Để bắt đầu nghiêm túc, chuyển sang mục bình luận báo chí. Việc này có thể một số người coi là nhàm, và rất có thể sẽ có vài comment như “báo chí Việt Nam nó thế” hay gì đó tương tự. Nhưng tớ nghĩ, quan sát những gì báo chí đăng tải là một điều thú vị, nó phần nào thể hiện được cái tâm thức của xã hội, những suy nghĩ phổ biến trong dư luận, hay cách thức mà xã hội nhìn và nghĩ về bản thân nó. Báo chí Việt Nam trong thời buổi hiện này được gán ghép cho chức năng (buộc phải có) là công cụ hướng dẫn dư luận của chính quyền (tớ nhớ không lầm thì hình như có nhiệm vụ giáo dục, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước được đề cập rõ ràng như một nhiệm vụ chính thức của báo chí!). Thế nên không có gì ngạc nhiên khi phải đọc những bài viết như trên báo CAND về các phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến. Tớ chỉ thấy đáng tiếc một điều là nhiều bài viết với tinh thần đấu tố, bôi nhọ như thế lại được đăng lại nguyên văn trên báo Lao động online, dù sao cũng là một tờ báo đứng đắn và có tên tuổi, trong khi các báo mạng như Vnexpress hay VNN chỉ đăng các tin ngắn.
Mà lướt qua báo hôm nay thấy có tin này mới:
Giám đốc luật Sài Gòn lĩnh án vì chống nhà nước
Hóa ra không chỉ có vụ anh Đài, chị Công Nhân ở Hà Nội mà có cả bác luật sư này trong Sài Gòn cũng bị xử, thế mà đây là lần đầu tiên mình đọc thấy tên bác này.
Anyway, chuyện chính trị bỏ qua một bên, dù cũng phải nói nốt một ý là các vụ xử tới tấp này cho thấy một thực trạng đáng buồn trong đời sống chính trị Việt Nam, với tư duy để ổn định, cần bỏ tù những người có ý kiến khác vẫn hoành hành.
Entry này thực ra muốn nói tới chuyện báo chí Việt Nam khai thác một cách quá đà với những sự “sa ngã” của các diễn viên, nghệ sĩ. Gần đây là việc anh diễn viên hài Hiệp “gà” (mà thật ra mình chẳng biết ảnh là ai). Chỉ việc anh ấy bị nghiện và bị khởi tố do tàng trữ ma túy đã khiến cho không biết nhà báo có được tiền nhuận bút bằng những bài viết dớ dẩn, vô bổ, đầy tinh thần thương hại. Đó là chưa kể các bạn diễn viên cùng nghề lại được dịp lên giọng nọ kia, và vô số bạn đọc được dịp thể hiện phê phán, động viên con người lầm lạc với giọng điều vừa bề trên, vừa thầm khoái trá. Tục ngữ có câu “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại” (câu này cũng hay được các bạn đọc và nhà báo trích dẫn khi bảo ban, khuyên bảo), nhưng trên thực tế thì hình như tâm lý của người Việt với kẻ ngã ngựa là trước hết quật túi bụi cho nó gục hẳn đã, sau đó mới bắt đầu bảo ban mắng mỏ xoa đầu. Nhớ vụ Văn Quyến khi trước cũng thế. Khổ thân thằng bé :D
Các tờ báo có lẽ nên lớn lên, đừng “trẻ con”, viết theo dư luận thế nữa. Vai trò của nhà báo trước hết ở chỗ thông tin: cung cấp các thông tin chính xác nhanh nhạy, trung thực và khách quan. Thứ hai ở sự sắc sảo và thông tuệ trong việc bình luận các vấn đề mà xã hội quan tâm (chính là vị trí của các columnist). Và khi đóng vai trò bình luận thì người viết bài cần đứng trên lập trường của chính mình, nêu ra quan điểm của mình và được bảo đảm bằng việc ký tên chính mình dưới bài viết đó. Nhà báo không bao giờ nên đóng vai trò người phán xử đạo đức, đặt mình đứng trên xã hội, hay nhân danh dư luận (một từ thực ra rất sáo và rất trống rỗng).
Mà thực ra ở các tờ báo của Việt Nam hình như chưa thực sự có các columnist, ngoài một vài tên tuổi và vài chuyên mục nho nhỏ? Cách làm báo ở Việt Nam vẫn có sự lẫn lộn giữa đưa tin và bình luận. Bình luận nhiều (và nhiều khi rất vớ vẩn) trong khi đưa tin, nhưng lại thiếu những bài bình luận thật sự và có trách nhiệm từ những người viết báo sắc sảo và có kinh nghiệm.
No comments:
Post a Comment