- Nghệ thuật và cuộc sống
-
- Bakhtin nói rằng: "Ba mặt văn hóa của con người - khoa học, nghệ thuật và cuộc sống chỉ tìm được sự thống nhất trong nhân cách, cái đưa chúng tới sự thống nhất của mình." Ông viết tiếp: "Khi con người ở trong nghệ thuật, anh ta không ở trong cuộc sống, và ngược lại. Giữa chúng không có sự thống nhất và tương hỗ lẫn nhau nội tại trong sự thống nhất của nhân cách. Vậy cái gì đảm bảo mối quan hệ nội tại giữa các yếu tố của nhân cách? Chỉ có sự thống nhất của trách nhiệm. Vì những gì tôi trải nghiệm và thấu hiểu trong nghệ thuật, tôi phải trả lời bằng chính cuộc sống của mình, để tất cả những trải nghiệm và thấu hiểu không còn là bất tác trong cuộc sống."
Tôi nghĩ rằng nghệ thuật và cuộc sống phải thống nhất trong một nhân cách. Và cuộc sống ở đây phải là cuộc sống của chính bản thân anh ở nơi anh, không của ai khác, không ở ngoài kia. Tách rời nghệ thuật ra khỏi cuộc sống của tác giả khiến tác phẩm nghệ thuật khô cứng, máy móc, nhạt nhẽo, không có sinh lực của cuộc đời. Do đó thẩm mỹ một tác phẩm nghệ thuật không phải chỉ thẩm mỹ riêng tác phẩm đó, trần trụi, tách bạch với cuộc sống của tác giả, mà phải thẩm mỹ tác phẩm đó trong sự thống nhất của nhân cách giữa tác phẩm và cuộc sống của tác giả. Nhiều người đề cao các tác phẩm Orwell, nhưng tôi lại cảm thấy những Trại súc vật, 1984 hết sức khô cứng, chán ngắt. Orwell đã "rút gọn một cách khắt khe một thực tại vào trong phương diện chính trị của thực tại ấy và rút gọn chính cái phương diện chính trị ấy vào trong những gì tiêu cực nhất của nó... Cuốn tiểu thuyết của Orwell, bất chấp ý định của nó, chính nó lại tham gia vào tinh thần toàn trị, tinh thần tuyên truyền", như Kundera nhận định. Tôi đặt câu hỏi tại sao các tác phẩm của Orwell lại đến nông nỗi vậy? Câu trả lời mãi tận gần đây tôi mới nhận ra khi các tài liệu mật về Orwell được giải mật: chính bản thân Orwell theo dõi và tố giác cuộc sống riêng tư của các nhà hoạt động văn hóa. Ông đã làm chính cái việc mà ông đã nỗ lực "rút gọn một cách khắt khe" trong các tác phẩm của mình. Do không có sự thống nhất giữa nghệ thuật và cuộc sống trong nhân cách của ông, nên các tác phẩm nghệ thuật của ông tẻ nhạt. Cao Bá Quát là ví dụ khác về sự thống nhất trong nhân cách của nghệ thuật và cuộc sống.
Có thể có ai đó sẽ cho rằng đây chỉ là một cách khác nói khác của Sainte-Beuve, mà Proust đã phê phán. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Sainte-Bueve chỉ xét tới tiểu sử của tác giả, và không hề biết tới sự thống nhất của nhân cách.
Comment của tớ (sửa 1 chút khi post ở đây)
Trại súc vật thì bình thường nhưng tôi không nghĩ 1984 là một tác phẩm khô cứng và chán ngắt. Trái lại, tôi thấy đó là một tác phẩm không chỉ xuất sắc về nội dung với những tiên đoán tài tình về cuộc sống trong các xã hội toàn trị mà còn rất có chất thơ trong cái vẻ ảm đạm khắc khổ u ám của nó. Kundera là một nhà văn và nhà tiểu luận rất đặc sắc và thú vị nhưng không phải nhận xét nào của ông cũng xác đáng.
Hơn nữa, tôi nghĩ các chi tiết tiểu sử tác giả chỉ có ý nghĩa khi mình muốn tìm hiểu sâu hơn về tác giả, nếu để nó ảnh hưởng nhiều tới cách nhìn nhận tác phẩm lại thành một điều không hay. Cũng nói thêm là các cáo buộc về Orwell chưa hoàn toàn có cơ sở và ngay cả khi có thật thì những người mà Orwell chỉ điểm là những người cộng sản Stalinist là thứ chủ nghĩa mà Orwell căm ghét (Orwell là người xã hội (Socialist) hơi có khuynh hướng thiên về vô chính phủ). Tức là kể cả việc chỉ điểm có thực thì nó cũng phù hợp với niềm tin và lý tưởng của Orwell và không vì thế mà hạ thấp nhân phẩm của ông. Ngay cả những phán quyết về nhân cách con người cũng là một việc không dễ dàng. Sartre ngày xưa chẳng được tán tụng lên mây khi ông đứng về phía những người khởi nghĩa Angiêri và chế độ Stalin (Tại sao những kẻ như Sartre lại luôn đứng ở phía bên kia- lời trong phim Battle of Alger). Trong khi đó, Camus thì lại bị giới trí thức Pháp chê cười vì thái độ trung dung của ông trong chiến tranh Anger và việc ông phản đối chế độ Stalin. Nhưng ngày nay người ta lại coi Sartre là ngớ ngẩn, cơ hội hay mù quáng trong việc đó, trong khi Camus lại được coi như là một biểu tượng của lương tâm trí thức.
Về con người và văn chương của Orwell, có bài lời nói đầu của một bác nào đó trong cuốn Homage to Catalonia là có vẻ xác đáng nhất. Tôi không nhớ chính xác nhưng đại ý là nói Orwell vĩ đại trong sự bình thường của ông, ông không phải là thiên tài theo nghĩa được trời phú mà ông đạt tới sự gần như hoàn thiện từ sự cần cù, nguyên tắc, trung thực và dấn thân của mình.
No comments:
Post a Comment