Hôm nay tình cờ đọc lại truyện "Hoàng tử bé", bản do Bùi Giáng dịch (ngày trước đọc bản của Vĩnh Lạc dịch), thấy có đoạn này tự nhiên thấy hay hay, có thể liên tưởng về mối quan hệ Đông-Tây và cả cách nhìn Eurocentrism trong các vấn đề văn hóa:
"Tôi có nhiều lý lẽ chắc chắn để tin rằng cái tinh cầu của hoàng tử từ đó về đây là tiểu tinh cầu B 612. Tiểu tinh cầu nọ chỉ một lần được thấy bóng phía sau ống viễn vọng vào năm 1909, bởi một nhà thiên văn học người Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông ta đã từng mở một cuộc chứng minh đồ sộ về sự khám phá của mình tại một đại hội quốc tế thiên văn (Thiên văn quốc tế hội nghị). Nhưng thuở đó không ai tin lời ông cả. Vì lối y phục luộm thuộm của ông ta. Những người lớn, họ là như vậy đó.
May thay cho tăm tiếng của tiểu tinh cầu B 612, một nhà độc tài Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành đạo luật cho toàn dân phải ăn vận theo lối sành điệu Âu Châu, nếu bất tuân phải chịu tử hình.
Nhà thiên văn học nọ đến năm 1920, đã tái khai cuộc chứng minh một trận nữa, lần này ông chỉnh tế ngăn nắp trong một bộ y phục rất mực bảnh bao nhẵn nhụi. Và lần này mọi người thiên hạ cùng tán đồng nấc nở ý kiến của ông."
Nhà độc tài mà Saint-Exupéry ám chỉ là Ataturk Mustafa Kemal (Ataturk nghĩa là Cha của người Thổ), người sáng lập ra nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Ông đã thực hiện cuộc Âu hóa triệt để trong xã hội bằng cách tách đạo Hồi ra khỏi Nhà nước, bắt người dân mặc trang phục Âu hóa ở nơi làm việc...Những biện pháp ấy có cả mặt tích cực và tiêu cực nhưng nói ra thì dài mà vẫn sẽ là không đủ. Thổ Nhĩ Kỳ của Ataturk có thể là trường hợp thành công duy nhất trong thế kỷ 20 trong đó Nhà nước thẳng tay tiến hành đồng thời hiện đại hóa và Âu hóa, bất chấp những chống đối quyết liệt của nhiều tầng lớp xã hội (ví dụ nhiều nữ sinh Hồi giáo tự sát khi bị cấm đeo mạng che mặt tới trường và bị cưỡng bức gỡ mạng che mặt). Dù vậy những vết thương trong xã hội này hẳn vẫn còn âm ỉ.
Đoạn văn này của Saint-Exupéry cũng làm mình nhớ tới câu chuyện về nhà vật lý người Pakistan- người Pakistan duy nhất giành được giải Nobel Vật lý. Sau khi đã thành công, trở thành nhà vật lý hàng đầu thế giới, ông này luôn mặc trang phục dân tộc trong các buổi lễ lạt, hội nghị khoa học, kể cả khi lên nhận giải Nobel. Nhưng có lẽ trước khi thành công được đến thế, hẳn ông ta cũng phải “chỉnh tế ngăn nắp trong một bộ y phục rất mực bảnh bao nhẵn nhụi” khi tới thuyết trình tại các hội nghị khoa học.
Vài liên tưởng tản mạn từ đoạn văn của Saint-Exupéry trong một câu chuyện cho trẻ con và những người từng là trẻ con, không có ý nghĩa gì và cũng không nhằm nói lên cái gì.
No comments:
Post a Comment