Hai cuốn này của Thuận cũng là những cuốn tôi tranh thủ đọc khi ở Việt Nam. Đã nghe tới tên tuổi Thuận từ khá lâu nhưng giờ mới đọc.
Đọc xong thì lại không biết nói thế nào về hai cuốn này. Thực sự, tôi thích T mất tích hơn, chính sau khi đọc xong cuốn này tôi mới tìm các cuốn khác của Thuận, nhưng chỉ tìm được Paris 11/8 mà không thấy Chinatown.
T mất tích là một tình huống kiểu Kafka: Một ngày kia một anh chàng người Pháp ngủ dậy và phát hiện ra vợ mình- một cô T nào đó người Việt Nam đột nhiên mất tích (so sánh: anh chàng K của Kafka tự nhiên bị kết án là có tội). Và bắt đầu từ quá trình tìm kiếm T và lo đối xử với những phức tạp nảy sinh trong cuộc sống liên quan tới việc T mất tích mà anh chàng kể chuyện không tên kia liên tục có những suy tưởng nối tiếp, sâu chuỗi với nhau theo kiểu nhân vật K trong Vụ án của Kafka. Nhiều suy nghĩ và liên tưởng khá thú vị thể hiện khả năng quan sát tinh tế của tác giả, cách dùng văn của người viết cũng dễ chịu, tạo điều kiện cho độc giả theo dõi được quá trình đó. Nói chung là cách viết khá mới lạ (ở Việt Nam).
Nhưng rút cục lại thì tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm ý đồ của tác giả: Phải chăng Thuận muốn nêu lên những tình huống con người, tưởng gần nhau mà thật xa nhau trong thế giới hiện đại, khi mà một ngày kia bạn chợt phát hiện là những người mà bạn tưởng như hiểu rõ, thân quen như đồ vật xung quanh bạn thật ra lại không phải là như vậy? Một tình huống alienation giữa người với nhau, như các vật thể rời rạc được nối với nhau bởi một số các sợi dây nào đó nhưng bạn sẽ chẳng bao giờ biết được chính xác các sợi dây đó là gì, và thực sự là sợi dây nào trong số đó mới đóng vai trò liên kết giữa bạn với những người kia?. Và rút cục lại, có thể đó lại là câu hỏi tự vấn: thật ra, chúng ta là ai, và vai trò của chúng ta như thế nào trong cái mớ bùng nhùng mà người ta không biết và không hiểu gì nên đành lấy đại một danh từ ra để gọi chúng- xã hội con người?
Paris 11/8 lại là một câu hỏi tự vấn tương tự nhưng về cuộc sống của những người Việt tha hương ở trên đất Pháp. Rút cục họ là ai, họ thuộc về đâu, cái gì đã làm họ đến một nơi xa xôi thế, và cái gì đã giữ họ ở lại đó? Tác giả đem tương phản cuộc đời của hai nhân vật nữ, một xinh đẹp, một xấu xí, cùng vật lộn với đời sống trong một xã hội xa lạ- hay đúng hơn là không phải vật lộn mà là cùng để bị cuốn trôi bởi cuộc sống. Hình như không có chỗ nào trong đó tác giả cho các nhân vật tự vấn mình, tự hỏi mình những câu hỏi như họ là ai, họ thuộc về đâu, tại sao họ lại làm thế? Phải chăng, ý của Thuận là muốn qua đó để phản ánh sự nhạt nhẽo của kiếp người, và con người rút cuộc chỉ là những con rối cứ bị cuốn đi theo đà quay của số phận và hoàn toàn thờ ơ ngay cả với chính bản thân mình?.
Tuy nhiên, đó chỉ là các liên tưởng mơ hồ của tôi chứ không dám chắc là dụng ý của tác giả. Dù sao thì cũng có thể coi Thuận là một tiếng nói khá mới mẻ và tương đối thú vị trong văn học Việt Nam hiện nay cùng với các cuốn sách của cô. Liệu có thể ví Thuận như một Kundera của Việt Nam, cũng với nỗi suy ngẫm về kiếp người và khả năng quan sát, liên tưởng, phân tích tâm lý tinh tế, nhưng thiếu đi tính triết lý cùng sự tự tin và khéo léo của Kundera trong việc xây dựng các tình huống con người?
Paris 11/8- tên sách nhớ lại ngày 11/8/2003- tức là 4 ngày sau khi tôi rời khỏi Paris trong trận nóng kinh khủng khiến hơn 4000 người Pháp chết. Giờ đây, tôi có còn nhớ gì về Paris hè 2003, ngoài những ấn tượng tuy không quên nhưng cũng mờ dần và mất dần các cảm giác về nó ?
No comments:
Post a Comment