Trích “Quyền lực của không quyền lực” của Vaclav Havel.
“Sự khủng hoảng nghiêm trọng của con người xuất hiện do sống trong dối trá, một cuộc khủng hoảng mà đến lượt nó lại làm cho một cuộc sống như vậy trở nên khả thi, chắc chắn phải mang một chiều kích đạo đức nữa: nó bộc lộ, bên cạnh những đặc điểm khác, như là một cuộc khủng hoảng đạo đức sâu sắc trong xã hội. Một người đã từng bị hấp dẫn bởi hệ thống giá trị tiêu thụ, người mà bản sắc đã bị hòa tan trong những trang phục hỗn tạp của nền văn minh đại chúng, người không có gốc rễ trong trật tự của tồn tại, không có cảm nhận trách nhiệm về bất kì cái gì ngoài sự sinh tồn của bản thân, là một người bị vô đạo đức hóa. Hệ thống dựa vào sự vô đạo đức hóa này, khoét sâu nó, và trên thực tế hệ thống ấy chính là sự phóng chiếu sự vô đạo đức lên xã hội.
Ngược lại, sống trong sự thật, như là sự nổi dậy của con người chống lại sự sắp đặt cưỡng bức, là một cố gắng giành lại quyền kiểm soát cảm nhận của cá nhân về trách nhiệm. Nói cách khác, nó hiển nhiên là một hành vi đạo đức, không chỉ vì người ta phải trả giá đắt cho nó, mà cơ bản là vì nó vô tư lợi: rủi ro có thể được đền đáp dưới hình thức chữa lành bệnh cho hiện trạng, mà cũng có thể không. Về mặt này, như tôi đã trình bày trước đây, nó là một canh bạc được tất hoặc mất tất, và thật khó mà tưởng tượng được một con người duy lý lại bước lên con đường chông gai ấy chỉ vì anh ta tin rằng hi sinh hôm nay sẽ đem lại lợi ích ngày mai - dưới hình thức sự cảm kích của công chúng. (Nhân tiện, những người đại diện cho quyền lực luôn vu khống những người sống trong sự thật bằng cách không ngừng quy kết những động cơ vị lợi cho họ - sự thèm muốn quyền lực, danh vọng, hay tiền tài - và do đó chúng đã thử, ít nhất là tìm cách dính líu những người sống trong sự thật này vào thế giới của chúng, thế giới của sự phi đạo đức tổng thể).”
----
Đoạn này rất hay. Như vậy trái với lý thuyết về một nền đạo đức khắc khổ mang tính Thanh giáo như là phẩm chất của “con người mới” sống trong hệ thống hậu toàn trị, trên thực tế, hệ thống này khuyến khích sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ và sự vô trách nhiệm với bất cứ cái gì ngoài sự sinh tồn cá nhân. Bởi lẽ, đó là các yếu tố đảm bảo cho các cá nhân trong xã hội sẽ tiếp tục yên ổn “sống trong dối trá”, chấp nhận tính hợp lý trong sự tồn tại của hệ thống.
Điều tưởng như nghịch lý đó lại hóa ra là hợp lý, cần thiết cho sự vận hành của hệ thống. Chứ hoàn toàn không phải là sự tha hóa, vô trách nhiệm, chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng ấy là do “tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của lối sống phương Tây chạy theo giá trị vật chất tầm thường”. Hệ thống hậu toàn trị (dùng từ của Havel) có khả năng dung hợp được những chủ nghĩa tiêu thụ và hưởng thụ một cách rất dễ dàng, thậm chí còn ngầm khuyến khích nó. Nói cách khác, hệ thống khuyến khích sự vô đạo đức hóa xã hội. Như Havel nói, “Hệ thống dựa vào sự vô đạo đức hóa này, khoét sâu nó, và trên thực tế hệ thống ấy chính là sự phóng chiếu sự vô đạo đức lên xã hội.”
Hãy liên tưởng tới bộ phim mới đoạt giải Oscar gần đây “Cuộc sống của những người khác”. Có trùng hợp không mà một tác phẩm khác về cuộc sống dưới một chế độ hậu toàn trị cũng có tên là “Cuộc sống không ở đây”. Đó hẳn là bi kịch của những cá nhân bị sự vô đạo đức hóa của hệ thống tìm cách làm tha hóa, sống trong một hệ thống mà giá trị đạo đức được chấp nhận, khuyến khích và tán dương nhiều nhất là sự tuân thủ với các lẽ dối trá (và các mỹ từ che đậy cho cơn khủng hoảng đạo đức: thức thời, nhẫn etc.)
Bi kịch cuộc đời của những người chưa hòan toàn bị vô đạo đức hóa bởi hệ thống chính là chính là “cuộc sống không ở đây”, “cuộc sống của những người khác”. Giống như một câu hát của ca sĩ Charlene: I’ve been to “paradise” but I’ve never been to me*
Trong “Cuộc sống của những người khác”, lý giải thế nào về hành động của Wiesler. Tất nhiên, có thể hiểu đó là chiến thắng của lương tâm con người và cái thiện. Những cuộc đấu tranh như thế sẽ xảy ra ở bất kỳ thời nào, chế độ nào. Nhưng hiểu theo một góc hơi khác, gắn với bối cảnh của bộ phim thì đó chính là hành động tìm lại đạo đức như Havel nói, là cố gắng sống trong sự thực, giành lại quyền kiểm soát cá nhân về trách nhiệm. Wiesler là một nhân vật rất đẹp vì anh ta đi từ chỗ bị vô đạo đức hóa triệt để bởi hệ thống, sống cuộc đời của một cái máy, một mắt xích vận hành hoàn hảo đúng như hệ thống mong muốn, chấp nhận tất cả những gì hệ thống mong đợi tới việc anh ta giành lại cảm nhận về trách nhiệm bản thân. Đó là sự chuyển biến từ sự mất ý thức về cá nhân và trách nhiệm cá nhân tới sự tự do (người ta chỉ có thể tự do khi người ta có thể lựa chọn và cảm thấy trách nhiệm cá nhân cho các lựa chọn của mình). Vì thế người xem hiểu được nụ cười của Wiesler ở cuối phim cùng lời nói của ông “It’s for me”. Câu nói này không chỉ thể hiện niềm tự hào với việc tốt trong đời mà ông làm được, nó còn là ý thức về sự tự do và trách nhiệm cá nhân và sự tự giải phóng bản thân mình khỏi vai trò một công cụ vô cảm và chính xác của hệ thống.
Đối ngược với Wiesler thì hành động của Christina-Maria trong phim lại là một bi kịch hiển hiện của sự vô đạo đức hóa do hệ thống khuyến khích. Buồn thay, đó lại là một bi kịch rất phổ biến trong các xã hội hậu toàn trị, dù trong hầu hết các trường hợp, nó có hình thức êm ả và khó nhận thấy hơn nhiều so v
ới trường hợp của Christina-Maria. Cách khai thác, nô dịch hóa con người của hệ thống với Christina-Maria rất tinh vi. Mồi lợi và sự đe dọa của nó là những quyền lợi và ưu đãi về nghề nghiệp, vị trí, tiền bạc. Và nó tìm cách làm mất trách nhiệm cá nhân của đối tượng bằng cách chỉ ra rằng xung quanh ai cũng làm thế, làm như thế là bạn đã thực hiện nghĩa vụ công dân tốt, và là một hành vi đạo đức, hay là một sự hy sinh vì lợi ích chung. Và thế nên quá trình tha hóa của Christina-Maria cũng được thực hiện từng bước. Ban đầu là làm tình với viên Bộ trưởng để giữ vị trí và việc làm cho cô và người tình. Dần dần, hệ thống dẫn dắt, ép buộc cô phải phản bội người tình, trở thành một công cụ của hệ thống. Đó là quá trình đi ngược lại chiều của Wistler, từ một nghệ sĩ (mà nghệ sĩ thì thường được coi là người khá tự do trong xã hội) trở thành kẻ bị nô dịch về tinh thần (và cả thể xác). Ngay cả cái chết của cô cũng là một tai nạn, chứ không phải một hành vi có tính toán thể hiện trách nhiệm cá nhân như cái chết do tự tử của Jerska. Đó là vì Jerska là người tự do tinh thần còn Christina-Maria thì không. Jerska là nạn nhân của hệ thống còn Christina-Maria vừa là nạn nhân vừa là công cụ của hệ thống. Cái chết của Jerska là bằng chứng về sự đàn áp của hệ thống, còn cái chết của Christina-Maria tố cáo sự vô đạo đức hóa, phi cá nhân hóa của hệ thống với con người.
Nhưng tôi vẫn nghĩ, hơn mọi yếu tố khác, chính sự chứng kiến việc Christina-Maria bị hệ thống “vô đạo đức hóa” là nguyên nhân chủ yếu khiến những người như Wiesler thức tỉnh trong quá trình hướng tới việc tìm lại trách nhiệm cá nhân. Cũng như những người vô danh nào đó có thể sẽ thức tỉnh phần nào khi đọc bài báo của Dreyman về những cái chết do tự tử của rất nhiều người Đông Đức- những bi kịch cuộc đời của những người có “cuộc sống không ở đây” từng bị hệ thống đàn áp, khinh miệt và rồi dửng dưng, cố tình lãng quên họ, gạt họ ra khỏi sổ sách như thể họ chưa từng tồn tại trong cõi đời. Và chắc đó là lý do tại sao bức tường Berlin cuối cùng cũng sụp đổ sau hơn 40 năm. Người ta không thể nào tiếp tục sống mãi bằng “cuộc sống của những người khác”. Rồi cũng có lúc họ phải nói Goodbye Lenin **.
* Lời trong bài hát nổi tiếng I’ve never been to me của Charlene, được giễu nhại trong phim Shrek 3 mới ra.
** Tên một phim khác của Đức về thời kỳ trước và sau bức tường Berlin sụp đổ.
(Nhân đọc Havel và tán chuyện về phim Cuộc sống của những người khác ở chỗ này)
(Đã sửa lại tên nhân vật. Cảm ơn hoaianh).