Monday, January 28, 2008

Entry for January 28, 2008

Vài phim xem gần đây (chú ý có thể có spoiler)
1. Lust, Caution.
Phim này thì đúng như Roger Ebert nhận xét: Less sense, more sensibility (chơi chữ vì Ang Lee đạo diễn phim Sense and sensibility). Đạo diễn vẫn rất tinh tế và chi tiết nhưng nội dung phim khá là vớ vẩn. Lý An có vẻ hợp với các phim hơi có nữ tính, nhìn từ quan điểm phụ nữ mà thực ra cả Sắc Giới và Brokeback Mountain đều là chuyển thể kịch bản từ các nhà văn nữ.
Vậy phim này có gì hay. Thứ nhất là khẳng định chân lý sex+ money= love (tất nhiên là trong một số điều kiện nhất định). Thực ra một số nghiên cứu cũng cho rằng nếu hai người hòa hợp tình dục thì cũng dễ phát sinh tình cảm tương tự yêu đương (tức là gia tăng một số hoócmon giống như khi yêu đương say đắm). Hơn thế, ngay cả cái người ta gọi là chất hóa học (chemistry) hấp dẫn hai người với nhau khi mới gặp mặt thực chất chỉ là một dự đoán về sự hấp dẫn tình dục. Vai trò của money thì không rõ ràng bằng, nhưng trong phim đã thể hiện một cách tuyệt vời trong đoạn khi em diễn viên chính (hình như tên là Duy?) thì thầm vào tai anh Lương: "anh, chạy đi anh" sau khi đeo trên tay chiếc nhẫn kim cương nặng trĩu, cho dù sau đó nàng phải trả giá bằng tính mạng của bản thân nàng và các chiến hữu (tất nhiên lúc đó nàng không nghĩ và biết trước mà chỉ là phản ứng hơi có tính bản năng). Một chiếc nhẫn kim cương có thể chỉ là một chiếc nhẫn kim cương nhưng với nhiều phụ nữ, có thể đó chính là bằng chứng tình yêu (thế nên các anh giai Beatles mới phải gào lên rằng "anh có thể cho em nhẫn kim cương nếu em muốn nhưng... money can't buy love). Cái "bằng chứng tình yêu" ấy có thể là chỗ bám duy nhất với những người chưa thực sự hiểu tình yêu là gì (và có lẽ đa số nhân loại là như vậy).
Phim còn vài chi tiết hay (và hơi buồn cười) nữa. Ví dụ chi tiết cô Duy phải ân ái với một đồng chí để có kinh nghiệm tình dục và cho hết trinh trước khi hiến mình cho anh Lương. Nhưng sau đó thì anh Lương mất hút khiến kinh nghiệm mới học được của cô Duy thành uổng công (nhưng có lẽ chính sự so sánh giữa việc làm tình vô cảm trong quá khứ với người đồng chí và làm tình cuồng nhiệt với anh Lương sau này lại càng là tác nhân khiến cô Duy không dứt khỏi anh Lương được, và bị phụ thuộc vào anh không chỉ về thể xác mà cả về tinh thần- đó cũng là một chi tiết tinh tế không được nói rõ ra). Chi tiết "chuẩn bị" uổng công này làm tớ nhớ tới phim Black Book (một phim có chủ đề khá giống) khi cô Do Thái rất công phu đi nhuộm lông ở dưới thành blonde để rồi bị anh sĩ quan Đức phát hiện ra là Do Thái nhờ màu của chân tóc trên đầu. Cả hai sự việc đó đều là những sự trớ trêu có tính gợi tình.
Một chi tiết rất hay nữa là đoạn nhóm sinh viên giết chết gã tống tiền, khán giả như được sống trong cảnh đó, và đứng trước các lựa chọn và cảm giác của người trong cuộc.
Phần kết của phim thì tớ cũng không chắc là đã hay, cảm thấy nó hơi feminist quá. Nếu lựa chọn giữa cái kết như trong phim và 2 cái kết sau đây thì mọi người (những ai đã xem) nghĩ kết nào hay hơn.
1. Em Duy bị các đồng chí giết vì phản bội.
2. Anh Lương giết các đồng chí của em Duy nhưng em Duy vẫn sống cho tới hết chiến tranh, sau này lấy chồng đẻ con bình thường như mọi người.
Nói tóm lại, phim này xem khá hay, tinh tế, hợp với tư duy người châu Á nhưng hơi buồn ngủ. Các cảnh sex mà mọi người khen ngợi tớ thấy quay đẹp và chân thực nhưng cũng không quá gợi tình.
À mà cảnh quay Thượng Hải trong phim cũng rất đẹp. Hóa ra hồi 1942 dân Thượng Hải đã đi xích lô trong khi ở Việt Nam hồi đó vẫn là xe kéo tay. Không biết xích lô bắt đầu có ở Việt Nam từ bao giờ?

2. No Country for old men.
Một phim vừa dữ dội căng thẳng, khốc liệt và đẹp như tranh, lại vừa ám ảnh. Anh em nhà Coen có lẽ là những người làm phim có tính triết lý nhất ở Holywood hiện nay, trong khi phim của họ vẫn có tính giải trí rất cao.
Một chủ đề của các phim nhà Coen hình như là số phận. Con người dù có cố thế nào đi nữa, có chủ động, anh hùng, dũng cảm, thông minh... thì cũng chỉ là một con ốc trong bánh xe số phận và những gì sẽ đến sẽ đến. Liên quan tới số phận còn là sự hiện diện của cái ác, cái ác tồn tại độc lập, khách quan, không lý do, không giải thích, hay đúng hơn nó còn là lý do, là sự giải thích. Thế giới trong phim nhà Coen có vẻ như là một thế giới theo mô hình của tôn giáo Manichean, thế giới lưỡng phân trong đó cái ác tồn tại song song với cái thiện, bình thản và thản nhiên như là số phận.

3. Beowulf.
Phim này hóa ra hay hơn mình tưởng. Kỹ xảo tốt, nhất là đoạn đánh nhau với rồng. Cốt truyện chặt chẽ, logic, có ý nghĩa. Xem có tính giải trí tốt, nhất là không bị một số thứ bực mình như một số phim nhiều kỹ xảo khác (chẳng hạn Transformers).

4. Mongols
Phim của Kazacstan về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn. Phim không có gì đặc biệt, nhân vật Thiết Mộc Chân (THành Cát Tư Hãn) trong phim có phần quá "hiền", thiếu đi sự quỷ quyệt, quyết đoán và tàn nhẫn của ông vua này trong lịch sử. Xem phim xong vẫn không hiểu tại sao ông này thống nhất được Mông Cổ và chinh phục nửa thế giới. Xem ra bí quyết chinh phục thế giới của ông chỉ dừng lại ở việc chọn vợ cho tốt. Thiết Mộc Chân trong phim xuất sắc và quyết đoán nhất là ở việc chọn được cô vợ tốt từ năm 9 tuổi, đúng như lời bố ông nói "Đàn ông là phải tự chọn vợ cho mình". Có lẽ đó là tài năng lớn nhất của Thiết Mộc Chân như ở trong phim (bên cạnh việc chọn vợ có đôi chân thật khỏe vì cô vợ như thế sẽ "give the man more pleasure" như lời ông bố).

No comments: