TT - “Ròng rã suốt gần 30 năm, từ khi rời chiến khu Việt Bắc về thủ đô (10-1954) đến khi mất, Trần Đức Thảo đều đặn và cẩn thận gửi tất cả những gì mình viết cho ông Phạm Văn Đồng. Thủ tướng đọc hết rồi giao cho tôi cất giữ. Ông dặn: phải bảo quản cẩn thận, để đến khi có điều kiện thì cho dịch và công bố”. - Việt Phương.
Người trong cuộc:
- Ông Phạm Văn Đồng có tiếng tốt là người tốt bụng, liêm khiết và có tâm nhưng cũng bị một số người trách là nhu nhược.
- Ông Việt Phương là tác giả bài thơ có câu "Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ", mỉa mai pha lẫn ngậm ngùi về cái thời mà trong bài này, ông gọi tên là "tập đại thành" của "sự giáo điều chân thực".
- Ông Trần Đức Thảo là một nhà triết học nổi danh khi còn trẻ (có thể là nhà triết học duy nhất của Việt Nam?) và một ông già lẩn thẩn và "ngây thơ" khi không còn trẻ.
Đọc bài này trên Tuổi trẻ không khỏi ngậm ngùi về một tài năng hiếm hoi của người Việt trong thế kỷ 20 đã bị bỏ lỡ.
" * Nhưng thưa ông, vậy tại sao nhà triết học trong sáng đến mức ngây thơ ấy lại chịu sự oan khuất đến hết cuộc đời như vậy, một nỗi oan khuất mà một vị thủ tướng cũng chỉ có thể che đỡ và xoa dịu chứ không giải tỏa hoàn toàn được?
- Trần Đức Thảo có lần nói với Thủ tướng: “Tạp chí Triết Học của VN toàn là chính trị, chẳng có chút triết học nào trong đó cả”. Thủ tướng cũng phải công nhận điều đó. Thời Trần Đức Thảo sống và nghiên cứu sau 1954, xã hội chúng ta là một xã hội đặc biệt mà nguyên nhân gây ra những bi kịch cho những trí thức như Trần Đức Thảo có khi không hẳn là sự độc ác hay ghen ghét của cá nhân hay thế lực nào đó.
Nguyên nhân chính, theo tôi, là sự giáo điều chân thực. Chính vì chân thực nên chúng càng khủng khiếp. Cái giáo điều ấy độc lập với nhân cách của mỗi người. Có thể bản chất họ rất tốt nhưng khi đụng đến cái giáo điều của họ, họ trở nên đáng sợ. Và Trần Đức Thảo chính là một nạn nhân.
Nguyên nhân khác nữa là có những lực lượng ăn theo, không hề tin vào giáo điều ấy nhưng tung hô nó để tìm kiếm cơ hội cho mình. Đây chính là những kẻ phá hoại khủng khiếp nhất. Và một lực lượng thứ ba nữa là những người thiếu thông tin, thiếu kiến thức, không ở trong cuộc, một lòng một dạ tin theo những điều cấp trên nói, số đông nói.
Tất cả những lực lượng xã hội ấy làm thành một “tập đại thành” mà những thân phận trí thức như Trần Đức Thảo không thể hòa nhập được. Họ tất nhiên không thể hiểu được ông, mà ông cũng không bao giờ tìm cách làm cho họ hiểu mình. Ông cứ đơn độc một mình, lầm lũi với triết học của mình. Và đau xót cho chúng ta là ông không cho rằng đó là bi kịch nữa kìa. "
No comments:
Post a Comment