoration, and Patriotism in the Twentieth Century (Tái tạo nước Mỹ: Ký ức chung, Tưởng niệm, và chủ nghĩa yêu nước trong thế kỷ 20). Princeton, NJ: Princeton University Press.

Đặng Thùy Trâm. 2005. Nhật ký. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Đinh An Linh. 1997. “Bài hát lạ và tâm sự của người nghệ sĩ,” Người đẹp Việt Nam tháng Mười), 6-7.

Gibbs, Jason. 2005.
Nhạc vàng “hoá vàng”, Nguyễn Trương Quý dịch. talawas 23.6.2005.

Hiền Đức. 2000. "Nhạc Trần Tiến - những ngẫu hứng từ dân ca," Thế giới mới (tháng 5). Nhân Dân online - http://www.nhandan.org.vn/vietnamese/20000513/bai-vh10.html. Đọc 14.5.2000.

Hoàng Tạo. 2002. “Khúc ru tìm đồng đội,” Âm nhạc và thời đại (?), 21.

Kirk, Donald. 2005. “In Vietnam, War History Through a Political Lens,” Christian Science Monitor (June 16). www.csmonitor.com/2005/0613/p11s01-woap.html

Minh Quân. 1982. "Bài ca không quên của anh bộ đội," Tuổi Trẻ 13.3.1982, 5.

Nguyễn Thanh Đức. 1987. “Âm nhạc vào cuộc,” Tuổi Trẻ 14.11.1987, 4-5.

Nguyễn Văn Linh. 1987. "Văn nghệ sĩ hãy đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của Đảng," Nhân Dân 14.10.1987, 1; 4.

Nguyễn Văn Thục. 2004. "Linh hồn trong lá thư bất tử," Cửa Việt 118 (Tháng 7), 3-13.

Phan Lai Triều. 2004. “Lá thư gửi từ lòng đất,” phỏng theo thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Cửa Việt 120 (Tháng 9), 61.

Tô Ngọc Thanh. 2004 [1988]. “Suy nghĩ thêm về chương trình 'Đối thoại 87' của Trần Tiến,” Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu – lý luận – phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, vol. 5B; 160-166. Xuất bản lần đầu trên Âm nhạc 2.1988.

Trần Hòa Bình. 1987. "Từ những 'Vết chân tròn trên cát'...," Tiền phong 16.3.1987, 7.

Trần Hoàng Anh. 2002. "Những ‘Nốt tròn’ trên cát," Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh (Số đặc biệt 2.7.2002) - http://www.cahcm.vnnews.com/ds270702/dsnd27070217.htm. Đọc 28/8/2002.

Trần Tiến. 1985. "Vì sao tôi viết ca khúc 'Vết chân tròn trên cát'," Tuổi Trẻ 25.7.1985, 5.

Tú Ngọc. 2004 [1988]. “'Đối thoại 87' – Một cách tiếp cận cuộc sống”, Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu – lý luận – phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX, vol. 5B; 156-160. Đăng lần đầu trên tạp chí Âm nhạc 2/1988.

Tuổi Trẻ. 1986. "Tự phê với Bác”, Tuổi Trẻ 17.5.1986), 1.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Hai ca khúc này được phát sóng liên tục trong chương trình Giai điệu quê hương dành cho hải ngoại trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 30.4.2004.
[2]Đây là ca khúc đầu tiên làm nên tên tuổi Trần Tiến trong công chúng Việt Nam (Hiền Đức 2000).
[3]Trần Tiến (1985) viết rằng giai điệu trong bài hát được tạo ra để gợi lên hình ảnh những đỉnh núi cao, một biểu tượng cho phẩm chất của những người thương binh của đất nước anh.
[4]Xem: Nguyễn Thanh Đức (1987) về một đánh giá nhiệt tình đối với chương trình Đối thoại 87. Một nhà nghiên cứu âm nhạc đã ủng hộ sự đấu tranh của Trần Tiến đối với tình trạng trì trệ của Việt Nam mà anh ta nói là đang kìm hãm sự phát triển của xã hội. An
h ta nhận định rằng mục đích của nhạc sĩ là “thức tỉnh đạo lý làm người” (Tú Ngọc 2004 [1988], 158-159). Một nhà nghiên cứu khác lại cho rằng quan điểm của Trần Tiến là “không đúng với sự thật của hiện thực” mà chỉ mô tả một số ít những ví dụ bất hạnh (Tô Ngọc Thanh 2004 [1988], 165).
[5]Có thêm một câu chuyện về 10 cô gái trẻ tuổi từ 17 đến 22 đã bị chết trong một trận bom ở ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh, ngày 24.7.1968. Một tượng đài tưởng niệm họ được dựng ở ngã ba này. Năm 1997 bộ phim Ngã ba Đồng Lộc được ra mắt. Một bài hát của một tác giả nữ là Đỗ Kim Yến, Nghĩ về mười cô gái được phát trên kênh VOV3 của Đài Tiếng nói Việt Nam nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27.7.2005.
[6]Có thể lấy ví dụ như trên website của chương trình “Nhắn tìm đồng đội” - http://www.nhantimdongdoi.org/

Nguồn: “An Unforgotten Song: Representations of the American War in Vietnamese Song after 1975”, đọc tại hội thảo „Ba mươi năm sau: văn học và điện ảnh về chiến tranh Việt Nam“ (Thirty Years After: Literature and Film of the Vietnam War), University of Hawaii, 9 tháng 11, 2005. http://www.english.hawaii.edu/events/festival2005.html

No comments: