Sunday, February 25, 2007

Oscar 2006



Martin, now you should grow your beard!.


Bài đã đăng trên Tuổi trẻ online

Thế là giải Oscar cho phim xuất sắc nhất đã thuộc về phim The Departed của Martin Scorsese.

Năm nay, Scorsese thắng lớn, đoạt 4 giải Oscar trong đó có hai giải quan trong nhất là phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất. Dù khó có thể gọi tên một bộ phim nổi bật lên trong số này nhưng nếu phải chọn thì tôi sẽ chọn Little Miss Sunshine, một bộ phim có ý nghĩa sâu sắc và ý tưởng sáng tạo cao nhất.

The Departed được dựa trên một kịch bản rất hay, từng gặt hái nhiều thành công là Vô gian đạo của Hồng Kông. Tuy Martin Scorsese có chuốt lại khiến bộ phim trở nên hợp lý và gọn gàng hơn phiên bản Vô gian đảo nhưng việc chọn phim này cho giải Oscar có vẻ là một sự lựa chọn không thực hoàn hảo. Bản thân The Departed so với những phim thời xưa giàu ý tưởng và tính biểu tượng của Scorsese như Taxi Driver, Raging Bull hay Goodfellas cũng không được bằng.

Dù sao, giải Oscar cho phim xuất sắc nhất cũng đã được trao cho “người nhà”, cho một gương mặt giàu kinh nghiệm phim trường và có rất nhiều đóng góp cho Holywood trong gần 40 năm qua. Có thể nói không ngoa là Scorsese là một trong vài đạo diễn có ảnh hưởng lớn nhất tới cách làm phim của Holywood. Những người trao giải đạo diễn xuất sắc nhất cho ông là ba ông bạn cùng thế hệ, các đạo diễn lừng danh Francis Coppola, George Lucas và Steven Spielberg.

Có thể xem The Departed là một phim chính thống (mainstream) nhất trong các phim được đề cử Oscar năm nay. Little Miss Sunshine là phim indie (phim được sản xuất bởi các hãng phim nhỏ). Phim được sản xuất với kinh phí thấp, nhưng là một phim có ý tưởng gốc rất sáng tạo, mặc dù so tay nghề đạo diễn thì không thể mượt bằng phim của lão làng Scorsese. Babel là phim của Alejandro González Iñárritu, một đạo diễn trẻ người Mexico rất có tài, nhưng so với hai tác phẩm trước đó của anh là Amores Perros (Love's a bitch)21 grams thì không có gì mới, thậm chí là thua so hai phim này, nhất là so với Amores Perros, một bộ phim sản xuất năm 2000, gây ấn tượng rất mạnh với người xem với ý tưởng và cách làm phim mới lạ, nhưng rất tiếc là không được Oscar nào. The Queen thì có thể coi là một phim Anh, lấy bối cảnh Anh, tuy thể hiện nội tâm tinh tế, kết hợp được cả sự nghiêm túc và tính hài hước kiểu Anh, nhưng có thể nói là hơi tẻ, khó cuốn hút người xem, nhất là với những người quen xem các phim Holywood. Cái tài tình của The Queen là múa gậy trong một không gian chật hẹp, nhưng thực ra để phim này thành công thì đóng góp của diễn viên chính Helen Mirren là rất rất đáng kể. Letters from Iwo Jima thì của đạo diễn kỳ cựu Clint Eastwood, lấy bối cảnh nước Nhật, và đứng trên góc nhìn của người Nhật. Hơn nữa Eastwood liên tục đoạt Oscar mấy năm gần đây nên lần này ông không được thì cũng là điều có thể hiểu được.

Nhìn lại thì 5 phim được đề cử Oscar cho phim hay nhất, chúng ta thấy 4 phim phải vay mượn các yếu tố nước ngòai: một phim có đạo diễn và kịch bản người Mexico, 2 phim kịch bản từ châu Á (Hồng Kông và Nhật), một phim đạo diễn và kịch bản người Anh. Phim thuần Mỹ duy nhất còn lại thì xếp vào indie film, không phải dòng phim chính thống của Holywood. Liệu điều này có chứng tỏ là Holywood đang cạn kiệt cảm hứng và đề tài?. Thực tế là trong 5 phim dự thi thì có tới 2 phim, người Mỹ cũng phải chúi mắt vào đọc phụ đề vì hầu hết lời thoại trong phim bằng tiếng nước ngoài.

Đây cũng là lần đầu tiên Martin Scorsese đoạt Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất dù ông đã 6 lần được đề cử. Việc ông đoạt Oscar đạo diễn cho phim The Departed là hòan toàn xứng đáng rồi, nhưng phim này đoạt giải Phim xuất sắc nhất thì cũng là điều hơi gợn. Giá thử phim này không dựa trên một phim đã có sẵn trước đó thì có lẽ người xem sẽ đánh giá cao đóng góp và sự sáng tạo của Scorsese hơn và việc phim này đoạt Oscar sẽ là xứng đáng hơn. Một kết cục tốt hơn có lẽ là Little Miss Sunshine đoạt giải Phim xuất sắc còn The Departed thì vẫn giữ giải Đạo diễn xuất sắc.

Giải diễn viên chính xuất sắc nhất thì như dự đoán của hầu hết những nhà điểm phim trước đó, thuộc về the Queen ( Helen Mirren trong The Queen) và the King (Forest Whitaker trong The Last King of Scotland). Helen Mirren từng 3 lần được đề cử Oscar, vai diễn của bà trong The Queen quá xuất sắc nên việc bà đoạt giải là không có gì đáng bàn.

Hơi tiếc cho giải phim nước ngoài lại thuộc về The Lives of Others (Đức) chứ không phải Pan's Labyrinth (Mexico), mặc dù trước đó phim Pan's Labyrinth được đánh giá cao hơn. Tôi chưa xem phim The Lives of Others để có thể đánh giá một cách hoàn chỉnh về nó, nhưng theo tôi, Pan's Labyrinth là một trong vài ba bộ phim hay nhất của năm, một phim mà một người xem khó tính cũng hầu như không chê được điểm nào. Tuy vậy, Pan's Labyrinth cũng được an ủi với 3 giải Oscar, chỉ ít hơn The Departed (4 giải).

Trước lễ trao giải Oscar, người ta nhắc tới làn sóng Mexico với việc ba đạo diễn trẻ người Mexico tấn công vào giải Oscar với ba bộ phim Babel, Pan’s Labyrinth và Children of Men. Nhưng họ đã không thành công được như mong đợi ban đầu khi chỉ có Pan's Labyrynth là thu hoạch không đến nỗi tệ, dù hạng mục quan trọng nhất với phim này thì lại bị thua còn Children of Men không được giải nào và Babel chỉ được một giải cho nhạc nền. Dù vậy, vẫn có thể xem đây là một cơn gió mới cho điện ảnh Mỹ hiện nay. Cáái mà điện ảnh Mexico và Mỹ Latin mang lại là các ý tưởng có tính sáng tạo mạnh mẽ, dù có phần thô ráp, cũng như các phê bình, dấn thân về xã hội và chính trị quyết liệt
. Làn gió đấy hẳn sẽ góp phần khơi nguồn, làm mới cho các sáng tạo của các nhà điện ảnh Mỹ trong thời gian tới.

(Updated)

No comments: