Bài này có một số nhận xét về văn hóa xem kịch hai miền, cũng như tình trạng nói chung về sân khấu ở Việt Nam. Lưu ý, ý kiến của Đinh Bá Anh, người làm ở Viện Goethe là ý kiến của người trong cuộc, nhưng cũng vì thế mà có thể có những bias.
Trích một đoạn:
"
Thành tựu... nửa vời
Rốt cuộc, thật kỳ lạ, khán giả vẫn hiểu vở kịch này "ám chỉ" Việt Nam. Có lẽ vì bản thân câu chuyện đã có gì đó quá giống Việt Nam hôm nay (thì đấy chính là lý do người ta dựng vở kịch này!), thứ nữa là toàn bộ cảnh trí sân khấu và hai bài dân ca Việt Nam, bài "Bèo dạt mây trôi" và "Trống cơm" ở đầu và cuối vở kịch, là những tín hiệu không thể nhầm lẫn rằng vở kịch đang diễn ra ở Việt Nam. Điều này đã khiến cho nhiều khán giả thích thú. Song cũng có nhiều người khó chịu. Một nhà thơ kể với tôi rằng, khi xem vở diễn, vợ ông đã bức xúc: "Tại sao bọn Tây lại sang đây dựng kịch nói xấu Việt Nam mình như thế?" Nhà thơ đã phải an ủi vợ: "Không, kịch của nước nó đấy. Nó nói xấu nước nó chứ không phải nói xấu nước mình!" Xem thế đủ thấy, nếu vở kịch được chuyển tải hẳn vào khung cảnh Việt Nam như bản dịch của Phạm Thị Hoài, trong đó thay vì "Ghi-lần" là "Quy Lầy", thay vì "ông thị trưởng" là "đồng chí chủ tịch huyện", thay vì "cảnh sát trưởng" là "đồng chí trưởng phòng công an huyện"..., nó sẽ gây phản ứng khủng khiếp đến dường nào!
Nếu như các đêm diễn ở Hà Nội nhìn chung có thể coi là thành công và được số đông khán giả cổ vũ nồng nhiệt thì ba đêm diễn ở Sài Gòn tháng 12.2006 lại là một sự thất bại bẽ bàng. Cả ba buổi diễn, giờ giải lao khán giả bỏ về đến non nửa. Ngoài thực tế là âm thanh, ánh sáng ở Nhà hát Lớn Sài Gòn đều tồi hơn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, dẫn tới việc khó theo dõi lời thoại, có lẽ vẫn phải đi đến kết luận là gu xem kịch của hai miền khác nhau quá lớn. Có khán giả nói họ khó nghe giọng Bắc, nhất là lại nói nhanh và không dùng micro. Có người nói, họ không hiểu gu hài kiểu Bắc. Với khán giả Sài Gòn, diễn viên phải thể hiện tất cả ra giọng nói, nếu không phải làm điệu bộ cường điệu một chút khiến họ cười ngay lập tức. Cái gì nói xong phải nghĩ đến một giây mới hiểu thì không thể cười được. Thực tế đúng như vậy. Các diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam đã trải qua ba đêm diễn như bị tra tấn, bởi họ không nhận được phản ứng nào của khán giả. Bên trên diễn viên cứ diễn, bên dưới khán giả ngồi yên lặng, như thể có một bức tường kính ngăn giữa hai bên. Và khi không nhận được phản ứng của khán giả, các diễn viên càng diễn càng tệ. Sau ba đêm ở Sài Gòn, một diễn viên "anh cả" của đoàn đã phải trấn tĩnh các đồng nghiệp: "Thôi quên đi, bọn nhà quê này có biết xem kịch đâu mà!". Dĩ nhiên, đó là một lời tự an ủi, bởi thất bại thì vẫn là thất bại, khán giả chẳng có lỗi gì cả.
Nhìn tổng thể, vở kịch Bà tỉ phú về thăm quê vẫn có thể coi là một sự kiện của sân khấu kịch Việt Nam, ít nhất là ở Hà Nội. Bởi người ta phải nhìn vào thực tế. Hà Nội không thực sự có một đời sống sân khấu. Thành phố chỉ có vài nhà hát có thể diễn kịch (so với 50 nhà hát ở Zürich!), trong đó trừ Nhà hát Lớn còn được coi là "đạt chuẩn", các nhà hát còn lại đều ở tình trạng xuống cấp. Các thanh trượt ở Rạp Công Nhân và Rạp Hồng Hà đều đã hoen rỉ, sân khấu thủng lỗ chỗ. Rạp Tuổi Trẻ nhìn có vẻ khang trang, nhưng cái gu thẩm mĩ trong trang trí nội thất ở đó thì thật khủng khiếp. Từ lâu Hà Nội đã không cho ra một vở kịch nào xem được. Ngự trị sân khấu kịch là các vở hài thô thiển, làm theo kiểu mì ăn liền. Tất cả các diễn viên, kể cả những người nổi tiếng nhất, đều không ai sống được bằng kịch. Mỗi diễn viên được nhận 15.000 - 30.000 đồng cho mỗi buổi tập. Ai nấy đều lo chạy sô truyền hình, đóng phim quảng cáo, lồng tiếng, chụp ảnh, làm PR để kiếm thêm thu nhập. Kịch, dù người ta có đam mê đến đâu, rốt cuộc lại chỉ là việc phụ."
2. Một phản ý kiến của một người xem (?) Sài Gòn, chê vở diện dựng dở, xơ cứng, không hợp với cách người Sài Gòn cảm nhận.
Một độc giả NôNêm
A: Có ai thấy X. đâu không? Tôi cần xin kịch bản cho các đạo diễn trẻ của tôi dựng lại.
B: Ai đóng?
A: Tôi chứ ai! Tôi đã thích kịch bản này cách đây gần hai mươi năm, đã định làm ở ngay Nhà hát Thành phố này nhưng không được duyệt. Chỉ người Sài Gòn mới thấm được câu này. “Ðời đã biến tôi thành con đĩ, tôi phải biến cái thế giới này thành cái động đĩ.”
C: Chị H. diễn không hay à?
A: Chị ấy rất hay trong những vở khác. Còn ở đây, đạo diễn đã vẽ ra một “cô giáo” cao đạo, lúc nào cũng muốn rao giảng triết lý phục thù sang trọng nhìn xuống dân hèn, viên chức lấp xấp dưới chân. Ông ta quên mất cái chất tinh ranh của bà tỉ phú lúc còn là con mén trong làng, lớp vỏ tỉ phú vẫn không che đậy được gốc gác văn hóa lùn của một quá khứ bị làm điếm rẻ tiền.
B: Tôi đi về đây. Chịu hết nổi rồi. Một kịch bản hot như vậy, sao lại được dựng lạnh lẽo, thiếu những ngọn lửa âm ỉ bên trong chỉ muốn bùng lên lần cuối của một thành phố trong cơn hấp hối.
C: Vài anh chị diễn viên ngoài Hà Nội gọi vào hỏi “Chúng mày đi xem ‘Những tảng nước đá về làng’ chưa? Nhớ mang theo áo ấm!”
D: Có lẽ những người thực hiện đã không cảm được cái chất “đĩ, điếm” của bọn nhà-giàu mới-vô-học đổ vào từ nhiều hướng, mà những người dân, đặc biệt những trí thức thanh bạch, trong đây phải hứng chịu.
A: Rồi mọi người coi! 2006, Sài Gòn sốt vé vì Người vợ ma của sân khấu Phú Nhuận, Con ma trong nhà hát của sân khấu Idecaf, sang năm 2007 sẽ sốt vé vì vở này do chúng tôi dựng lại theo cách cảm nhận của chúng tôi. Giờ thì không lo kiểm duyệt ngăn chặn nữa. Theo thông lệ, Hà Nội dựng trước rồi là mình làm được.
D: Tuỳ! Những con thú thủy tinh của Tennessee Williams do Ðoàn Khoa dựng trong đây bị cấm, trong lúc ở Hà Nội thì đạo diễn Mỹ dựng, rồi đem vô đây diễn, lại chẳng sao.
C: Nghe nói lý lịch người dịch có vấn đề.
E: Chớ không phải vở do đạo diễn nước ngoài thì dựng bằng đô, còn tụi mình thì làm bằng tiền của chính mình à?
B: Bàn những chuyện này, sao thấy ai cũng nhảy chồm chồm, người rừng rực lửa. Nhưng hết giờ giải lao, đành phải về thôi. Kiếp trước có làm ác cũng không nên phạt tôi vào kia ướp lạnh.
D: Chui vô xem lại, tôi chết ngay tại chỗ cho mấy người coi.
No comments:
Post a Comment