Trong bài điểm phim Battle of Algiers tôi có nói tới phim chính trị. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, không biết nên xếp Battle of Algiers là phim chính trị hay phim chiến tranh? Trên IMDB, người ta xếp nó vào phim chiến tranh. Nhưng có lẽ thông điệp sâu sắc hơn của bộ phim là trên khía cạnh chính trị và vì thế, tôi sẽ xếp nó là một phim chính trị hơn là phim chiến tranh. Nhân thể, có một phim khá hay cùng thể loại chiến tranh du kích đô thị (urban guarilla warfare) là Michael Collins, phim làm về cuộc đời của thủ lĩnh quân sự Ai-len Michael Collins, người có thể coi là cha đẻ của chiến tranh du kích đô thị, cũng có thể xem là khủng bố, và là cha đẻ của nước Ai-len độc lập. À mà còn một phim chính trị nữa mà tôi cũng rất thích là Land and Freedom kể về nội chiến Tây Ban Nha.
Đó là về phim chính trị. Còn tiểu thuyết chính trị thì sao? Có vẻ không nhiều lắm và nhiều khi có sự lẫn lộn giữa thể loại này với thể loại khác nhưng cứ coi như tiểu thuyết chính trị là những tiểu thuyết có một thông điệp chính trị nào đó, cũng tương tự các tiểu thuyết triết học của Camus, Sartre hay Ayn Rand thường chứa đựng một thông điệp hay một vấn đề triết học/đạo đức nào đó.
Trong số tiểu thuyết chính trị, có thể kể tới các tiểu thuyết về tình trạng phân biệt chủng tộc ở Mỹ hay Nam Phi như To kill a mocking bird, Invisible Man, Hãy để ngày ấy lụi tàn, các tiểu thuyết của các nhà xã hội chủ nghĩa hay cộng sản như Gót sắt của Jack London hay Ruồi trâu, Thép đã tôi thế đấy..., các tiểu thuyết về cuộc sống dưới chế độ cộng sản hay phát xít như The Joke của Kundera, Cuốn vở lớn của một tác giả người Hungary, Darkness at Noon của Koestler hay các tiểu thuyết tưởng tượng về một thế giới đại đồng như các tác phẩm của George Orwell hay Brave New World, Farenheit 451...
Nếu Túp lều của bác Tôm được ví có sức mạnh không kém một đoàn quân trong Nội chiến Mỹ thì Invisible Man và Native Son lại được coi là tuyên ngôn của người da đen trong cuộc chiến đòi quyền công dân những năm 60. Và nếu như ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, các cuốn tiểu thuyết như Thép đã tôi thế đấy hay Ruồi trâu từng khiến các thế hệ thanh niên nô nức rạo rực đấu tranh và xây dựng vì một thế giới tốt đẹp hơn thì ở những nước tư bản-dân chủ, các cuốn tiểu thuyết như 1984 hay Darkness at Noon lại có sức mạnh không kém phần, khi vạch ra sự lừa dối và nhẫn tâm trong các thể chế toàn trị.
Về 1984 thì có lẽ nhiều người đã đọc và đã biết nhưng Darkness at Noon thì có lẽ không nhiều người từng đọc. Đáng chú ý là tác giả của cả 1984 và Darkness at Noon đều là những người tả phái, Orwell theo chủ nghĩa xã hội và từng chiến đấu ở Tây Ban Nha còn Koestler thậm chí còn từng là một trong những thủ lĩnh cộng sản quan trọng trong Quốc tế cộng sản và cũng từng chiến đấu ở Tây Ban Nha (và suýt bị Franco xử tử ở đó). Cả hai cuốn sách đều nặng nề và khó đọc nhưng không phải do văn phong mà do không khí ảm đảm ở trong đó, Orwell có phần trữ tình hơn trong khi Koestler lại có óc phân tích sắc sảo. Orwell viết về một thế giới tương lai trong khi Koestler viết về cuộc đại thanh trừng của Stalin trong những năm 30 ở Liên Xô. Nhưng cái chung khiến cho hai tác phẩm này nổi tiếng là vì chúng đã phân tích một cách chính xác đến giật mình về cơ chế vận hành và logic hành động trong các xã hội toàn trị, nhất là khi người ta lấy mục đích làm biện minh cho phương tiện. Cuốn của Orwell nổi tiếng và có ảnh hưởng lâu dài hơn vì chế độ xã hội trong tác phẩm của ông không phải chỉ giới hạn trong một xã hội toàn trị mà còn là hình ảnh và tương lai có thể của bất kỳ một xã hội nào. Nhưng Darkness at Noon có lẽ là cuốn phân tích tâm lý hay nhất về những người cộng sản, và chỉ ra điểm sai lầm nghiêm trọng trong lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, cũng như những mâu thuẫn không thể giải quyết dưới chế đô này bằng sự phân tích cực kỳ sắc sảo và khúc triết.
Bộ ba Cuốn vở lớn của tác giả người Hungary Agota Kristof lại là một tác phẩm đặc biệt khác, ở đó chiến tranh và chính trị được nhìn qua con mắt trẻ thơ. Một tác phẩm huyền ảo, lôi cuốn và gần như là đau xót. Tố cáo chiến tranh? Tố cáo nền chính trị độc tài? Hay sự tàn nhẫn vốn có của con người? Những đứa trẻ phải học nhìn cuộc đời bằng con mắt của người lớn (và vì thế tất nhiên sẽ bị méo mó), đó là điều đáng sợ. Nhưng đáng sợ hơn là khi người ta- cả trẻ con lẫn người lớn- không thể nhìn cuộc đời bằng con mắt của những đứa trẻ- như những Andersen hay Saint Exupéry. Một xã hội như thế sẽ là đáng sợ hơn cả.
Sunday, August 27, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment