Monday, April 02, 2007

Entry for April 02, 2007

Tản mạn về giàu nghèo


Comment từ bài "Nghèo không phải là cái tội" của phanxine.

Thực ra những cách hiểu mà bạn phanxine nêu ra để phản bạc đã hiểu nhầm những câu tục ngữ này.
"Nghèo không phải là cái tội": đúng không? Rất đúng. Nghèo có thể là do số phận, hoàn cảnh, hoặc đôi khi (nhưng rất hiếm) là do sự lựa chọn. Theo Khổng tử chẳng hạn, đạo đức người quân tử không gắn với việc anh ta giàu hay nghèo mà với cái cách anh ta xử sự trong hoàn cảnh giàu hay nghèo đó: Phú qúy bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất (giàu sang không khiến mình bị sa đọa, nghèo khổ không khiến cái chí của mình bị lung lay. Bạo lực không khiến mình bị khuất phục). Vì thế các nhân vật như Tể tướng Tôn Thúc Ngao nước Sở, Án Anh nước Tề (Tôn Thúc Ngao làm tể tướng nhưng đến khi chết, con cái phải tự cuốc đất mà trồng cấy) vẫn được cổ nhân ca ngợi hết lời, không phải ca ngợi vì họ nghèo mà vì họ làm quan thanh liêm, trung chính, không tham nhũng.


Cái câu "Đói cho sạch, rách cho thơm" cũng có nghĩa vậy. Cổ nhân không khuyên ta phải đói hay rách cũng không nói là người đói thì sạch mà người rách thì thơm. Mà đó chỉ là lời khuyên nếu không may sa cảnh khốn cùng thì vẫn phải giữ lấy đạo đức, nhân phẩm.

Tóm lại, cả giàu hay nghèo đều không phải là cái tội (trừ theo quan điểm đạo Thiên chúa thì người càng giàu thì càng xa Chúa- người giàu vào Thiên đường khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim (Kinh Thánh)). Nhưng người Việt hay bị cách nghĩ đơn giản hóa vấn đề, thái cực hóa mọi thứ (cũng là một biểu hiện của sự lười suy nghĩ). Thế nên, ở một thái cực, một số người (đa phần là nghèo hay không giàu) thì lên án người giàu, coi đại gia, địa chủ, phú nông là những kẻ bất lương, xảo trá hay ngu ngốc. Ở thái cực khác, là sự suy tôn các giá trị vật chất ở mức quá đáng, coi sự giàu có là thước đo đánh giá phẩm chất hay bản lĩnh con người. Có điều không phải là những thái cực này tồn tại ở những con người khác nhau mà trong hầu hết các trường hợp, nó tồn tại trong cùng một con người. Vì thế, có lẽ với rất rất nhiều người Việt Nam hiện nay, mắc vào thái độ: một mặt thì trong thâm tâm, sùng bái vật chất, coi của cải là thước đo đánh giá con người, mặt khác thì lại thể hiện thái độ dè bỉu với những người giàu có. Đó là một thứ phức cảm có nguồn gốc từ cái nghèo, cái đói, sự mặc cảm AQ, cộng với hệ thống giá trị từ thời phong kiến + XHCN coi thường người giàu có về phương diện vị thế xã hội (dưới thời XHCN thì giàu còn được coi là cái tội lớn).

Quote of the day: There are two kinds of people in this world, winners and losers (Richard in Little Miss Sunshine).

No comments: