Sunday, September 17, 2006

Biên niên ký chim vặn dây cót



Biên niên ký chim vặn dây cót

Cuốn này mới được dịch ra tiếng Việt. Nếu ai ưa thích Murakami thì có lẽ không nên bỏ qua cuốn này, mặc dù đọc thì sẽ rất khác Norwegian Wood. Wind-up Bird Chronicle mang những đặc điểm của tiểu thuyết hậu hiện đại với cả hình thức meta-fiction hay truyện ở trong truyện, nhiếu tuyến nhân vật và cách kể chuyện không hoàn toàn theo thứ tự thời gian. Wind-up Bird Chronicle cũng có tính siêu thực (surreal) và biểu tượng (symbol) cao, và có lẽ còn có gì đó ảnh hưởng của triết học Đông phương như tính âm dương. Có thể ví cuốn này như một bức tranh khảm màu (mosaic) mà mỗi mảng tranh lại có những màu sắc, vẻ đẹp riêng, ám ảnh và bí ẩn.
Nước Nhật trong Win-up Bird Chronicle vẫn là nước Nhật lạ lùng- có lẽ còn lạ lùng hơn Norwegian Wood- với những ám ảnh thường trực về cái chết, tình dục và cái đẹp- cái đẹp mà người Nhật hình như tìm thấy cả trong cả sự sáng tạo và sự hủy diệt, trong cả đạo đức và tội ác (chẳng phải một nhà văn nổi tiếng hàng đầu của Nhật từng say sưa ca ngợi cảm xúc duy mỹ của kẻ từng nổi lửa đốt ngôi chùa Vàng nổi tiếng từ hàng trăm năm đó sao).

Nhưng có lẽ một chủ đề trọng tâm trong Wind-up Bird Chronicle không phải là cái đẹp hay cái chết, mà là cái Thiện và cái Ác, là cách đối diện với tội lỗi, với cái phần Ác bên trong mỗi con người và chịu trách nhiệm trước nó. Trên phương diện rộng hơn, đó còn là sự đối mặt với quá khứ tội lỗi của nước Nhật trong thế chiến thứ Hai. Đọc Murakami hình như vẫn thấy có dáng dấp của chủ nghĩa hiện sinh nhưng không phải thứ hiện sinh sôi nổi, cực đoan như thời Sartre, Camus hay ở Abe Kobo (tác giả Người đàn bà trong cồn cát) hoặc Kenzaburo Oe, lại càng không phải là chủ nghĩa nihilism tìm ý nghĩa và cái đẹp trong sự hủy diệt và tự hủy diệt như ở Mishima mà là một thứ hiện sinh ngậm ngùi của thời hậu hiện đại, khi kiếp người không còn được coi là một thứ bi kịch vĩ đại được ve vuốt bằng các danh từ/tính từ trừu tượng mà có tính biểu cảm như despair, absurd, abandon, alienation, anxiety, meaningless...nữa. Nếu bi kịch của chàng Sysphine của Camus vừa vĩ đại vừa không thể nào chịu được vào thời điểm những năm 50 thì đến cuối thế kỷ 20 đã trở thành một cái gì đó tầm phào, nhỏ nhoi, nó cũng chẳng thể đem lại được một cảm giác "buồn nôn" như Sartre miêu tả mà chỉ là một  thứ "unbearable lightness of being",  mang lại một cảm giác vừa khó chịu lại vừa nực cười.  Và nói như Kundera thì các danh từ/tính từ trên trở thành các kitsch, những cái bẫy con người tự lừa mình mà thôi.

Trở lại với Wind-up bird chronicle, đây là cuốn sách nổi tiếng nhất của Murakami ở phương Tây và được giới phê bình đánh giá cao nhất. Trong khi đó, cuốn popular nhất của ông, đặc biệt với độc giả châu Á, lại là NorwegianWood. Tại sao vậy? Có lẽ là vì cuốn Wind-up bird chronicle khó đọc hơn, nhiều tính biểu tượng và siêu thực, kết cấu cũng khá lỏng lẻo, chứ không sweet và dễ tiếp cận như Norwegian Wood. Mặc dù vậy, người đọc vẫn gặp ở đây những nét tiêu biểu trong văn của Murakami như ở trong Norwegian Wood: vẫn giọng văn thư thả, ngọt ngào, phảng phất một nỗi buồn trầm lắng; vẫn những nhân vật lạc lõng trong một nước Nhật hiện đại, dù họ nghe Jazz và Elvis Presley, ăn hamburger và pizza, hay tranh cãi về Hemingway và về Scott Fitzgerald, nhưng bên trong họ vẫn là nước Nhật của ngàn năm biệt lập, lạ lùng và bí ẩn; vẫn những anh chàng nhân vật chính cô độc, sống không có mục tiêu nhưng lại có gì đó rất bình thản, rất Thiền và dễ khiến người đọc cảm thấy gần gũi.

No comments: