Sunday, February 22, 2009

Ma chiến hữu

img


Trên blog đang ồn ào bàn tán về cuốn Ma chiến hữu của Mạc Ngôn do dịch giả Trần Trung Hỷ dịch, công ty Phương Nam và Nhà xuất bản Văn học xuất bản. Có thể đọc ở trên blog Người buôn gió và blog Hoang Linh. Cũng xem thêm nhận xét của Trương Thái Du trên BBCVietnamese:

Tôi đã đọc cuốn này sau khi được biết (qua blog Trương Thái Du) rằng cuốn này đề cập tới số phận những người lính Trung Quốc trong chiến tranh Việt-Trung 1979. Tôi nghĩ một cuốn sách đề cập tới một cuộc chiến tranh với góc nhìn từ phía bên kia sẽ gợi mở nhiều điều thú vị. Tôi tìm đọc cuốn này cũng như trước kia từng tìm đọc các cuốn The Quiet American của Graham Greene, The Things They Carried của Tim O'Brien hay Tree of Smoke của Denis Johnson, hoặc xem các phim Trung Đội, Trời và Đất, Rambo, Apocalyse Now, Full Metal Jacket...

Tôi chưa đọc bản tiếng Hoa của cuốn sách (và cũng không biết tiếng Hoa để đọc) nên không thể nói về nguyên bản mà chỉ có thể nói về bản dịch của Trần Trung Hỷ. Cũng không rõ bản dịch tiếng Việt có cắt xén gì so với bản tiếng Hoa không. Nhìn chung, tôi nghĩ Ma Chiến Hữu là một cuốn sách hay. Cuốn sách đề cập tới thân phận của những người lính Trung Quốc tham chiến tại Việt Nam. Họ đều là những thanh niên nông thôn nghèo thất học. Họ tham chiến mà không biết rõ lý do tại sao lại tham chiến, chỉ đơn giản là bị bắt lính và đi lính thì đỡ miệng cơm ở nhà, nếu chết trận thì gia đình ở nhà cũng được một khoản tử tuất còm. Đến khi kết thúc chiến tranh thì kẻ còn, người mất, những kẻ sống sót cũng có số phận mạt rệp, nghèo khổ, cùng quẫn, chịu ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh. Không những thế, họ còn bị chính quyền và nhân dân lãng quên. Trong truyện có đoạn các hồn ma tử sĩ Trung Quốc khóc than đau đớn khi biết tin Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và họ cảm thấy rằng cái chết của họ là vô nghĩa.

Tôi nghĩ chủ đề cơ bản của cuốn sách này mà tác giả của nó là một nhà văn quân đội rất nổi tiếng của Trung Quốc là phản chiến. Đứng trên phương diện người Trung Quốc, tác giả cho rằng cuộc chiến Việt-Trung vô nghĩa và người mất mát và hy sinh, rốt cục, lại cũng chỉ là những người lính thường nghèo khổ. Trong bản dịch tiếng Việt, tôi cũng không thấy có những chi tiết nhạo báng, chửi bới, nhục mạ người Việt hay quân đội Việt Nam. Đúng là có những chi tiết những người lính Tàu chúc tụng nhau lập nhiều chiến công, giết nhiều quân địch (như trong trích dẫn trên blog Người buôn gió)...nhưng đó là những việc xảy ra ở bất cứ quân đội nào, trong bất cứ cuộc chiến nào. Tiểu thuyết này còn có sự mỉa mai châm biếm khi nhân vật được coi là anh hùng, tài giỏi nhất truyện, thượng sĩ Tiền Anh Hào- người được bạn đồng ngũ kỳ vọng sẽ lên làm Tư lệnh trong tương lai- lại chết lãng nhách, khi chưa giết được một người Việt nào chỉ bởi cái mông nhô quá cao của viên Tiểu đội trưởng khiến cả tiểu đội lính Tàu hứng trọn trận pháo Việt. Và cũng không có dòng nào mô tả ai trong các cựu chiến binh ấy đã giết được người Việt như thế nào.

Tôi có thể hiểu sự phẫn nộ của nhiều người đọc với những người chịu trách nhiệm trong việc dịch và in cuốn Ma Chiến Hữu ra tiếng Việt. Tuy nhiên, tôi không cho rằng cuốn sách này là một cuốn ca ngợi chủ nghĩa anh hùng như lời PR ngu xuẩn của nhà xuất bản Văn học ở bìa 4. Không phải là ca ngợi mà đó là sự nhạo báng, lên án của một nhà văn quân đội Trung Quốc đối với một cuộc chiến tranh vô nghĩa, vô lý và không cần thiết. Với những người lính Tàu sống hay chết tại cuộc chiến thì Mạc Ngôn có một sự cảm thông sâu sắc, nhưng cái khiến tác phẩm sống động cũng không phải là ở "chủ nghĩa anh hùng" mà là ở tình đồng đội. Đó chính là lý do khiến cuốn sách này có tên là "Chiến hữu trùng phùng" trong bản tiếng Hoa. Nhưng chính điều đó lại càng khiến lời PR trên bìa 4 của tác phẩm ("Một cách ca tụng riêng về chủ nghĩa anh hùng") thêm phần ngu xuẩn và phản cảm. Bởi lẽ khi tán tụng chủ nghĩa anh hùng của các quân nhân Trung Quốc trong cuộc chiến chống Việt Nam thì NXB Văn học đã xúc phạm tới những người Việt đã hy sinh trong cuộc chiến đó dưới bàn tay của các "anh hùng" Trung Quốc. Hơn thế, như tôi đã nói, nó còn sai lệch so với chủ đề tác phẩm.

Dù sao, tôi nghĩ nên đón đọc cuốn sách này một cách bình tĩnh. Chúng ta có thể xem phim, đọc sách của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam đứng trên phương diện của người Mỹ thì việc đọc sách của người Tàu viết về chiến tranh Việt Trung trên quan điểm của người Tàu cũng là chuyện bình thường, để có thể hiểu thêm những góc độ khác của chiến tranh (miễn là những tác phẩm đó không xuyên tạc, bôi nhọ một cách có dụng ý).

Như vậy, tự thân nó thì việc dịch, xuất bản và đọc cuốn sách này ở Việt Nam thực ra không có vấn đề gì cả. Nó cũng tương tự với việc ở Mỹ người ta xuất bản Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Nhưng nó chỉ là bình thường với một điều kiện: đó là sách vở, báo chí Việt Nam được tự do bàn luận tới chiến tranh biên giới, được tri ân những liệt sĩ hy sinh, được bình luận, phê phán những góc độ khác nhau của chiến tranh... Nếu điều kiện đó không được đáp ứng thì việc xuất bản cuốn sách này lại là một việc rất bất thường và phản cảm.

Nó cho chúng ta thấy sự méo mó, dị hợm, nhược tiểu, hèn nhát của chúng ta. Trong khi người Trung Quốc có thể viết sách về chiến tranh Việt-Trung, xuất bản chúng thì người Việt Nam không thể: từ tiểu thuyết của Trần Thu Trang bị yêu cầu cắt xén vài câu liên quan tới chiến tranh Việt Trung cho tới tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến bị thu hồi và nhà xuất bản Đà Nẵng bị đóng cửa bởi lý do trên. Trong khi người Việt không thể đọc được những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh Việt-Trung thì lại có thể dễ dàng mua được sách của người Trung Quốc viết về chiến tranh này. Trong khi báo chí Việt Nam không được đề cập tới chiến tranh Việt Trung thì lại vẫn có thể đọc thông tin từ các t
rang mạng bán chính thức của Trung Quốc về vấn đề này*.

Đó quả là nghịch lý. Và đáng buồn là cái nghịch lý ấy lại phổ biến đến mức thành chân lý, cứ như tằm ăn rỗi, nuốt trọn dần tâm thức người Việt, khi mà phim ảnh, sách báo Trung Quốc tràn ngập thị trường văn hóa Việt Nam. Rồi cứ đà này, người Việt sẽ chỉ biết Càn Long là vị minh quân thánh chúa chứ không biết y là kẻ xâm lược Việt Nam năm 1789. Sẽ chỉ biết Đặng Tiểu Bình là vị lãnh tụ xuất chúng siêu quần chứ không biết y là kẻ xua quân đánh Việt Nam năm 1979. Sẽ chỉ biết Hứa Thế Hữu là lão tướng tài năng được Mao Chủ tịch yêu dấu chứ không biết y là kẻ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, Lạng Sơn và Cao Bằng 1979 (cho dù vị "tướng tài" mà báo Hà Nội Mới ca ngợi đó đã bị quân địa phương Việt Nam gây thiệt hại nặng nề đến mức bị Đặng tước quyền Tổng tư lệnh cuộc chiến xâm lược Việt Nam năm 1979). Sẽ chỉ biết tới những anh hùng quân đội Trung Quốc như "liệt sĩ" Tiền Anh Hào trong cuộc chiến Việt-Trung chứ không thể thuộc tên một anh hùng quân đội, một liệt sĩ Việt Nam nào trong cuộc chiến này.

Và rồi cuối cùng, chúng ta sẽ nhìn lịch sử Việt Nam bằng mắt của người Trung Quốc.


*Gọi là "bán chính thức" theo nghĩa các trang này được chính phủ Trung Quốc cho phép thành lập hay trực thuộc một cơ quan của chính phủ, chịu sự kiểm duyệt về nội dung của chính quyền tuy nội dung là do các thành viên đưa lên. Có thể lấy ví dụ về sự kiện trang sina.com đưa "kế hoạch" tiến chiếm Việt Nam (mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối) hay gần đây hơn, việc một số trang web Trung Quốc đưa tin, bình luận về cuộc chiến "tự vệ" của Trung Quốc trước Việt Nam (gọi là "tự vệ" theo cách gọi chính thức của Trung Quốc với chiến tranh biên giới Việt-Trung)


counter widget
img

No comments: