Lâu rồi không viết gì về phim ảnh. Thôi thì cập nhật tình hình xem phim gần đây vậy.
Các phim xem trong vòng chừng 1 tuần (chủ yếu xem vào hôm thứ 7 và chủ nhật vừa rồi):
- Tin Drum (Germany): Có thể gọi là masterpiece. Một phim như thế hẳn sẽ rất khó được sản xuất ở Mỹ. Nghe nói bang Utah ở Mỹ từng cấm phim này vì có hình ảnh child pornography. Nếu lúc nào rảnh thì sẽ thử review phim này. Nhưng thấy hơi khó.
- Brother (Japan) của Takeshi Kitano. Phim lấy bối cảnh nước Mỹ, kể về việc một tay Yakuza già Nhật Bản sang Mỹ lập nghiệp. Phim vẫn có cái chất rất riêng của Kitano, pha trộn giữa cái không khí u ám, chậm rãi với những pha bạo lực dữ dội bùng phát. Các băng đảng Yakuza trong phim là hiện thân của các Samurai thời hiện đại, những kiếm sĩ từng tung hoành ngang dọc một thời giờ trở thành những kẻ bị ngoài lề, sa sút vào một cuộc sống trong bóng tối, sống bằng bạo lực. Nhưng ở họ vẫn có một tinh thần Samurai không phai: trung thành, xả thân, tự hy sinh và tình bằng hữu. Xem phim của Kitano còn có một điểm riêng: cái tâm trạng chung của phim là u hoài, buồn bã (nhưng đôi lúc lại có những khoảnh khắc rất đẹp, chứa chan màu sắc và cảm xúc vụt lên trong đó ví dụ như trong phim Hanabi). Cuối phim thường là cái chết của nhân vật chính trong phim, như là một điều được biết trước và không thể khác được, nhưng người xem vẫn cảm thấy ấm lòng bởi cái nhìn mang tính nhân văn của tác giả. Phim của Kitano dù có chất nihilist (tự hủy?) nhưng bên trong vẫn chứa đựng một tình yêu với cuộc sống và con người. Cùng với Hayao Miyazaki, có lẽ ông là một trong vài đạo diễn còn sống của Nhật đáng xem nhất hiện nay? Kế hoạch sắp tới sẽ xem tiếp một số phim của ông này.
- Ba phim của Johnny To: Election, Election 2 và Run out of Time. (Từ list phim này có thể thấy là tớ đang hứng thú với các phim bạo lực và băng đảng châu Á). Hay nhất là Election, phim này khiến mình tò mò mới tìm xem tiếp các phim gangster khác của Johnny To. Bộ đôi Election rất thú vị, liên quan tới cuộc bầu cử Chủ tịch của một tổ chức Tam Hoàng (trong phim hình như gọi là Hồng hội- không biết có phải là Hồng Hoa Hội?). Chức Chủ tịch này có nhiệm kỳ 2 năm một lần và nội dung phim liên quan tới các cuộc lobby và thanh toán lẫn nhau xung quanh kỳ bầu cử. Ngày xưa, ở Việt Nam có một truyện khá nổi tiếng là “Âm mưu Hội Tam Hoàng” của một nhà báo Nga viết, đọc rất hấp dẫn. Điều đặc biệt ở các tổ chức Triad này là tính dân chủ của nó (qua việc bầu cử thủ lĩnh) và việc tôn trọng truyền thống lâu đời hàng trăm năm trong các cộng đồng Minh Hương. Buồn cười là đoạn thề bồi trong phim còn lặp y nguyên lời thề của Hội Tam Hoàng khi mới lập là đánh đuổi Mãn Thanh, thề trung thành với Hoàng đế Minh, mặc dù đã là những năm 2000. Xem phim này còn thấy tính khốc liệt, bất chấp thủ đoạn, lừa lọc lẫn nhau, thậm chí có thể cực kỳ man rợ trong các tập đoàn tội ác người Hoa, khác với tính chất gia đình của Mafia Ý hay sự trung thành với thủ lĩnh tương tự samurai với lãnh chúa của Yakuza Nhật Bản. Ngoài hai phim Election (Run Out of Time thì bình thường), Johnny To còn có một phim nữa rất đáng xem là Running of the Karma, một phim vừa bi vừa hài về vòng luân hồi của cuộc đời.
- Wedding Crashers: Sau khi xem một số phim giết chóc, máu me thì quyết định xem một phim hài của Mỹ để giải tỏa đầu óc. Wedding Crashers là một phim khá funny, nội dung cũng không có gì đặc biệt, vẫn motif một (ở đây là hai) anh playboy đi chơi bời chán, xong rồi (không) may yêu phải một (hai) cô. Và yêu thì cưới. Nhưng lời thoại và tình tiết trong phim khá funny. Một phim hài khá hay, đôi chỗ hơi thô thô nhưng mà phim hài mà hơi thô thô mới đúng là kiểu hài của Mỹ- hơi giống với 40-year old virgin.
No comments:
Post a Comment