1. Đức- Ý
118 phút buồn ngủ, may có 2 phút cuối đầy bất ngờ, làm mình tỉnh cả ngủ. Bọn Ý đúng là nguy hiểm, đối phương chỉ hở ra một phát là có thể chộp lấy, biến cơ hội thành chiến th.ắng. Khổ thân đội Đức đã chiến đấu khá hiệu quả và chặt chẽ trong 118 phút và nhiều khả năng sẽ vào được chung kết nếu đá penalty thế mà cuối cùng vẫn ngã ngựa một cách choáng váng. Khổ thân cả mấy chục triệu dân Đức hồi hộp, hy vọng để rồi lại thất vọng với cái dớp chưa bao giờ thắng được Ý tại WC (giống dân Việt Nam mình khi đội Việt Nam đá với Thái Lan ở Sea Games). Nhưng mà thôi, bóng đá là thế.
2. Adaptation
Nhân em N/A nói về 8 1/2, post lại bài viết về phim Adaptation của em (sâu sắc và dễ thương- giống tác giả) :
" Life is like an onion. You peel away the layers. And sometimes you weep."
Em cố nghĩ đến một phim đem lại cho em cảm giác mình đang "bóc củ hành". Hiếm khi em xem lại một bộ phim, lại càng hiếm khi xem lại mà có cảm giác tái khám phá. Ừ thì có xem Amelie mấy lần đấy, rồi No man's land, Amores perros cũng vài lần, nhiều phim khác nữa, nhưng hầu hết lần sau ấn tượng kém hơn lần trước. Hầu như tất cả phim ảnh đều vận hành như nhau theo nguyên tắc nhân bản vô tính, ấy là cho dù bạn có xem đi xem lại bao nhiêu lần thì bạn vẫn chỉ xem đúng một bộ phim ấy, với từng ấy ý tứ, tình tiết, hình ảnh... Một bộ phim dù đã có thể khiến em rất hài lòng ở lần xem đầu tiên thì thường nhạt nhẽo hẳn đi khi xem lần thứ hai, như thể là phim đã đóng chặt cửa, mọi suy tư chấm dứt ngay khi người xem hoàn thành chu trình phân tích lý giải, từ đây người xem phim như bước trên một lối mòn quá quen thuộc, đáng ngạc nhiên là chỉ sau một lần đi qua.
Lại nghĩ, có bộ phim nào mà em xem lại mà thấy thấp thoáng một bộ phim khác trên nền phim cũ, như đi trên một con phố đã chuyển mùa, nhìn cảnh sắc với đôi mắt ngỡ ngàng trước vẻ đẹp bất ngờ của sự đổi thay?
Em nghĩ đến Adaptation.
Còn nhớ lần đầu tiên xem phim này, em ra khỏi rạp với một chút thất vọng, nghĩ rằng mình hiểu ý tưởng của phim, nhưng không hài lòng. Trong mớ cảm giác lẫn lộn, chỉ nhớ phim có một kết cấu lắt léo, nhịp phim chậm rãi, có phần rề rà, đối thoại lầm bầm, và một kết cục kỳ quái điển hình Hollywood bật ra khỏi nhịp điệu chung của phim. Cái tên Charlie Kaufmann - Spike Jonze như thể một trademark không thể coi thường vậy mà lại tương phản với cái kết phim lố bịch thái quá.
Rồi hôm trước xem lại phim này, xem chỉ để mà xem, và cũng chẳng trông đợi gì nhiều, em lại bất ngờ tìm được cảm giác tái khám phá một bộ phim, dịu ngọt và đằm thắm. Bất ngờ hơn cả là thấy rung động không chỉ vì nó thông minh, hài hước một cách duyên dáng, mà vì nó thực sự đẹp đẽ trong những thông điệp giản dị về cuộc sống mà nó truyền tải một cách tự nhiên; nhất là sau nhiều tầng lớp, những thông điệp ấy có lúc chỉ thấp thoáng, có lúc giấu mình sau nụ cười bất ngờ bật ra tiếp nối bằng một chút dư vị ngậm ngùi.
Có thể viết rất nhiều về ý tưởng kết cấu của phim mà nhiều người đã ca ngợi, viết rằng nó thông minh dù nó không độc đáo như em tưởng ban đầu. Đây chẳng phải là lần đầu tiên một tác giả viết chính bản thân vào tác phẩm, dù rằng ý tưởng quen thuộc ấy đã cho phép phim đạt được một kết cấu phức tạp trong đó chính sự lắt léo, chồng chéo của nhiều tuyến nhân vật, tuyến thời gian thực sự đem lại niềm hứng khởi.
Cũng có thể viết về sự hòa trộn thú vị giữa thực và ảo, đến mức xóa nhòa ranh giới. Trí tưởng tượng bay bổng của nhà biên kịch xoay vần người xem trong trò chơi thực ảo. Hiện thực chồng lên hiện thực, lúc tiếp nối, liền lạc, lúc mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau. Câu trả lời cho trí óc bắt đầu mệt nhoài vì hoang mang là một kết thúc phóng đại đến mức lố bịch, như một tuyên bố vỗ mặt rằng tất cả là một trò đùa cợt!
Dường như em không cảm thấy vẻ đẹp của bộ phim nằm trong những gì nó được ca ngợi về mặt học thuật. Hay nó đẹp không phải ở học thuật mà ở nội dung?
Vậy có thể viết về sự châm biếm của các nhà điện ảnh với chính mình chăng? Bức tranh biếm họa sắc sảo về Hollywood với guồng máy sản xuất kịch bản công nghiệp khó chống cự tương phản với một vài nỗ lực sáng tạo đơn lẻ. Một tài năng đã được khẳng định trong phút hoang mang nghi ngờ trước năng lực bản thân. Một nghệ sĩ nổi loạn trong nỗ lực đạp đổ tiền lệ húc đầu vào thành trì bảo thủ và các thế lực thương mại. Dũng cảm và chân thực, bộ phim chọn cách tiếp cận trực diện với thế giới của người sáng tạo cùng với mọi sắc độ tươi rói hay xám xịt của nó.
Không, em vẫn cảm thấy phim này đẹp không phải là ở những gì nó được ca ngợi là thông minh, tài tình. Vẻ đẹp của nó phải nằm trong cái gì đó khó nắm bắt hơn, "người" hơn và "đời" hơn, do đó cũng dung dị, nhỏ bé, đượm buồn. Làm sao có thể khác, những gì khiến ta rung động sâu xa mà chẳng đượm buồn cơ chứ?
Phải chăng cái đẹp nằm ở các nhân vật? Lập dị, căng thẳng, cô độc hay đơn giản, hồn nhiên, hòa đồng. Đam mê, b
ất cần, hừng hực và mực thước, chỉn chu, bình lặng. Họ phức tạp và giản dị, nhất quán và mâu thuẫn. Mỗi người như những giếng khơi có lúc khiến ta đắm đuối trong độ sâu hun hút vô chừng lại có lúc thấp thoáng bóng nước trong mát khiến ta phải cúi nhìn mà mỉm cười trìu mến.
Nhiều người thích thú với nhân vật Charlie Kaufmann và Donald - hình ảnh song hành tưởng tượng của anh ta. Nhưng với em, John Laroche là nhân vật đáng yêu nhất. Hài hước, thông minh, bất cần cùng với lối sống ngập trong những đam mê luôn luôn biến đổi, Laroche khiến người ta ngạc nhiên rồi bị hấp dẫn lúc nào không biết. Với Laroche, em cũng như Susan Orlean, tò mò, ngỡ ngàng, thích thú, và bị cuốn hút. Thế mà cứ thấy ngậm ngùi, bởi biết rằng tuy tồn tại một người như thế trong đời thực nhưng không tránh khỏi cảm giác rằng những đam mê như thế trong cuộc sống này ngày càng hiếm hoi, thậm chí chỉ là những hình ảnh đẹp của một giấc mơ chỉ hiện hữu trên màn ảnh.
Phải chăng cái đẹp đã khởi nguồn ngay từ tác phẩm văn học tạo cảm hứng cho nhà biên kịch? Susan Orlean, bắt đầu từ sự tò mò về vụ kiện trong đó John Laroche bị cáo buộc săn hái trộm cây quý của rừng quốc gia, khám phá ra niềm đam mê hoa lan của ông ta. Sự tò mò chen lẫn thích thú trước con người lập dị mê hoa lan hơn mọi thứ được phát triển vượt xa dự định ban đầu từ một loạt bài phóng sự cho The New Yorker thành cuốn sách The Orchid Theft - cuốn sách về hoa lan với những lý giải xung quanh sự hấp dẫn của một loài hoa đan dệt với những suy nghĩ riêng tư. Có thể nhận thấy rõ ràng là sức hấp dẫn của nhân vật Laroche qua những bộc lộ chân chất tưng tửng đã đi vào tác phẩm của Orlean, phủ thêm màu sắc của những suy tư cá nhân rất nhạy cảm của nhà văn, mà từ đó những đoạn văn đầy rung cảm về cuộc sống thành hình.
Qua một vài đoạn trích có thể hiểu tại sao Charlie Kaufmann đã đọc đi đọc lại và muốn chuyển thể cuốn sách này thành phim. Đây là một thử thách gần như không thể vượt qua bởi khó hình dung một cuốn sách thuần túy về hoa lan không có đến cả cốt truyện sẽ cấu thành một bộ phim như thế nào. Charlie muốn làm một bộ phim không có bắn giết rượt đuổi, không tình yêu lãng mạn, không có bạo lực và ma túy, như cuộc sống bình thản và tẻ nhạt, bởi bên ngoài Hollywood, một phần lớn nhân loại sống đơn giản như thế. Trong thế giới mà người ta được ru ngủ bằng những hình ảnh anh hùng, tiểu thư và những chuyện tình diễm lệ hoành tráng, người ta thường thờ ơ trước những cái đẹp nhỏ nhoi bao bọc cuộc sống của mình, và như thế một bộ phim thuần túy về một loài hoa và cái đẹp giản dị của tự nhiên dường như là không thể.
Viết về chuyện côn trùng thụ phấn cho hoa, Susan nhìn thấy được sự đắm đuối trong cuộc giao hoan kỳ diệu của muôn loài, nghe được bản hợp xướng hài hòa về sự sinh tồn ngày ngày rạo rực trong mỗi ngọn lá nhánh hoa và những tiếng đập cánh mỏng manh như gió thoảng.
Về đam mê, Susan viết (*):
"Most people yearn for somethings exceptional, something so inspiring that they'd want to risk everything for that passion but few would act on it."
Thông thường, người đã từng có đam mê chấp nhận thực tế ấy vô điều kiện, do đối với họ đam mê cũng gắn với những ảo tưởng nông nổi không thực tế. Một số người nuối tiếc cho đam mê của mình và tự bào chữa bằng vô số các khó khăn trở ngại họ đang phải đối đầu. Một số ít ỏi còn lại hăm hở bắt đầu thực hiện mơ ước và nhanh chóng thối lui ngay khi nhận được những cú đánh đầu tiên vì không chấp nhận được phiền toái cũng như thất bại. Không có ai đi đến cùng mà không nếm chịu những đắng cay.
Những trang viết xuất phát từ những nhụy hoa nay đã vượt ra khỏi những cánh hoa, như hương hoa lan tỏa trong không gian, như lời hát thì thầm về mạch sống:
" There are too many ideas and things and people. Too many directions to go. I was starting to believe the reason it matters to care about is that it whittles the world down to a more managable size."
Dịu dàng mà chuẩn xác biết bao! Khi mình mê thích một điều gì thì điều ấy thu nhỏ thế giới của mình lại, tinh tế hơn, như cách Orlean dùng từ, nó "chuốt" cho thế giới bé lại. Bằng nỗ lực tìm hiểu để chung sống cùng với những đam mê, thế giới rộng lớn và xa lạ đột nhiên trở nên gần gũi. Ngọt ngào như tình bạn thân quen hay ấm áp như vòng tay âu yếm, sự mê thích tạo nên sự hứng khởi để bước tiếp trong một thế giới quá rộng lớn và đầy bất trắc.
Nhưng tại sao ngay cả trong những câu văn đầy cảm hứng nhường này em vẫn thấy nét buồn bã pha chút xót xa ẩn hiện ? Em nghĩ mãi và nhận ra rằng nỗi buồn ngọt ngào ấy ngân lên từ cái nhìn thấu suốt có phần phũ phàng: rằng đam mê của phần lớn chúng ta chẳng xuất phát từ một thôi thúc cao quý hay vì những giá trị đẹp đẽ là mấy như chúng ta tưởng, rằng tận sâu trong bản chất mỗi người, phần lớn chúng ta đam mê vì nó đem lại cho bản thân cảm giác dễ chịu, vì nó làm cho thế giới của ta dễ xoay trở hơn, và rằng khởi thủy của đam mê không gì khác hơn là khoái lạc cá nhân.
Nhưng nếu cuộc sống của chúng ta dựa trên lạc thú thì đó có phải là một điều đáng buồn hay không? Không hẳn, nhưng có điều gì như một nỗi thất vọng bao trùm, vì chúng ta được dạy dỗ để dè bỉu lạc thú và trân trọng những điều cao quý đầy tính khổ hạnh.
Dần dần em cảm nhận rõ hơn về chủ đề xuyên suốt bộ phim, sợi dây mong manh kết nối tất cả và phảng phất cái đẹp buồn buồn. Ấy là nỗi thất vọng. Chỉ một mình Laroche không biết đến thất vọng với lựa chọn tr
ẻ thơ của ông ta, sống như đu dây giữa những đam mê tiếp nối đam mê từ thưở lên 10. Orlean thất vọng khi lạc lối trong huyền thoại về loài phong lan ma, để đến khi tận mắt nhìn thấy thì với bà ta, bông hoa cho dù có đẹp thế nào đi nữa cũng chỉ là một bông hoa, tốt hơn nó hãy là một huyền thoại. Bà viết:
"Life seemed to be fillef with thing that were just like the ghost orchid.. wonderful to IMAGINE, EASY to fall in love with, but a LITTLE fantastic .. and FLEETING... and OUT OF REACH. "
Charlie Kaufmann, dù đã nỗ lực biết bao, cũng đã thất bại. Ông lâm vào bế tắc trong những dự định sáng tạo của mình, cái kết đầy mỉa mai với đầy đủ các yếu tố câu khách điển hình của một phim Hollywood là một ý tưởng châm biếm thông minh. Nhưng đi ngược lại với toàn bộ ý định ban đầu, bộ phim "không bắn giết, bạo lực, ma túy, đuổi bắt" thì nay có đầy đủ cả bắn giết, bạo lực, ma túy, đuổi bắt trên nền một chuyện tình, là một cách bày tỏ sự thất vọng trước những rào cản không/chưa thể vượt qua của công việc chuyển thể kịch bản. Nó cũng hàm chứa nỗi thất vọng lớn lao vì cái đẹp tinh tế của cuốn sách về một trong những loài hoa đẹp và gợi cảm nhất đã không thể hiện hữu.
Và em thất bại, vì không diễn tả hết những suy nghĩ cộng hưởng từ phim của mình trước nhiều tầng lớp, nhiều góc cạnh mà thật khó tin, một bộ phim, lại là phim Mỹ, có thể chạm tới, và vì thấy ngôn ngữ bịt kín rung cảm của mình nhiều hơn là bày tỏ. Tại cốt lõi của bộ phim, em tìm thấy khoảng trống của sự thất vọng, cũng như cuộc sống. Again, life is like an onion. You peel away the layers. Then you get nothing"
Tuesday, July 04, 2006
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment