Thursday, February 08, 2007

Giăng lưới bắt chim và Ngồi



1. Giăng lưới bắt chim- Tập tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp. Ban đầu, tôi không kỳ vọng gì nhiều vè cuốn sách này vì thấy có một số bạn chê nó. Hơn nữa, tôi hay có cảm giác là các nhà văn ở Việt Nam ít khi có thể làm được nhiều hơn một việc, do một cái dớp hay cái mặc cảm nào đó. Bảo Ninh cuối cùng cũng chỉ có Nỗi buồn chiến tranh. Chu Lai, Lê Lựu... đều lặp lại mình trong các trang viết. Nhưng có lẽ chính vì không có kỳ vọng gì nhều vào cuốn sách này, mặc dù nó mới được giải thưởng về lý luận văn học gần đây, nên nó lại là một sự ngạc nhiên khá thú vị. Tôi đã đọc hết cuốn này trên chặng hành trình 26 giờ từ Hà Nội tới Minnesota (cùng với vở kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và 100 trang cuốn O Zahir). Các nhận định về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp trong "Trò chuyện với hoa thủy tiên" (hình như cũng gây ầm ĩ một thời gian?) và vài bài khác khá thú vị, và đa phần, theo tôi, là chính xác. Mặc dù, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp hơi ẩu về mặt tư liệu, (ví dụ trích dẫn nhận định của Khổng tử về tiểu thuyết nhưng mà lạy trời, thời Xuân Thu- Chiến quốc đâu có tiểu thuyết theo nghĩa như từ tiểu thuyết hiện nay, thêm nữa các trích dẫn của ông trong sách đều rất đại khái, rất khó kiểm tra là ông thực sự trích dẫn hay là bịa ra, đó là chưa kể một số sai sót về mặt tư liệu) và cảm tính trong các bài viết của mình. Các bài viết của ông, có lẽ nên xem là các mạn đàm trà dư tửu hậu về văn chương và về bạn văn, chứ không phải là các tiểu luận-phê bình văn học theo đúng nghĩa của nó. Nhưng các mạn đàm của ông nói chung đều thú vị và sâu sắc.

Đọc tập sách này cũng hiểu thêm chút ít về Nguyễn Huy Thiệp, ông có vẻ chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa dân gian, đôi chút của Nho học và Thiền học, và rất hâm mộ Nietzsche. Các chân dung văn học được ông đề cập tới đều là các nhà thơ dân gian như Đồng Đức Bốn (được ông coi là người làm hồi sinh thơ lục bát Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Tản Đà, Nguyễn Bính và Bùi Giáng) và Nguyễn Bảo Sinh. Có hai câu thơ của Đồng Đức Bốn mà ông hay trích dẫn trong cuốn sách này :
"Xong rồi chả biết đi đâu
Xích lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương"
Hai câu thơ phảng phất sự cô quạnh và bế tắc trong sáng tác, trong đời sống văn học ở Thủ đô, và có lẽ còn là sự cô quạnh và bế tắc của cả chính Nguyễn Huy Thiệp nữa.

2. Ngồi của Nguyễn Bình Phương là tiểu thuyết Việt Nam mới đọc gần nhất. Hôm trước vừa nói Thuận là tiếng nói lạ của văn học Việt Nam (dù không lạ lắm trên thế giới) nhưng đọc Ngồi thì mới thấy Nguyễn Bình Phương mới thực sự là tiếng nói lạ. Có thể nói Nguyễn Bình Phương là một trong số ít nhà văn Việt Nam để tâm và khá thành công trong việc cách tân hình thức của tiểu thuyết (trước đó có thể kể Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh và Nguyễn Xuân Khánh với Hồ Quý Ly). Tiểu thuyết của Phương pha trộn giữa hiện thực với tưởng tượng, không chú trọng nội dung của chuyện mà là cảm giác do nó mang lại tới người đọc. Đọc Ngồi còn thấy Nguyễn Bình Phương hình như muốn đưa ảnh hưởng của hội họa siêu thực, và âm nhạc với các tiết tấu, giai điệu khác nhau của câu chữ vào trong tiểu thuyết, nhằm tạo nên một ấn tượng về sự lùng bùng, bí ẩn, vừa pha trộn vào vừa tách bạch ra giữa thực và tưởng tượng/quá khứ/huyền ảo. Có gì đó hơi giống với bức tranh "Sự dai dẳng của trí nhớ" của Dali, trong đó có những chiếc đồng hồ bị kéo dài ra, dẹt lại, treo lủng lẳng trên cây, trong sự tĩnh tại của không gian xung quanh. Thời gian trong "Ngồi" đối với nhân vật Khẩn cũng là một thứ lùng nhùng như vậy. Người đọc khó phân biệt được trong các đoạn về chuyện của anh ta với một cô gái tên là Kim, đâu là tưởng tượng, đâu là giấc mơ khi ngủ, đâu là giấc mơ khi thức, đâu là quá khứ, đâu là huyễn hoặc...

Đọc xong Ngồi, nếu bảo review về nội dung của nó thì sẽ thấy rất khó, vì đây không phải là một tiểu thuyết theo nghĩa truyền thống, nó hơi giống với môt mảng cắt trong cuộc đời tẻ nhạt của một số viên chức bị lost in time, pha trộn thêm vào là những yếu tố huyền ảo. Những người đọc trẻ ở độ tuổi 8x có thể khó đồng cảm với nó, như Nguyễn Bình Phương tự nói, anh ta viết không cho những người trẻ tuổi, cách anh ta 10 tuổi hay hơn vì anh cũng không hiểu gì về họ cả. Trước Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Hoài đã đề cập tới sự bế tắc, ngột ngạt và vô dụng của cuộc sống viên chức Việt Nam trong Marie Sến. Có điều Hoài viết về thời mới mở cửa còn Phương viết về những năm 2000, tức là chừng 15 năm sau. Thực ra cũng có thể tách Ngồi ra thành hai tiểu thuyết/truyện ngắn: một về đời sống viên chức/Đảng viên trong các cơ quan Nhà nước và hai về các ảo ảnh/tưởng tượng/hồi tưởng của nhân vật chính trong truyện.Và cả hai phần này, theo tôi, đều là những trang viết hay (và đẹp nữa, nhiều đoạn phiêu diêu có thể so với những đoạn văn đẹp nhất trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh)- nó vừa gợi lên một cuộc sống thô tục, tầm thường và đầy dục vọng trong đời sống thực (vô số các từ chửi bậy, các đoạn mô tả sex khá trần trùi), vừa gợi lên một thế giới huyền ảo, bí ẩn tồn tại song song. Nếu như Khẩn ừ ào ba phải, sống bừa bãi trong thế giới thực bao nhiêu thì trong thế giới huyền ảo của anh, anh lại là người thông minh và dịu dàng. Nếu ở ngòai đời, anh sống không hôn thú với Minh, quan hệ tình dục với đồng nghiệp Nhung, với cả người đàn bà bán khoai nướng, chưa kể vô số lần đi chơi gái, thì trong giấc mơ/hồi ức của mình với Kim, anh nhớ ra mình chưa bao giờ làm tình với Kim. Và cả hai phần đó trộn lẫn với nhau hình thành nên cuộc sống của Khẩn- một viên chức/ Đảng viên/quyền trưởng ban... có lẽ ở tuổi cuối 30 và đầu 40. Trong thế giới thực anh không biết mình cần gì, tìm gì. Trong thế giới ảo, anh biết mình có Kim.

Ấn tượng chung sau khi đọc cuốn này là Nguyễn Bình Phương là một tác giả đáng đọc, mặc dù có thể không phải cho mọi người, nhất là n
hững người chờ đợi ở tiểu thuyết một câu chuyện có tính truyền thống, hay những kết luận đã có từ trước.

Có vẻ như Nguyễn Bình Phương và Thuận hiện đang là hai cái tên đáng kể nhất trong văn học Việt Nam vài năm qua, là những người đủ công lực và tự tin để tạo ra một hướng đi mới và riêng cho mình, khai thông dòng chảy văn học Việt Nam vốn tù đọng trong chừng 15 năm gần đây. Họ cũng là những người viết cần mẫn, với 4-5 tiểu thuyết trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.

No comments: