Wednesday, July 05, 2006

Trịnh Lữ- Chỉ cần là sự thật

Trịnh Lữ
Phong Điệp thực hiện
 
Sau khi tác phẩm Cuộc đời của Pi (của Yann Martel) ra mắt và nhận giải “đúp” dành cho tác phẩm văn học dịch liền trong hai năm 2004 và 2005, một của Hội Nhà văn Hà Nội, một của Hội Nhà văn Việt Nam; dịch giả Trịnh Lữ đã trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước. Tuy nhiên không mấy người biết rằng từ năm 1978 ông đã dịch cuốn Chuyện hễu của Billy Borker cho NXB Tác phẩm Mới. Sau Cuộc đời của Pi, dịch giả Trịnh Lữ đã cho ra đời thêm các bản dịch: tiểu thuyết Con nhân mã ở trong vườnTruyện ngắn Úc (in song ngữ Anh-Việt), Hội hoạ Trung Hoa qua lời của các vĩ nhân và danh hoạ của Lâm Ngữ Đường (được xem là “cuốn sách cái” cho những ai tìm hiểu về hội hoạ Trung Hoa); tập phóng sự điều tra Bí mật chôn vùi, sự thật tàn bạo của nhóm ba phóng viên tờ Blade (giải Pulitzer năm 2004); đồng dịch giả với Hoàng Hưng trong Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ đương đại; và tác phẩm cổ điển Utopia của tác giả người Anh Thomas More.

Sắp tới đây tiểu thuyết Rừng Na-uy của nhà văn Nhật Haruki Murakami (bản dịch mới của Trịch Lữ) cũng sẽ được ra mắt bạn đọc. Nhà báo Phong Điệp đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Trịnh Lữ.
của nhà văn Brazil Moacyr Scliar;
Phong Điệp: Ông từng viết rằng: “Cái giản dị của Rừng Na-uy là cái giản dị chỉ có được khi người viết đã vượt lên trên hết những làm dáng có bản chất kĩ thuật vốn rất khó tránh trong sáng tác để chỉ bồi hồi kể lại những gì đang tuôn trào từ sâu thẳm lòng mình”. Tuy nhiên hiện nay, có người cho rằng, dường như những tác phẩm tạm gọi là “làm duyên làm dáng”, cầu kì về câu chữ và rắc rối về ý tưởng lại có vẻ thịnh hành hơn. Ông nghĩ sao?

Trịnh Lữ: Chị có thể cho một ví dụ cụ thể được không?

Phong Điệp: Vâng, cuốn Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh chẳng hạn. Đây là một cuốn - theo ý kiến của nhiều người – được cho là viết khá rắc rối cả về văn phong lẫn ý tưởng. Tác phẩm đã đoạt giải thưởng năm 2005 của Hội Nhà văn Hà Nội, được giới thiệu trên chương trình “Mỗi ngày một cuốn sách” của VTV. Và đến năm nay, cuốn sách đã được tái bản.

Trịnh Lữ: Tôi nghĩ Chuyện của thiên tài không phải là tác phẩm “làm văn làm dáng”. Khác với phần lớn các tác phẩm hiện nay, nó trung thực trong cách nghĩ và diễn ngôn. Nó rắc rối về cả văn phong lẫn ý tưởng, vì nó là chứng nhân khá hùng hồn cho một thế hệ đang chưa có ý tưởng gì rõ rệt và chưa có giọng nói gì khúc chiết về chính bản thân mình trong hoàn cảnh rối ren về giá trị trong xã hội hiện nay. Tôi nghĩ giải thưởng cho cuốn sách là thiên về giá trị chứng nhân tức thời ấy, và đã gây nhiều tranh cãi, và nhiều người tìm đọc nó cũng là vì muốn xem nó ra sao. Cái chiều thời gian trong khái niệm “thịnh hành” cũng ngắn ngủi thôi, nên “thịnh hành” không có nghĩa là giá trị văn chương của một tác phẩm đã được khẳng định. Nhân vật Nagasawa trong Rừng Na-uy chỉ đọc những tác phẩm của các tác giả chết đã được 30 năm, vì anh ta không muốn mất thì giờ đọc những gì chưa được thời gian khẳng định.

Phong Điệp: Ông có nói rằng: Rừng Na-uy không lãng mạn. Song nói như thế liệu có thật sự thoả đáng chưa khi chúng ta đã được chứng kiến câu chuyện tình của Toru Wantanabe và Naoko, và từ lúc nào chúng ta cũng “nhập cuộc” vào sự chờ đợi của anh chàng Toru, cũng thấy phập phồng khi Toru đến viện điều dưỡng Ami để gặp Naoko...

Trịnh Lữ: Tôi nói Rừng Na-uy không phải là tiểu thuyết lãng mạn, vì nó không có những phẩm chất của một “romance”. Tiểu thuyết lôi cuốn được người đọc vào những diễn biến tư tưởng và tình cảm của các nhân vật không có nghĩa là một tiểu thuyết lãng mạn. Chuyện tình không có nghĩa là một chuyện lãng mạn. Chất lãng mạn trong nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng bao giờ cũng bao hàm những yếu tố lí tưởng hoá tình cảm, coi trọng cảm xúc hơn lí tính. Rừng Na-uy không hề có những yếu tố ấy.

Phong Điệp: Ông viết: “Đọc Rừng Na-uy, tôi chợt nhớ ra rằng hình như mình đã chỉ quen lừa mị bản thân mình, lừa mị người khác, để bôi trơn mọi mối quan hệ xã hội vốn chỉ xoay quanh và bị chi phối bởi tiền bạc, quyền lợi, danh vọng”... và không “thực sự dám nhìn nhận những khuyết điểm méo mó của mình, hay có ý thức công nhận chúng và biết vui với chúng, cũng như công nhận và vui với những khiếm khuyết của mọi người”. Những thói quen lừa mị bản thân và mọi người trong mỗi chúng ta ấy, liệu có thể “đổ lỗi” đó là sản phẩm của cuộc sống hiện đại?

Trịnh Lữ: Có thể có, mà cũng có thể không. Trong Rừng Na-uy, Toru và Naoko, lớn lên trong một xã hội hiện đại, đã nhận ra và kinh tởm những thói quen lừa mị để sống còn ấy của xã hội, và họ đều dũng cảm tránh xa chúng để được trung thực với chính mình, thậm chí chọn cái chết để được chung thuỷ với những xác tín của bản thân. Nhưng nhân vật Nagasawa thì lại khác: anh này biết rõ những thói lừa mị ấy của xã hội, hết sức khinh bỉ chúng, nhưng lại cương quyết khai thác chúng để đạt được mục đích chinh phục xã hội bằng quyền lực của mình. Tôi nghĩ rằng con người làm nên xã hội, và không thể đổ lỗi cho xã hội vì những thói tật của chính mình.

Phong Điệp: Ông vừa nhắc đến ý: những nhân vật chính trong Rừng Na-uy đã dũng cảm tránh xa những thói quen lừa mị tồn tại nhan nhản trong xã hội để được trung thực với chính mình, thậm chí
chọn cái chết để được chung thuỷ với những xác tín của bản thân. Tất nhiên, trong
Rừng Na-uy, ta còn gặp nhiều nhân vật với những cá tính khác nhau nữa. Điểu chung nổi bật nhất là họ đang trong lứa tuổi thanh niên 18-20, đang ở sự lựa chọn con đường đi cho cuộc đời mình. Tôi muốn dừng lại ở đây một chút. Vâng không cần phải nhấn mạnh thì ai cũng đều biết rằng ý nghĩ thời trẻ tuổi vô cùng quan trọng đối với một đời người. Ông có thể tâm sự một chút về hai chữ Tuổi Trẻ? Tuổi Trẻ dễ cực đoan? Thường hiếu thắng? Tuổi Trẻ hay vấp ngã? Và...

Trịnh Lữ: Chị nói đúng, Tuổi Trẻ có hết những thuộc tính mà chị vừa nói, và tôi muốn thêm nữa là Tuổi Trẻ rất thèm có thần tượng, vớ vẩn cũng được, và nếu không có thì thường tôn thờ luôn chính bản thân mình. Tuổi Trẻ còn rất hay lí tưởng hoá. Cho nên Tuổi Trẻ thường trở thành nạn nhân của chính những thần tượng và lí tưởng của mình. Cái bí nhiệm của cuộc đời là ở chỗ Tuổi Trẻ bắt buộc phải trải nghiệm những đau đớn nạn nhân ấy để tự mình lớn thoát khỏi chính mình và trưởng thành. Tuổi Trẻ có quyền lựa chọn và được bình đẳng về cơ hội bao giờ cũng trưởng thành và đàng hoàng hơn.

Phong Điệp: Ý thức đè nén tất cả những gì gọi là tự nhiên và cao cả của chính mình liệu có phải là một trong những lý do khiến văn học ta lâu nay thường kiêng kị khi đề cập đến yếu tố/ đề tài sex?

Trịnh Lữ: Có cần đưa cái cao cả vào đây không? Có cá nhân nào cao cả tự thân nó được không? Sex có cao cả không? Nhưng chắc chắn sex là tự nhiên, một động lực tự nhiên nhằm duy trì nòi giống. Vậy mình cứ nói chuyện “tự nhiên” xem sao đã.

Tôi nghĩ tâm lí không dám diễn ngôn những cảm xúc và ý nghĩ tự nhiên của chính mình không phải là một ý thức, mà là sản phẩm của sợ hãi. Đó là một thứ phản xạ có điều kiện. Hễ cứ nói ra là bị đòn bị mắng, thì ai dám nói nữa. Lâu dần, cái phản xạ có điều kiện ấy trở thành phản xạ vô điều kiện, nghĩa là dù có không ai đánh mắng gì nữa thì mình cũng chẳng dám nói những chuyện ấy ra làm gì. Vốn thích, mà lại không dám nói ra mãi, thì khó chịu lắm, không thể chịu được, bèn phải quay sang coi những chuyện ấy là vớ vẩn, xấu xa, không đáng nói đến. Tâm lí học gọi đây là cơ chế tự bảo vệ để cá thể có thể lập lại thăng bằng tâm lí và tiếp tục sinh tồn.

Như vậy, tôi nghĩ rằng sợ hãi mới là nguyên nhân của hiện tượng coi sex là cấm kị trong văn chương. Mà thực ra làm gì có ý thức coi sex là cấm kị trong xã hội của ta hiện nay đâu. Nhà nghỉ, karaoke, massage, và các dịch vụ sex trá hình khác nhìn đâu chẳng thấy. MTV chiếu 24 giờ một ngày ngay trên hệ truyền hình của nhà nước, với biết bao nhiêu nội dung và hình ảnh kích dục đến mức man rợ. Ngoại tình là một món trang sức được xã hội mặc nhiên chấp nhận. Nhưng chỉ có sex trong văn chương là bị trừng phạt lập tức mà thôi, tại sao vậy?

Phong Điệp: Liệu có phải sự tác động/ ảnh hưởng của văn chương đến xã hội mạnh mẽ hơn chăng? Và theo như cách gọi của bên lý luận, là bởi những “sứ mạng” của văn chương nên buộc phải có những đòi hỏi/yêu cầu khắt khe hơn đối với loại hình này? Ông nghĩ sao?

Trịnh Lữ: Chị muốn nói rằng sex trong sách đáng sợ hơn là sex ngoài đời sao? Rằng thà để cho con gái mình, em gái mình, vợ mình, nghĩa là đàn bà phải bán mình chứ không thể để ai viết về chuyện tại sao lại có chuyện như vậy hay sao? Ngày đi học, chúng tôi được dạy rằng Vũ Trọng Phụng đã vạch trần được những cái xấu xa suy đồi của chế độ cũ qua những câu chuyện từng bị coi là dâm thư của ông. Vậy văn chương ngày xưa thì có sứ mạng tố cáo và vạch trần sự thật để cảnh tỉnh xã hội, còn ngày nay thì “bên phê bình” không giao cho nó cái sứ mạng ấy nữa phải không? Nói như vậy chẳng khác gì coi văn chương chỉ là món vũ khí tuyên truyền chính trị đơn thuần và nhất thời, chứ không phải là một nghệ thuật nhân văn tự thân, không bao giờ thuộc quyền chỉ đạo của ai hết ngoài lương tri của cá nhân người cầm bút và do vậy mà luôn luôn là chứng nhân của cuộc sống, là tiếng nói của lương tri con người tự do luôn đứng về phía lẽ phải và sự thật. Tôi không thể tin được chuyện có một “bên phê bình” nào như thế ở ta hoặc ở bất kì đâu.

Phong Điệp: Tôi không có ý nói sex trong sách đáng sợ hơn là ngoài đời, mà vấn đề là ở chỗ: văn chương không đơn giản chỉ là việc sao chép cuộc sống, nó phải làm được điều ý nghĩa hơn thế. Bởi vậy người ta đặt vào đó những sự kỳ vọng, cũng như những đòi hỏi/yêu cầu khắt khe. Bởi vậy những tác phẩm như của Vũ Trọng Phụng dù có bị coi là dâm thư bởi những quan niệm ấu trĩ của một thời song như ông đã thấy, nó đã và vẫn sẽ rất cần trong nền văn học của chúng ta. Và thiết nghĩ sẽ chẳng thể tồn tại một “bên phê bình” nào đứng trên, “giao sứ mạng” cho văn học được.

Trịnh Lữ: Vâng, điều chị vừa nói chẳng mâu thuẫn gì với điều tôi đã nói trước đấy.

Phong Điệp: Hiện nay, sự cởi mở lại có vẻ làm cho những tác phẩm có yếu tố/ đề tài sex “bùng nổ”? Bằng chứng là nhiều tác giả của Việt Nam mạnh dạn hơn khi đề cập đến yếu tố/ đề tài này trong tác phẩm của mình. Bên cạnh đó một loạt những tác phẩm văn học thuộc “dòng ling lei” của Trung Quốc xuất bản ồ ạt ở Việt Nam. Quan điểm của ông?

Trịnh Lữ: Tôi chưa thấy có cởi mở gì nhiều, vì mấy nhà văn trẻ vừa mới viết về sex một cái là đã bị mắng ngay, và các biên tập viên xuất bản hiện nay vẫn còn cương quyết thay “cặp vú” bằng “bộ ngực”, luật pháp lại còn đang định cấm tất cả những cảnh khoả thân trong phim ảnh nữa. Mạc Ngôn viết Mông to vú lớn thì sang ta phải thành ra Báu vật của đời, thật là khác nhau hẳn về ý nghĩa và giọng điệu.

Những cây bút trẻ, vì chưa phải trải qua những kinh nghiệm bị đánh mắng của các thế hệ nhà văn già, nên mới chưa bị sợ hãi, và mới dám diễn ngôn những cái tự nhiên của mình, trong đó có sex. Trong khi đó, thế hệ già hơn, vốn đã sống sót qua cái phản-xạ-có-điều-kiện-biến-thành-phản-xạ-không-điều-kiện kia và đã quen với ý nghĩ “không thèm nói đến sex”, hoặc “sex thì cũng ph
ải cho cao thượng, có nghĩa lí một chút”, cũng vẫn chưa thể tự mình thoát khỏi quá khứ để hồ hởi hoan nghênh sự “không sợ hãi” của lớp trẻ. Cũng có thể nói rằng xã hội hiện nay đã mở hơn xưa, nhưng mà không phải là do “cởi”, mà là do cuộc sống tự nó làm bung dần các nút trói mà thôi.

Nhân tiện tôi cũng muốn nói thêm rằng phần lớn các đại văn hào của thế giới đều cho ra đời các kiệt tác của họ khi còn rất trẻ. Tôi thấy cách ta nhìn nhận các nhà văn thành lớp trẻ với lớp già là vẫn còn rơi rớt tinh thần ông Lí ông Bá trong làng xã phong kiến ngày xưa.

Phong Điệp: Có người lý giải rằng: văn chương cũng như cuộc sống. Anh có thể viết/đề cập đến mọi điều. Kể cả sex. Tại sao không? Vấn đề là ở chỗ: anh dùng/nói đến sex để hướng đến điều gì? Đây là thước đo để đánh giá tài và “tầm” của người cầm bút.

Trịnh Lữ: Tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng phải nói rõ thêm một tí. Mọi chuyện ở đời này, cái hay của chúng là ở chỗ mình có vỡ lẽ được gì ở chúng không. Cho nên kể lể dông dài đến mấy, người nghe vẫn chỉ muốn hỏi một câu: “OK, so what?”, nghĩa là được rồi, nhưng mà thế thì sao? Cái vỡ lẽ ấy không phải lúc nào cũng phải là “tích cực”. Nó có thể rất “tiêu cực”, theo nghĩa nó lột trần mọi cái xấu xa không thể chấp nhận được của một phương diện nào đó của cuộc sống. Nói “hướng đến điều gì” là hoàn toàn đúng, mà theo tôi, điều ấy chỉ cần là sự thật – sự thật muôn mặt của chính cuộc đời chúng ta. Khi một tác phẩm văn học làm hiển lộ được một sự thật cho mọi người gọi được tên và nhận diện được nó, đấy là thước đo về tài và tầm của người cầm bút. Mà tích cực với tiêu cực thực ra là hai khái niệm không thể tách rời nhau, mà luôn hoán vị được cho nhau. Làm cho người đọc phải kinh tởm một chuyện gì đó, cho dù chẳng cần phải đưa ra hướng giải quyết gì, cũng đã có tác dụng tích cực rồi.

Phong Điệp: Ông cho rằng: Rừng Na-uy là cuốn tiểu thuyết bắt người đọc phải nhận thức được sự ngu xuẩn của mọi thứ dâm tính trong thị trường văn chương, phim ảnh và chính trong ý nghĩ của con người. Vậy theo ông cái gọi là “dâm tính” ấy có thể phân định như thế nào? Sách thế nào thì gọi là “dâm thư”?

Trịnh Lữ: Hãy nói sách nào không phải là “dâm thư” đã nhé: Sách giáo dục giới tính hoặc hướng dẫn những hành vi tình dục nhằm xây đắp hạnh phúc lứa đôi không phải là dâm thư. Sách giúp người đọc hiểu thêm những chiều kích của tính dục và chức năng của chúng trong quá trình phát triển nhân cách không phải là dâm thư. Sách viết về sự thật của những điều vẫn bị thông lệ xã hội coi là cấm kị không phải là dâm thư. Sách viết về những vấn nạn bình đẳng giới trong lĩnh vực tính dục và áp chế phụ nữ không phải là dâm thư. Sách viết về thực trạng mua bán dâm của xã hội không phải là dâm thư. Truyện Kiều không phải là dâm thư. Thơ Hồ Xuân Hương không phải là dâm thư. Sách gọi bầu vú của một người đàn bà là bầu vú không phải là dâm thư.

Vậy “dâm thư” có vẻ chỉ là sách kích dục đơn thuần không có giá trị văn chương và nhân bản nào.

Còn về “dâm tính”, tôi nghĩ bản thân khái niệm này không có giá trị xấu tốt nào. Nhân loại không có “dâm tính” thì sinh sôi nẩy nở làm sao được? Nhưng khi chúng ta biến “dâm tính” thành hàng hoá, thành vũ khí để lợi dụng và áp chế lẫn nhau, lập tức nó có ngay những giá trị xấu tốt này kia, và nơi này thì nó là “đồi truỵ”, nơi khác thì nó thành “cấm kị”, và cái “dâm tính” bản nhiên vô tội của chúng ta sẽ trở thành một thứ thuộc tính tâm lí rất ngu xuẩn. Những nhân vật trong Rừng Na-uy trải qua những đấu tranh nội tâm khốc liệt vì họ không muốn trở thành nạn nhân của tâm lí ngu xuẩn này.

Phong Điệp: Chính Rừng Na-uy cũng đã có lúc bị nghi ngại là dâm thư. Nó đã từng được xuất bản ở Việt Nam, nhưng sau đó lại bị thu hồi. Đến thời điểm này, cuốn sách mới lại được phép in ấn. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Trịnh Lữ: Tôi tin rằng bất kì ai có một lương tri lành mạnh và trong đời đã từng đọc hết trọn vẹn và yêu thích một cuốn sách đều sẽ yêu mến trân trọng Rừng Na-uy. Và ai đã từng sa ngã vì các loại “dâm thư” mà chưa đánh mất nhân tính, khi đọc Rừng Na-uy sẽ bừng tỉnh và biết chán tất cả những gì đã từng làm mình sa ngã.

Cấm đoán nào cũng xuất phát từ sợ hãi. Và sợ hãi nào cũng xuất phát từ cái mà nhà Phật gọi là “vô minh”, nôm na nghĩa là chưa biết, chưa hiểu. Xã hội ta đang trên đường hội nhập thế giới, lĩnh vực nào cũng đang biến chuyển rất nhanh, cái chưa biết chưa hiểu của năm ngoái thì năm nay đã thành kiến thức phổ cập, và tôi tin rằng nỗi sợ hãi vì “vô minh” kia đã không còn nữa trong lĩnh vực “kiểm soát nội dung sách” trên cả nước, cho nên Rừng Na-uy mới lại có cơ hội đến với người đọc Việt Nam. Lần này, tôi dịch từ bản tiếng Anh của Jay Rubin, là bản chính thức được Murakami cho phép xuất bản ở ngoài nước Nhật. Bản lần trước là dịch từ bản tiếng Anh của Alfred Birnbaum, vốn chỉ để phát hành phục vụ sinh viên học tiếng Anh trong nước Nhật mà thôi.

Phong Điệp: Chức năng lớn nhất của một tác phẩm văn chương – theo ông – là gì?

Trịnh Lữ: Trong Kinh Thánh, cuốn sách được nhiều người đọc nhất trong lịch sử nhân loại, thế giới đã được tạo nên khi Đức Chúa Trời phân định cõi hỗn mang thành sáng tối rồi đặt tên sáng là ngày và tối là đêm, rồi Ngài tiếp tục phân định và đặt tên trời, đất, biển, và muôn loài sống trên đất, bay trên trời, bơi dưới nước... và đến ngày thứ sáu thì tạo ra người nam và người nữ rồi phán rằng “hãy sinh sản, thêm nhiều, làm cho đầy rẫy đất...” Tức là cho con người tính dục – sex, cái động lực sinh tồn nguyên uỷ của loài người.

Khi bàn về chức năng và sức mạnh của văn chương, Salman Rushdie có viết 4 chữ như sau: “Writing names the world.” Nghĩa là văn chương, cái việc viết văn, đã khiến cho thế giới này có tên gọi. Không biết Rushdie có nghĩ đến đoạn mở đầu trong Sáng thế ký tôi vừa nhắc đến hay không?

Còn việc văn chương có sứ mạng “làm cho sự thật được hiển lộ và công nhận” thì nhiều ng
ười nói lắm rồi.

Chao ôi, cái việc mà cụ Nguyễn Du coi là “mua vui cũng được một vài trống canh” ấy mà to tát quan trọng như vậy sao?

Phong Điệp: Trong khi nhiều người hồ hởi, hào hứng để được tham dự vào việc “mua vui cũng được một vài trống canh” ấy thì cũng không thiếu những người biết kinh sợ...

Trịnh Lữ: Tôi đã có nói đến phản xạ có điều kiện và không có điều kiện. Mà văn chương thì cũng dăm bẩy đường văn chương. Nếu chỉ mua vui đơn thuần thì việc gì mà sợ. Còn nếu muốn làm cho sự thật được hiển lộ, muốn làm cho thế giới có tên gọi, thì hễ đã sợ là khó lắm, vì sự thật bao giờ cũng đáng sợ, và đặt tên là công việc nguy hiểm và nhiều hệ luỵ nhất.

Phong Điệp: Trong công việc dịch thuật, ông làm việc theo “đơn đặt hàng” hay...?

Trịnh Lữ: Cũng có cuốn do đặt hàng, còn phần lớn là do tôi đề nghị, nhưng tôi không làm những gì mình không thấy thích.

Phong Điệp: Điều hấp dẫn ông nhất khi ngồi trước một tác phẩm cần phải chuyển ngữ là gì?

Trịnh Lữ: Là cảm giác giống như sắp được mở một chai rượu ngon và nhâm nhi nó với một người bạn kiệm lời và sành thưởng thức. Dịch là công việc xuất phát từ nhu cầu muốn chia sẻ cái mà mình rất thích.

Phong Điệp: Sau bản dịch Cuộc đời của Pi được nhiều người yêu mến và nhắc nhớ, liệu ông có bị một sức ép nào không khi bắt đầu với Rừng Nauy cũng như những tác phẩm khác?

Trịnh Lữ: Nếu chị muốn nói tôi có lo sợ các bản dịch khác của mình sẽ không được yêu mến như Cuộc đời của Pi nữa hay không, thì không, tôi không bị sức ép tâm lí ấy tí nào. Nhưng càng dịch, tôi càng thấy có nhu cầu làm sao cho mọi người, kể cả các dịch giả, đánh giá đúng giá trị công việc này. Cảm giác dịch là một nghề chưa được đánh giá đúng mức trở thành một áp lực tâm lí đối với tôi. Vừa rồi tôi có dịp dịch một tập tài liệu nho nhỏ gọi là Sổ tay Dịch giả Văn học, vốn là của Chi hội PEN tại Hoa Kỳ soạn ra, và tặng nó cho Hội Nhà văn Hà Nội để làm quà biếu tất cả các dịch giả và những người làm xuất bản ở Việt Nam. Việc này giúp giải toả tâm lí cho tôi khá nhiều, vì tôi tin rằng tài liệu ấy sẽ giúp cho mọi người có những quan niệm đúng đắn hơn về dịch văn học, và có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện các quan niệm ấy trong thực tế hợp đồng giữa dịch giả và người làm xuất bản.

Phong Điệp: Có lẽ phải cần một cuộc trò chuyện khác cho cuốn Sổ tay Dịch giả Văn học lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam này. Nhưng tôi rất tò mò muốn biết ngay một điều: Tôi được biết ông còn có cả niềm đam mê hội hoạ. Xin hỏi, hội hoạ và dịch thuật có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Trịnh Lữ: Tôi thường mắt nhìn tay vẽ với ý thức quan sát trung thực, nên thấy dịch sách giống vẽ ở chỗ đều là tái tạo một cái gì đã có rồi nhưng lại thông qua nhận thức và cảm xúc của riêng mình. Ý nghĩa của chúng ư? Chúng làm cho tôi không thể ổn định cuộc đời mình, chúng bắt tôi phải tay làm hàm nhai cho đến già, nhưng chúng giúp tôi bớt được cảm giác chuồng trại rất dễ chán của cuộc đời.

Phong Điệp: Ông nghĩ thế nào về xu hướng xếp đặt trong hội hoạ được nhiều tác giả trẻ “ứng dụng” vào văn chương hiện nay, thậm chí đến mức lạm phát?

Trịnh Lữ: Tôi không muốn gọi xếp đặt là hội hoạ. Nhưng ta có thể nói một chút về chuyện “ứng dụng” hội hoạ vào văn chương. Vừa mới nhìn thấy một bức tranh, ta có thể lập tức nhận biết toàn bộ bức tranh ấy, và có thể xúc động đến rơi nước mắt được ngay. Nhưng khi đọc sách, ta phải đọc dần từng chữ, từng câu, nhiều khi mất hàng tháng trời mới có thể thấy cuốn sách ấy ra sao. Đó là cái khác nhau có nguồn gốc sinh học giữa hội hoạ và văn chương, giữa hình ảnh và ngôn ngữ. Ta có thể “dịch” những kí hiệu hình ảnh của hội hoạ ra những kí hiệu ngôn ngữ của văn chương khi viết về một bức tranh nào đó, nhưng không thể dùng chất liệu hình ảnh của hội hoạ để sáng tác văn chương, hoặc chất liệu ngôn ngữ của văn chương để sáng tác hội hoạ. Những thí nghiệm trong ý định này thường được giới phê bình khích lệ vì cái “dám làm” của chúng, nhưng chưa có một đứa con tinh thần nào được lai tạo bởi hai nghệ thuật này thực sự thuyết phục được người đọc hoặc người xem.

Phong Điệp: Trở lại cuốn Rừng Nauy mà chúng ta chọn để trò chuyện hôm nay, quả thật đó là một cuốn sách giúp cho Tuổi Trẻ biết dũng cảm sống trung thực với bản thân, gia đình và bạn bè, biết nhận ra những giả nguỵ của xã hội chạy theo đồng tiền và quyền lực, biết trân trọng bản ngã và tha nhân, ngay cả những khiếm khuyết và méo mó tiên nguyên của nhau, biết phân biệt giữa nhu cầu của nhân tính muốn vượt thoát cô đơn và những đòi hỏi tự nhiên của tính dục. Chúng ta thật sự cần những tác phẩm như vậy. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Nguồn: Văn nghệ Trẻ, 29.6.2006

No comments: