Và những nỗi đam mê và ám ảnh ấy cũng được thể hiện ra trong văn học, điện ảnh và truyện tranh. Chẳng có nền văn học ở nước nào nhiều ám ảnh về cái đẹp và cái chết đến thế (các nhà văn nổi tiếng nhất nước Nhật như Kawabata, Mishima, Akutagawa đều chết bằng cách tự sát, Mishima thậm chí còn tự mổ bụng và để cho bằng hữu cắt đầu mình như một samurai thực thụ). Chẳng có nền điện ảnh nào lại có nhiều tác phẩm lạ lùng, nhiều bộ phim bạo lực và pervert đến thế (các bộ phim như Audition, Ichi the Killer, Visitor Q hay Battle Royale là những ví dụ). Cũng chẳng có nước nào mà các hình ảnh khiêu dâm trẻ em hay bạo lực trẻ em lại xuất hiện nhiều và công khai trên các truyện tranh và phim hoạt hình như thế.
Bộ phim Battle Royale là một thí dụ. Phim dựa theo một tiểu thuyết cùng tên kể về một đám học sinh cấp 2 bị chính quyền đưa ra một đảo hoang và bị bắt phải giết lẫn nhau chỉ để sống sót một người duy nhất. Trong phim có khá nhiều cảnh bạo lực khá hãi hùng. Thực ra mà nói thì phim này là một phim hay, ý tưởng sáng tạo, và đặt ra nhiều vấn đề như bản chất của con người, sự lựa chọn trong hoàn cảnh phải đối mặt giữa sống và chết, những hiểm họa và cách khủng bố của một nhà nước cảnh sát...Nhưng nội dung và nhiều liên tưởng ở trong phim rất bạo lực và tôi tin là có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của thanh thiếu niên Nhật Bản.
Tháng 6 năm 2004, một vụ giết người xảy ra trong giờ ăn trưa ở một trường tiểu học ở Nhật Bản. Một cô bé 11 tuổi giết bạn cùng lớp 12 tuổi bằng cách cắt cổ bạn mình với một con dao dọc giấy. Cô bé này kể rằng đã bắt chước cách giết người đó trên một show truyền hình. Và bộ phim yêu thích nhất của cô bé đó là phim Battle Royale khi bọn trẻ con phải giết chết nhau, kể cả những bạn bè thân thiết nhất, để được quyền sống. Nguyên nhân trực tiếp của vụ giết người này thì do những cãi cọ, nói xấu nhau trên Internet của hai đứa trẻ học chung một lớp này- như thể giao tiếp trên thế giới ảo của con người ngày càng lấn chìm những tiếp xúc trong thế giới thực.
Điều đáng nói là sau đó, kẻ sát nhân nhỏ tuổi này trở thành một Internet celebrity, dù chỉ được biết đến với cái tên Girl A trong các tài liệu pháp lý (làm liên tưởng tới các nhân vật Girl #1, Boy #2... trong phim Battle Royale) hay Nevada-tan (do một bức ảnh của hung thủ nhí này là hình cô ta mặc chiếc áo phông có chữ Nevada ở trước ngực).
Rất nhiều trang web Nhật Bản với rất nhiều fan đua nhau đưa hình ảnh Nevada-tan lên các đoạn phim shock flash, các tranh vẽ manga, hay các đoạn phim hoạt hình mô tả cách giết chóc này. Còn có nhiều fan club của Nevada-tan xuất hiện trên các cộng đồng Internet mà đối tượng tham dự chủ yếu là các thiếu niên nam nữ. Các áo phông in chữ Nevada của University of Nevada trở thành sản phẩm bán rất chạy trong các cửa hàng ở Nhật Bản. Mặc dù những việc này không có nghĩa là hành động của Nevada-tan được tán đồng nhưng nó cho thấy những ám ảnh bạo lực trong xã hội Nhật Bản, nhất là trong những người trẻ tuổi, ở mức đáng báo động, thậm chí có lẽ là bệnh hoạn.
Và có lẽ trên thế giới này, chẳng ai có thể hiểu được người Nhật, ngoài chính người Nhật (nếu như họ có thể hiểu được chính mình).
Nhưng tôi vẫn thắc mắc: không hiểu những người làm phim Battle Royale, họ có cảm thấy áy náy lương tâm không khi nghe tin tác phẩm của họ là một nguồn cảm hứng, dù chỉ là phần nào đi chăng nữa, cho hành động dẫn tới cái chết của một đứa trẻ và biến một đứa trẻ khác trở thành kẻ sát nhân.
Hình ảnh trên lấy từ một website dành cho rất nhiều tranh vẽ về Nevada-tan của các fan.
No comments:
Post a Comment