Tuesday, July 04, 2006

Fellini's 8 1/2



Phim của đạo diễn nổi tiếng Italy Federico Fellini. Nội dung phim kể về những bế tắc của một đạo diễn phim trong việc hoàn thành bộ phim của mình và những cách giải quyết của anh ta trong mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật và cuộc đời, cũng như quá khứ-hiện tại- thế giới tưởng tưởng của người đạo diễn. Đề tài này về sau được tái hiện trong hai bộ phim cũng rất hay khác là Barton Fink của anh em nhà Coen và Adaptation của Charlie Kauffman. Cả ba bộ phim đều đáng xem, và đều để lại ấn tượng khó quên. Một cách tình cờ, tôi xem cả ba bộ phim ngược theo thứ tự thời gian chúng ra đời: đầu tiên là Adaptation, sau đó là Barton Fink, và hôm nay là 8 1/2 (cám ơn em Ếch). Trong 3 phim đó, phim nào hay hơn, thật là khó nói vì cả ba đều hay và sâu sắc cả, vừa giống mà lại vừa có những đặc điểm riêng không lẫn vào nhau. Nhưng tất nhiên về góc độ tiên phong của ý tưởng thì 8 1/2 là phim đầu tiên, ra đời trước hai phim kia khoảng 30 năm.

Thử so sánh nhé:

8 1/2: một vị đạo diễn phim gặp phải "director block", anh ta không thể kết thúc được bộ phim. Trong khi đó anh ta cũng gặp phải rất nhiều vấn đề về cuộc sống gia đình, cảm giác không thể chia sẻ với những người xung quanh, anh ta ngoại tình như một cách trốn chạy thực tế trong hoàn cảnh của một mid-life crisis. Có thể anh vẫn yêu vợ nhưng có những việc mà anh cảm thấy không thể khác được, và anh còn trốn chạy vào trong phim, trông chờ ở bộ phim như là một cái gì đó để thú nhận, đổ lỗi và được cứu rỗi. Xen lẫn vào đó là sự pha trộn theo kiểu phi tuyến tích giữa ký ức êm đềm của tuổi thơ, niềm vui, ham muốn và mặc cảm tội lỗi xác thịt ở tuổi thiếu niên cùng với các fantasy của một người đạt tới thành công nhất định nhưng vẫn bế tắc, không thỏa mãn với chính mình. Cách làm phim xen kẽ giữa quá khứ với hiện tại và tưởng tượng một cách phi tuyếtn tính đó khiến phim này hay được ví như tác phẩm Remembrance of Things Past của Proust.

Kết cục là sự tự tử về mặt tinh thần của người đạo diễn do ông ta thấy không thể làm bộ phim đó theo kiểu những người khác mong muốn cũng như không thể trông đợi vào việc làm nó như là sự lẩn trốn cho những bế tắc thực sự trong cuộc sống và trong sáng tác của ông ta. Nhưng có lẽ chính sự tự tử đó lại là sự giải thoát, trở về với chính mình và hy vọng hàn gắn (như là một sự phục sinh).

Bối cảnh: Phim này được Fellini làm ra khi bản thân ông cũng gặp bế tắc tương tự và đột nhiên ông nảy ra ý định, tại sao mình lại không làm một bộ phim về sự bế tắc của chính mình nhỉ.

 

Barton Fink: Bế tắc của một nhà biên kịch ấp ủ ước mong ước tạo ra tác phẩm lớn, có thể làm cảm động tới đông đảo khán giả. Nhưng bế tắc ở đây có lẽ là chính ở bản thân nhà biên kịch, khi thực sự anh ta không làm gì cả và có lẽ là thiếu tài năng, khi mà không thể biến được những chất liệu phong phú xung quanh vào trong tác phẩm.

Kết cục: Dù mong muốn nhưng anh ta vẫn không thoát được cái nhạt nhẽo và thông tục trong tác phẩm của mình. Bộ phim này phức tạp, có nhiều cách diễn giải kể cả ẩn ý tôn giáo, và pha vào nhiều chi tiết giễu cợt, dark humor đúng kiểu anh em nhà Coen. Cũng có sự pha trộn giữa đời thực và fantasy nhưng không có sự pha trộn với quá khứ.

Bối cảnh: Bộ phim này cũng ra đời từ "director block" của anh em nhà Coen khi họ đang dựng một bộ phim rất tuyệt khác là Miller's Crossing.

 

Adaptation: Bế tắc của nhà biên kịch khi muốn dựng một bộ phim ra ngoài thông lệ của Holywood. Ở đây, cũng giống như 8 1/2 và hơi khác Barton Fink, cuộc sống tình cảm của nhân vật chính có vai trò quan trọng ảnh hưởng tới cách anh ta sáng tạo. Nhưng khác với hai bộ phim trên, trong Adaptation còn có một bản sao của nhà biên kịch, với cách giải quyết vấn đề mang tính thông thường. Chính sự xen kẽ giữa hai tuyến song song, giao nhau và nối đuôi nhau, đã tạo nên những nét mới và kịch tính của bộ phim này. Thay vì xen kẽ, lồng ghép giữa quá khứ-hiện tại- tưởng tượng thì là sự xen kẽ giữa các scenario có thể xảy ra và cho phép chúng tương tác với nhau. Sự khác biệt giữa phim và đời mờ hơn nhiều so với hai phim trên, (tên của nhân vật biên kịch Charlie Kauffman và Donald Kauffman vừa là tên nhân vật trong phim vừa là tên các nhà biên kịch của bộ phim nói về quá trình làm phim đó).

Kết cục: Kịch bản phim chính là cuộc sống của nhân vật chính. Cách kết thúc không như nhân vật chính mong muốn nhưng dường như anh ta lại tìm ra được từ đó một sự giải thoát (mặc dù có thể sự giải thoát đó có khi cũng là không thật và tồn tại chỉ để nhạo báng những mainstream values hay được nhắc tới trong phim Holywood).

Bối cảnh: Phim này cũng được Charlie Kauffman viết ra khi anh gặp bế tắc trong việc chuyển thể kịch bản một cuốn sách của Susan Orlean (cũng là nhân vật trong phim).

 

Về tính giải trí thì hai bộ phim sau có tính giải trí cao hơn 8 1/2. Mặc dù về mặt nội dung thì cả Barton FinkAdaptation đều có tính hoài nghi và giễu cợt, khác với tinh thần lạc quan và tính humor trong sáng trong 8 1/2 (nhất là ở đoạn cuối phim). Nguyên nhân thì có lẽ do đặc điểm về thời gian và địa bàn. Fellini viết phim 8 1/2 hồi những năm 60 và ở Italy, vào thời điểm và trong bối cảnh nền điện ảnh đang phát triển mạnh mẽ với nhiều xu hướng, thuận lợi cho khả năng sáng tạo và những thử nghiệm của người nghệ sĩ. Còn hai phim sau ra đời sau đó hơn 30 năm và ở Mỹ nơi nền điện ảnh khổng lồ Holywood ngày càng thu hẹp phạm vi của các phim có tính nghệ thuật và đánh giá các phim chủ yếu trên khía cạnh box office. Thế nên ngay cả các phim giễu cợt Holywood thì cũng phải có những chất Holywood trong đó, tuy việc đó có thể được bào chữa bằng lý do tăng hiệu quả giễu cợt nhưng vẫn có cái gì đó phảng phất giống một tiếng thở dài miễn cưỡng cho sự chấp nhận. Trong khi đó đoạn cuối 8 1/2 dù vẫn chưa có câu trả lời (và chắc sẽ chẳng thế nào có được) nhưng vẫn có gì đó ấm lòng hơn.

Nói thêm về yếu tố khác thì 8 1/2 cũng là phim có cinematography đẹp, độ tương phản đen trắng nhìn rất thích, và có một vẻ đẹp poetic and dreamlike. Nhược điểm có lẽ là nhiều đoạn quá dài dòng, nhưng có thể là vì mình quen với cách xem phim của những năm 2000 rồi.

Nhưng nói chung, cả ba phim này đều là những phim nên xem lại thì mới đánh giá chính xác hơn được. Chắc lúc nào đó sẽ xem lại (lúc nào thì chưa biết).

No comments: