Đọc mấy bài thơ buồn này của Văn Cao, vẫn biết rằng đó là tâm sự về cuộc đời ông, nhưng tự nhiên lại nhớ tới các nhân vật của Kafka: một người bị kết án và "vùng chạy" nhưng cũng không thoát được, để rồi gục xuống chấp nhận một cái chết mà người đọc cũng không biết rõ là thanh thản hay cay đắng; một người ngơ ngác giữa một thế giới xa lạ, giữa những mạng nhện của sự hợp lý và phi lý, mộng mị và đời thực, cứ cuồn cuộn cuốn lấy anh ta một cách vô lối thoát, khiến anh ta cứ vô vọng muốn tìm đường đi mà cũng không thể nào đi đến được, mà cũng chẳng thể dừng lại được.
Văn Cao
Những ngày buồn không nói được
tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi
I
Một người cho tôi con dao găm
Không biết dùng làm gì
đêm nhìn qua cửa sổ
một khoảng trống đen
tôi ném vào khoảng trống
con dao găm ấy
có phải đấy là sự nghịch ngợm
bỗng nhiên có tiếng ngã ngoài sân
một người trúng tim đã chết
tôi không hề biết người ấy
tôi là kẻ không muốn giết người
chỉ biết bóng tối
mà tôi đã ném dao
II
Tôi đi trên phố
bỗng nhiên mọi người nhìn tôi
một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp
tôi chạy
tôi chạy
tại sao tôi chạy?
tôi không hiểu tôi
cả phố đuổi theo tôi
xe cộ đuổi theo tôi
tôi chạy bạt mạng
gần hết đời
tới chỗ chỉ còn gục xuống
tỉnh dậy mồ hôi chảy
tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội.
III
Tôi rơi vào mạng nhện
mạng nhện cuốn lấy tôi
không còn cách gì gỡ được
tôi như con sâu tằm
cuộc đời cứ như thế
muốn phá cái mạng nhện
tôi không đủ tay.
Tháng 9-1988
No comments:
Post a Comment