Friday, April 13, 2007

Thái Bình Thiên Quốc

Thêm về Thái Bình Thiên Quốc (dù biết cái này chắc ở đây, chả ai quan tâm!).

Thêm về TBTQ: Thái Bình Thiên Quốc là cuộc nổi dậy mà lãnh tụ chủ yếu là người Hakka và người Choang. Người Hakka là người gốc Hán nhưng nói thứ tiếng khác, di cư xuống miền Nam muộn, bị người Hán ở đây phân biệt đối xử, thậm chí không cho là người Hán tộc. Hakka có nghĩa là Khách- có lẽ đây cũng chính là nguyên nhân người Việt gọi người Tàu là người Khách?. Từng xảy ra xung đột dữ dội ở Quảng Đông giữa người Hakka và người Hoa ở đây (nói tiếng Cantonese) trong nhiều năm trời khiến cả triệu người chết hay phải bỏ làng mạc. Người Choang thì là một giống người Việt cổ trong Bách Việt khi xưa, ở Việt Nam thì gọi là người Tày- Nùng, họ đã từng có một vương quốc sơ khai thời Nùng Trí Cao nhưng sau đó nhanh chóng bị áp chế bởi cả Việt và Hán, chỉ còn lại là các bộ lạc với các tù trưởng địa phương. Người Choang hiện nay là sắc tộc thiểu số đông thứ nhì thế giới (18 triệu) không có quốc gia riêng (sau người Kurd ở Trung Đông).


Các lãnh tụ Thái Bình Thiên Quốc hầu hết đều là người Hakka và Zhuang, trong quân đội cũng rất đông binh sĩ từ hai sắc tộc này. Lãnh đạo chủ yếu là người Hakka (ngoài Thạch Đặc Khai là nửa Choang nửa Hakka). Trong lực lượng của TBTQ ban đầu cũng có hai phe thường xung đột quyền lợi: phe Quảng Đông (nhiều người Hakka) của Hồng Tú Toàn và phe Quảng Tây (nơi nhiều người Zhuang) của Dương Tú Thanh. Chính vì thành phân tham dự đội quân này ban đầu chủ yếu là người thiểu số, ít bị ràng buộc bởi văn hóa Hán nên họ có thể thực hiện các biện pháp cách mạng trái ngược hẳn với truyền thống Hán tộc: đập bỏ bàn thờ Tổ tiên, phá bỏ Nho giáo, chế độ cộng sản, bình đẳng phụ nữ. Ngay cả khi số quân khởi nghĩa đông nhất thì số người Choang và Hakka cũng lên tới 1/4 tổng số quân đội.


Điều khá thú vị trong cuộc khởi nghĩa này là đội quân TBTQ đã chiến thắng trong hầu hết các cuộc giao chiến với quân chủ lực của chính quyền là các đội quân Bát kỳ của người Mãn và quân Cờ Xanh (Green Standard) của người Hán. Họ chỉ gặp thất bại duy nhất một lần đáng kể khi đội quân Bắc tiến bị tiêu diệt ở Thiên Tân bởi quân chính quy Mãn- Hán do Tăng Cách Lâm Tấn chỉ huy, nhưng khi đó quân Thái Bình chỉ có hai vạn và ở trong vị thế hòan toàn nằm trong lòng địch. Đối thủ thực sự đánh bại họ lại là quân địa phương người Hán do các vị địa chủ- học giả chỉ huy và mộ lính. Đáng kể nhất là Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương, có lẽ là hai tướng tài nhất của nhà Thanh trong thế kỷ 19 (gọi là tài nhưng sau này Lý Hồng Chương đem thủy quân hiện đại hóa của mình đánh nhau với Nhật bị thảm bại, lực lượng thiện chiến nhất, hiện đại nhất của nhà Thanh bị tiêu diệt hoàn toàn). Các đội quân địa phương như Tương quân của Tăng Quốc Phiên có thành phần hầu hết là nông dân địa phương, được lãnh đạo bởi tầng lớp có học- hầu hết các tướng lĩnh thân cận của Tăng đều đỗ đạt, bản thân Tăng có bằng Tiến sĩ và là danh nho nổi tiếng. Tương quân lấy phương châm bảo vệ xóm làng, nêu cao truyền thống Khổng học, tướng sĩ một lòng phụ tử, nên trở thành đạo quân thiện chiến, có kỷ luật nhất. Ngược lại, quân Thái Bình thì lấy phương châm giải phóng dân tộc, xây dựng thế giới Đại đồng, bình đẳng tuyệt đối (có hàng trăm ngàn nữ binh trong quân đội Thái Bình).

Cuộc chiến cực kỳ tàn khốc, gọi là chiến tranh thì đúng hơn khởi nghĩa vì nó kéo dài tới 15 năm và làm chết hơn 20 triệu người và là cuộc nội chiến tàn khốc nhất trên thế giới từ xưa tới giờ- so với nội chiến Mỹ cùng thời kỳ chết 600.000 người. Cốt lõi của nó là xung đột có nhiều lớp như về sắc tộc: Hán- Mãn (nhưng cũng phức tạp vì người Hán tham gia đông và đóng vai trò quan trọng ở cả hai bên và thành phần lãnh đạo TBTQ thì lại là người Hakka-Choang), vùng miền: Nam - Bắc (thế kỷ 19-20 là thời kỳ miền Nam tiến lên miền Bắc, khác với thời xưa chỉ có Bắc tiến tới Nam- sau này Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch cũng từ Lưỡng Quảng mà thống nhất TQ); tôn giáo: Thiên chúa giáo bản địa- Khổng giáo; giai cấp: nông dân, vô sản hay tiểu tư sản- địa chủ và trí thức phong kiến. Nếu xét về mặt tư tưởng, có lẽ đó là sự đối chọi giữa tư tưởng cách mạng cực đoan có màu sắc của chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo không tưởng với tư tưởng bảo thủ, truyền thống của Khổng giáo. Tuy cuối cùng tư tuởng bảo thủ và truyền thống thắng lợi nhưng những mầm mống cực đoan cách mạng của người Trung Quốc thể hiện trong phong trào TBTQ vẫn còn đấy để rồi tới thế kỷ 20 lại bùng phát dưới ngọn cờ của Mao Trạch Đông. Nhưng Mao thì giỏi hơn Hồng Tú Tòan nhiều, có thể xem Mao là sự kết hợp của cả hai nhân vật lãnh đạo TBTQ: Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh- ông ta vừa có cái lươn lẹo chính trị, thủ đoạn và charisma của họ Hồng mà lại có tài năng quân sự, tầm nhìn chiến lược, hành động quả quyết của họ Dương. Thêm vào đó, ông ta còn là người Hán lại cũng có học, nên có lẽ còn có được cả cái thâm nho và lão luyện giống như Tăng Quốc Phiên. Thế nên họ Mao mới nhất thống thiên hạ và sau này gây ra khá nhiều trò bi hài kịch ở đất nước tỷ dân này.

PS 1: Dư đảng của TBTQ sau khi bị tiêu diệt tràn xuống Việt Nam thành các đội quân Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng, chưa kể vô số đoàn thổ phỉ khác, khiến tình hình chính trị và quân sự miền Bắc thời đó rất phức tạp- nhà Nguyễn có lần phải mời quân Thanh sang cùng dẹp thổ phỉ. Lưu Vĩnh Phúc, thủ lĩnh quân Cờ đen, là tướng cũ của TBTQ, về sau được nhà Nguyễn thu phục, và có thành tích giết Garnier. Sau này ông ta chạy sang Đài Loan, có làm Tổng thống Đài Loan một thời gian ngắn trước khi xứ này bị Nhật thôn tính. Nhân vật huyền thoại Hoàng Phi Hồng từng làm chức thầy dạy võ cho quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc.


PS 2: Vai trò của các nước phương Tây trong việc dẹp TBTQ là rất đáng kể, ở đây phải nói tới tài năng ngoại giao của Lý Hồng Chương- nhân vật t
ài giỏi nhưng cũng lá mặt lá trái tàn nhẫn bậc nhất, khác với phong cách học giả, chỉnh đốn và quân tử của Tăng Quốc Phiên. Đáng kể nhất trong những người phương Tây là tay phiêu lưu đánh thuê tướng Gordon người Anh- một tay rất giỏi và có đảm lược. Y từng suýt giết Lý Hồng Chương do Lý bội tín giết Lý Tú Thành dù Gordon đã hứa sẽ tha mạng cho Lý Tú Thành nếu chịu hạ thành Nam Kinh đầu hàng (và Lý Hồng Chương đã đồng ý). Gordon sau này sang Sudan làm tổng trấn, đánh thuê cho vua Ai Cập nhưng bị quân Hồi giáo Sudan hạ thành giết chết. Ngòai ra còn có Ward người Mỹ bị tử trận trong thời gian đánh TBTQ.


PS 3: Người Hakka nổi tiếng vì có nhiều nhà lãnh đạo chính trị trong thế kỷ 20. Đặng Tiểu Bình, Lý Đăng Huy, Lý Quang Diệu, ba chị em họ Tống, Thaksin (Thái Lan), Ne Win (Miến Điện)… Ngoài ra còn nhiều diễn viên ca sĩ cũng là người Hakka như Trương Quốc Vinh, Châu Nhuận Phát, Lê Minh…



No comments: