Trích lại từ blog Osin, lượt thuật tọa đàm với nhà văn Nguyên Ngọc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa.
…
Sự Im Lặng Của Trí Thức
Trí thức luôn là lực lượng được chờ đợi trước những thời điểm quan trọng. Kinh tế đang tiệm cận với những chuẩn mực của thị trường. Cấu trúc xã hội cũng muôn phần thay đổi. Các lực lượng khác của xã hội, bằng mọi cách, đã thể hiện mình. Trong khi, theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, “trí thức thì im lặng”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng quan sát và có cùng nhận xét, nhưng vấn đề theo ông, bởi vì: “Chúng ta có một số nhà trí thức có tư cách nhưng không có một tầng lớp trí thức”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng lý do để Việt Nam chưa có được một “tầng lớp trí thức” là vì “tập tính dân tộc”. Mặt khác, theo ông Quốc, “không có tư hữu, không có tầng lớp sở hữu chủ làm sao có được một tầng lớp trí thức đúng nghĩa”.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói, trong lịch sử, Việt Nam chỉ có các nhà nho chứ chưa có các trí thức. Ông Nguyên dẫn nghiên cứu của giáo sư Trần Đình Hượu: Từ nhà nho truyền thống, đến thế kỷ 18-19, khi các đô thị như “kinh Kỳ, phố Hiến” xuất hiện, ta có những “nhà nho tài tử”; khi Pháp vào, ta có những “nhà nho cần vương”; đến thời du nhập tư tưởng phương Tây, ta có những “nhà nho cải cách” như Phan Chu Trinh, rồi “nhà nho cách mạng” như cụ Hồ.
Nhà nho bao giờ cũng đi trước nhưng với tính cách của “kẻ sĩ” chứ không phải trí thức. Trí thức (mà ta đang gọi hiện nay) chỉ có nhân cách với lõi là “kẻ sĩ” chứ tư cách trí thức với nghĩa có thái độ dấn thân, dám bảo vệ chính kiến thì rất yếu. Chính vì vậy, mà theo nhà sử học Dương Trung Quốc, có những bậc “đại trượng phu”, trước thời cuộc, khi dân chúng chờ đợi họ lên tiếng cho Dân tộc thì họ chỉ có thể “giữ lấy lề” cho chính mình.
…
Một Không Gian
Nhưng, trí thức khó có thể giữ được thái độ độc lập khi không có một không gian đủ rộng để họ bày tỏ chính kiến. “Không gian” đó gần như đã bị triệt tiêu khi, theo ông Nguyên Ngọc, văn nghệ, học thuật đã bị phân tuyến “hoặc đúng, hoặc sai; hoặc ta, hoặc địch” và diễn đàn chỉ có chỗ cho những người nhiệt tình, a dua chứ không còn chỗ cho những người tỉnh táo tranh biện và muốn đóng góp một cách thực sự có ích cho Cách mạng.
…
Theo nhà văn Nguyên Ngọc, “trí thức bắt đầu bị hạ nhục liên tục” trong các đợt “chỉnh huấn” sau khi các cố vấn Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam (từ năm 1950, một năm sau khi Đảng Cộng sản nắm quyền ở Trung Quốc), đỉnh cao là thời kỳ “Nhân Văn Giai Phẩm”. Ông Ngọc nói: “Vợ tôi cho đến giờ vẫn còn giận nhiều người, nhưng tôi thì tôi hiểu họ. Có những người “đánh” chỉ để tự vệ cho mình, có những người muốn tránh đấu tố bạn bè, đồng nghiệp thì đành phải cáo ốm vô nằm viện. Ngay như Nguyễn Tuân, vốn tự coi là người ngang ngạnh nhất cũng phải than, ‘Tao sống được tới giờ này là nhờ biết sợ’. Muốn làm kẻ sỹ lúc đó cũng khó. Nguyễn Huy Tưởng đã phải viết rằng, nhiều khi rất muốn từ chức nhưng từ chức thì vợ con biết lấy gì mà ăn”.
Nhưng, nếu so sánh với Nga thì theo ông Nguyên Ngọc: “Số phận các trí thức Nga còn bị đối xử tàn khốc hơn nhiều, nhưng có lẽ nhờ đứng trên một nền tảng văn hóa lớn và một nền độc lập lâu dài mà trí thức Liên Xô, thay vì chỉ là những “trí thức thuộc địa” như ta, vẫn có nhiều nhân vật đáng kính trọng. Nếu như có khá nhiều trí thức của ta chỉ là ‘cương trực vặt’ thì trí thức Liên Xô vẫn có những người như Bulgakov, thà xin Stalin “ban” cho một chân kéo màn ở nhà hát để kiếm sống nhưng tác phẩm thì không khuất phục. Hàng ngày Bulgakov vẫn lặng lẽ viết, cho dù phải 40 năm sau, tác phẩm của ông mới được công bố”.
Nhưng, không chỉ là số phận cụ thể của những con người. Trong một thời gian dài, những sản phẩm cổ động, tuyên truyền đã bị “định chuẩn” là nghệ thuật. Mặc dù, ông Dương Trung Quốc lưu ý, phải đặt tất cả những điều đó trong bối cảnh lịch sử đương thời. Nhưng, ông Nguyên Ngọc vẫn cho rằng, vụ “Nhân Văn Giai Phẩm” cùng với chiến dịch đấu tố trong hệ thống đại học mà đối tượng là những nhà trí thức lớn như Trương Tửu, Trần Đức Thảo… khiến cho những người như Hoàng Tụy mà cũng bị đấu tới 130 cuộc, hàng loạt những trí thức tên tuổi phải cởi áo giáo sư, đã để lại những hậu quả về mặt dân trí lâu dài và không thể nào khắc phục. Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Lúc đó chúng ta đã từng có một nền giáo dục đại học đàng hoàng. Những trí thức khá nhất của chúng ta đều là học trò của những người thầy bị đấu tố đó”.
Hình Thành “Tầng Lớp”
Hầu hết những trí thức Việt Nam tham gia kháng chiến đều vì “độc lập dân tộc”. Tuy nhiên, theo ông Nguyên Ngọc, khát vọng lớn nhất của trí thức là tự do. Đó là lý do vì sao khi hòa bình lập lại thì nhu cầu dân chủ và tự do xuất hiện. Trong tình huống ấy, theo nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, nếu không có một không gian tự do đủ để tiếp cận với sự thật thì không thể nào tạo ra và tồn tại một tầng lớp trí thức thực sự.
…
Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, theo nhà văn Nguyên Ngọc, “càng siết thì sẽ càng rạn nứt”. Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên cho rằng cần phải có “một nền chính trị tham dự thay vì tuân phục” thì mới nâng cao dân trí được. Bao cấp, đặc biệt là bao cấp về chính trị, nhiều khi sẽ dẫn đến sự trói tay cả một dân tộc. Không chỉ hình thành một tầng lớp trí thức dủ mạnh và có tư cách, theo tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa, “Giữ quốc gia thời nay không thể chỉ duy nhất trông cậy vào nhà nước, (phải có) một xã hội dân sự phát triển như trăm nghìn thành lũy mới mong gìn giữ được những gì đã thuộc về người Việt Nam”
Huy Đức- Mỹ Lệ lược thuật
Bình loạn Mao Tôn Cương, như thường lệ:
- mấy bác Phạm Xuân Nguyên, Dương Trung Quốc ở hội thảo nói kinh phết nhỉ nhưng lúc khác có vẻ không được thế
- thực ra bác Nguyên Ngọc em thấy mới là kinh nhất, và cũng nhất quán với những gì bác ý nói và viết
- bác Nguyên Ngọc thì nhất quán, có phẩm tính trí thức nhất
- chứ mấy bác kia thì cũng trích đông trích tây chứ có thấy nói gì kinh lắm đâu. nói ko có trí thức thì ai chả nói được. rồi Nhân Văn thì bảo là phải đặt vào thời điểm đó. bác Nguyên thì cũng chỉ đến "nền chính trị tham dự thay vì tuân phục"
- bác DTQ dù sao cũng là đương kim chính trị gia nên chắc phải lo giữ thân
- bác Dương Trung Quốc, và nhất là bác Phạm Xuân Nguyên, có vẻ đã đi theo hướng "giữ lấy lề" cho chính mình. một số bác khác kiểu Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên, các "trí thức quan chức" thì đã đi theo con đường sám hối 1 số người khác, như Phùng Quán thì theo ý kiến cá nhân em không đủ tầm tư tưởng. bác ý suffer vì thời đại nó thế
- trong nhóm Nhân văn giai phẩm xe ra cũng chẳng có ai thực sự là có tầm tư tưởng. Có Nguyễn Mạnh Tường.
- ý em là cả về tư tưởng nghệ thuật
- à, về nghệ thuật thì có Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần
- đấy, cũng có Văn Cao, Hoàng Cầm, Trần Dần, Nguyên Ngọc, Trần Quốc Thảo, Trương Tửu. Chế Lan Viên có thể coi là có tư tưởng, nhưng không dấn thân. có tư tưởng nhưng đã đầu hàng quan trường
- Chế Lan Viên hình như được coi là người thông minh nhất trong lứa nhà văn đó. Nhưng có ai đó đã bảo là những người thông minh nhất thường khó mà đứng về phe nước mắt
- bác ý cũng chọn easiest way. ừ em cũng đang định bảo thế. rất có thể mình cũng sẽ chọn con đường đó
- hi hi
- để chọn phe nước mắt cần phải có sự gàn dở và dũng cảm nhất định. những người tỉnh táo và thông minh ít khi chọn con đường ấy
- gàn dở kiểu Trần Dần và Phùng Quán, hai người có vẻ can đảm và bướng bỉnh nhất
- Trần Dần là gàn dở, nhưng em hơi có cảm giác (có thể biased bởi bài viết của Phạm Thị Hoài) là đã chọn phe nước mắt vì gàn dở thôi, chứ về tư tưởng thì vẫn có tư tưởng đầu hàng
- à nghe nói là Nguyễn Hữu Đang mới là linh hồn hướng dẫn hoạt động nhóm đó ông này vì thế bị tù nặng nhất dù gần như ko trực tiếp viết gì. Còn “trí thức phò chính thống” như Phạm Thị Hoài nói thì trong bài này gọi là nhà nho, chứ ko phải trí thức. Nhà nho thì có hai tư thế: hoặc tham gia giúp vua hoặc lui về ở ẩn, mặc việc nước.
- ừ, nhà nho chưa biết đến cái “vị thế thứ 3”. Thực ra khi nhắc đến "nhà nho tài tử" thì cũng đã có dáng dấp
- kiểu Cao Bá Quát. nhưng như Cao Bá Quát thì hành động vì tự do cá nhân mình, vì tính cách mình theo kiểu Trần Dần
- ừ, không phải vì sống chết cho lý tưởng. có lẽ 80 năm chưa đủ để tạo nên tinh thần tr
í thức tự do phương Tây
- thực ra tiếp xúc với lý tưởng trí thức Tây thì cũng đã có. Trong hàng ngũ trí thức thời Pháp thì có Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo nữa. Nhưng ông Thảo thì hơi ngộ chữ, ông Tường tỉnh táo hơn có điều thế hệ đó vẫn bị lóa mắt bởi cách mạng và bởi tư tưởng Nho giáo là trung quân, là đặt độc lập lên trên những thứ khác, tức là họ có cái để bấu víu vào cho việc thỏa hiệp
- nhưng sau Nhân văn thì em nghĩ đã là sụp đổ hàng lọat về niềm tin. sau đó với giới trí thức, chỉ còn là sợ hãi, nhất là khi ko còn niềm tin cả vào anh em bạn bè
- ừ, chính sách chia để trị. với lại trong chế độ toàn trị thì nhà nước là nguồn duy nhất cung cấp dinh dưỡng, trí thức còn ít tự do hơn cả nho sĩ dưới thời phong kiến
- có thể trị được, nhưng niềm tin ko có nữa. Vấn đề lúc đó ko còn là tự do, vấn đề lúc đó là phải sống.
- có thể phải bây giờ, đến thế hệ những người như Nguyễn Tiến Trung mới ra được một lớp mới
- Nguyễn Tiến Trung là chính trị gia. Thực ra con đường của NTT là con đường làm chính trị. Trí thức thì không làm cách mạng, họ đưa ra tư tưởng
- các trí thức cỡ 40-50 tuổi hầu như chả có tiếng nói gì trong xã hội mình
- nhưng có thể cũng bắt đầu có ở lớp 30-40. bạn Phan Việt dịch Suối Nguồn, anh Bình với NXB Tri Thức. Có thể đấy là những người xung quanh chúng ta, chúng ta không lùi đủ xa để nhìn thấy rõ ràng đấy là 1 trào lưu trí thức và sẽ có ảnh hưởng trong xã hội
- trong giới nhà báo thì có lẽ bác Huy Đức cũng đóng góp đáng kể, ví dụ như cuộc hội thảo đó
- ừ, và bác Xuân Bình cũng là 1 tiếng nói tự do, mặc dù bác ý thiên về chủ nghĩa yêu nước hơn là đưa ra tư tưởng mới.
No comments:
Post a Comment