Các quan sát này dựa trên theo dõi những vở kịch của Việt Nam chủ yếu trên truyền hình từ hồi tớ còn ở Việt Nam, giờ thì không biết, nhưng có vẻ vẫn thế? Vì lâu không theo dõi nên có thể có nhiều cái sai.
Kịch ở Việt Nam có nhược điểm rất nặng nề là thoại rất chuối, nhất là các đoạn độc thoại trong các vở kịch hơi có tính lịch sử, rồi thì lồng ghép rất nhiều quan điểm Macxit giai cấp vào trong đó. Mà không chỉ kịch, vở bộ ba chèo nổi tiếng của Tào Mạt hình như với tên là Đất nước cũng bị khiếm khuyết nặng nề. Ấn tượng hồi xưa của tớ về bộ ba Đất nước này là vừa tích cực vừa tiêu cực: Tích cực vì đó quả là vở diễn hấp dẫn, khá nhiều ý tưởng, nhiều câu hát hay, nhân vật sinh động, nhiều đoạn đối thoại thú vị… Tiêu cực vì tác giả áp đặt quan điểm Mác-xít và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa quá mức vào đó, biến các nhân vật lịch sử thành công cụ phản ánh quan điểm chính trị chính thống lúc bấy giờ.
Cách dựng kịch thì mang tính truyền thống quá đậm nét, hầu như không có cách tân gì, điều này hơi lạ vì tớ nghĩ kịch Brecht có ảnh hưởng ở Việt Nam. Ngay từ khi còn bé, tớ nhớ đã xem VN dựng lại nhiều vở của Brecht như Vòng phấn Kafkazơ rồi Người tốt thành Tứ Xuyên... mà khi xem mình chả hiểu gì mấy vì vốn quen với cách tiếp cận kịch truyền thống. Nhưng hình như kịch cách tân chỉ dừng lại ở nghiên cứu còn không tạo ra ảnh hưởng gì trong lĩnh vực sáng tác?. Brecht là cộng sản Đông Đức nên được ưu ái phần nào thế còn các trường phái khác nổi tiếng trong thế kỷ 20 như kịch phi lý như Beckett, Ionesco hay kịch hiện sinh như Sartres, Camus hình như chưa bao giờ được dựng và chiếu rộng rãi ở Việt Nam?
Đợt vừa rồi nhà XB Sân khấu có xuất bản 100 tuyệt tác sân khấu thế giới, trong đó chọn của Việt Nam 2 vở kịch là Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi. Tớ đọc Vũ Như Tô thấy cũng được nhưng gọi là tuyệt tác thì hơi bị quá. Nhân vật Vũ Như Tô tuy có sự phức tạp nội tâm nhưng không có gì là mới cả, Hamlet của Shakespeare đã có nội tâm mâu thuẫn giữa điều phải với điều không phải từ thế kỷ 16 rồi. Có chăng là mới ở Việt Nam, khi các nhân vật được coi chỉ có hai tuyến: chính diện và phản diện?
Nguyễn Trãi ở Đông Quan thì chưa đọc, có xem hồi nhỏ nhưng không nhớ gì (chỉ nhớ mang máng là có nhân vật thượng thư Hoàng Phúc thủ đoạn, thâm trầm). Hơi lạ là không thấy có vở nào của Lưu Quang Vũ được chọn dù ông là kịch tác giả thành công nhất của Việt Nam. Vở Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt của ông là vở kịch Việt Nam duy nhất được một nhà hát ở London sử dụng để biểu diễn.
Nhân nói tới black humor, trước tớ có bảo là chưa thấy phim nào của Việt Nam có chất đó, nhưng nghĩ lại trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ cũng thấy thấp thoáng có chất đó. Chất hài và bi trong kịch Lưu Quang Vũ quyện vào nhau và tồn tại ở nhiều cấp độ khác nhau, như có cái hài nhẹ nhàng, có cái hài chua cay, có cái hài tưởng như ngớ ngẩn…
Ngoài lề: Thực ra tớ thấy phim ảnh của Mỹ từ những năm 60 về trước cũng ảnh hưởng rất nặng bởi tính kịch (các bộ phim như A streetcar named Desire, 12 angry men, hay nói chung các phim do Eliza Kazan dựng). Hình như phải tới thời của Kubrick mới tạo ra được bước đột phá với việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh đa dạng thay cho việc (gần như hoàn toàn) dựa vào lời thoại và các kịch tính của kịch bản để làm cột sống cho bộ phim?
No comments:
Post a Comment