(posted elsewhere)
1. Kundera viết truyện như cách viết một bản nhạc cổ điển. Trên thực tế, ông ấy từng học nhạc và sáng tác nhạc trước khi viết truyện. Ông áp dụng lý thuyết âm nhạc khá nhiều vào trong truyện của mình, như cách chia chương đoạn với các tiết tấu nhanh chậm các phần, hay kể bằng nhiều giọng... Truyện của Kundera cũng có những tiểu thuyết tồn tại như là một tập hợp các truyện ngắn, như cuốn Sách cười và lãng quên.
2. Hình thức xen kẽ giữa truyện kể bằng các đoạn phiếm luận của tác giả, bên cạnh cách kể chuyện đa tuyến, cũng là một điểm độc đáo của Kundera tuy rằng nó không phải là quá xa lạ trong hình thức tiểu thuyết hậu hiện đại mà Kundera cũng là một đại diện. Trong một số truyện như Sự bất tử, bản thân tác giả cũng xuất hiện như là một nhân vật trong truyện và có sự giao thoa xuyên thời gian và không gian giữa các nhân vật và nhân vật, nhân vật và tác giả.
Nói chung những hình thức như thế được Kundera sử dụng khá nhuyễn, nên tạo ra hiệu quả khá tốt trong truyện, nhất là ở cuốn The Unbearable Lightness of Being, các tiểu luận hơi hướng triết học được ông lồng vào rất lý thú, làm rõ tư tưởng và tăng độ gắn chặt của bố cục câu chuyện rất nhiều. Một điểm lý thú nữa ở Kundera là ông xây dựng tiểu thuyết không dựa trên nội dung (plot) mà là trên một số khái niệm và từ vựng cơ bản làm bố cục của truyện (ví dụ nhẹ bồng-nặng nề, kitsch...). Chính vì thế mà trong cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết, ông để riêng một mục làm mục từ liệt kê các từ khoá cơ bản và cách hiểu chúng (chứ không phải định nghĩa chúng) như là nền tảng tiểu thuyết của ông.
3. Kundera căm ghét các tiểu thuyết tư tưởng, (tức là những cuốn lấy tư tưởng triết học hay chính trị làm chìa khoá để xây dựng tiểu thuyết kiểu như 1984 của Orwell, Buồn nôn của Sartre hay Kẻ xa lạ của Camus). Ông nói rằng "tiểu thuyết nói tới phân tâm trước Freud, biết đến hiện tượng học trước khi có các nhà hiện tượng học...", nói cách khác là ông hiểu tiểu thuyết như một cách biểu đạt tư tưởng đặc thù theo một cách mà triết học, chính trị học... không làm được. Và 1984 của Orwell cũng không khác một sản phẩm tuyên truyền là mấy.
4. Trong cuốn tiểu luận của mình, chính Kundera đã tỏ thái độ rất khó chịu với các tiểu thuyết lãng mạn (cũng như âm nhạc thời kỳ lãng mạn), coi nó gần như là một cái kitsch. Ngoài các bậc thầy thời kỳ hiện đại ở Trung Âu (Kafka, Hermann Broch, Musil, Thomas Mann...), thì các bậc thầy mà Kundera ca tụng là các nhà văn thời tiền Lãng mạn, tiền Hiện thực, tức là từ thế kỷ 18 về trước như Diderot và nhất là Cervantes.., ông nhận thấy ở đó có tính đa thanh và sự vui đùa, kể cả tính siêu thực mà trào lưu lãng mạn và hiện thực ở cuối thế kỷ 18 trở đi không còn nữa. Ông không thích thú với cả khuynh hướng tả chân của Banzac lẫn chủ nghĩa lãng mạn dạt dào của Victor Hugo. Ở khoảng thời gian giữa Diderot và Kafka, hình như chỉ có Tolstoy là người mà Kundera thực sự thán phục (và ở mức độ nào đó là Dostoievski tuy có vẻ ông không thích chủ nghĩa tình cảm, cấu kết plot rõ ràng với tính cách nhân vật cố định của Dost). Có thể còn có Flaubert nữa.
5. Bản thân Kundera cũng tự xếp mình là một nhà văn châu Âu, ông tán tụng chủ nghĩa lý tính của châu Âu (nhất là Pháp) và rất ghét chủ nghĩa tình cảm, mà phần nào đó ông cho là đặc điểm của văn hoá Nga mà ông tỏ ra dị ứng (một cách có lẽ hơi bất công và có tính cá nhân). Ông từng kể lại về việc lựa chọn dựng vở kịch Jacquez and His Master của Diderot chứ không dựng vở Thằng ngốc của Dostoievski như là một sự lựa chọn hướng đi nghệ thuật của mình.
6. Trong cuốn của Kundera này, trong số những đoạn mà tôi thích nhất là những chương viết về Kafka, rất hay. Cảm giác Kundera rất hiểu và thán phục Kafka, mặc dù phong cách của ông rất khác với Kafka.
7. (Không lỉên quan). Những cuốn sách hiện giờ tôi muốn đọc lại (vào một lúc nào đó) : Trăm năm cô đơn của Marquez, Nghệ nhân và Margarita của Bulgakov, Tuyển tập truyện ngắn Tchekov.
No comments:
Post a Comment