1. Từ 2006-2010, mỗi năm trả nợ 2 tỉ USD
TTCN - Theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2006-2010, VN phải trả nước ngoài 10-11 tỉ USD nợ quốc gia. Được biết, tổng nợ nước ngoài hiện vào khoảng 20 tỉ USD.
Bài của Danh Đức trên Tuổi trẻ.
Danh Đức là một tay bút cứng trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày trước, cùng với Nguyễn Vạn Phú, Nguyễn Ngọc Bích...Danh Đức viết đều tay, nhiều thông tin nhưng không có được cái biến hoá như Nguyễn Vạn Phú (cái biến hoá theo kiểu Hữu Thọ ngày xưa nhưng duyên dáng hơn) hay vẻ uyên thâm của Nguyễn Ngọc Bích. Nhưng cũng 4-5 năm nay mình không đọc tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn rồi.
Như vậy, tính trung bình mỗi người Việt Nam phải trả $45 mỗi năm cho nợ nước ngoài, trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam hiện nay chắc khoảng $400-500, tức là bằng khoảng 1 tháng lao động trong năm. Tổng nợ nước ngoài hiện nay khoảng 35% GDP, tuy không phải là con số vượt quá khả năng thanh toán, nhất là khi nợ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là nợ ODA, có thời gian đáo hạn dài, nhưng cũng là con số khá lớn, thuộc diện nợ nhiều rồi. Một nhược điểm chính của nợ ODA là ở việc sử dụng vốn, rất dễ xảy ra hiện tượng mà trong kinh tế học gọi là moral hazard, tức là việc sử dụng vốn trái với mục đích khi cho vay vốn, như những gì có thể thấy trong các vụ việc PMU18 cũng như sự xuống cấp và thất thoát của hàng loạt các công trình giao thông, xây dựng. Đó là chưa kể một nhược điểm nữa của ODA là bị gắn với các điều kiện của nhà tài trợ mà nhiều khi gây thiệt hại không nhỏ. ODA song phương, nhất là của bọn Nhật Bản, rất hay có trò ép phải thuê nhà thầu, mua hàng, thuê tư vấn của chúng nó với giá cao.
Bọn các tổ chức quốc tế kiểu WB, ADB... thì cũng có những tính chất chính trị của chúng nó. Nên nếu thấy trên báo chí, chúng nó khen ngợi ầm ĩ chính phủ Việt Nam giải ngân tốt hay con gái Việt Nam xinh, mặc áo dài trông dễ thương mà mình vội mừng nghĩ là kinh tế Việt Nam thực sự phát triển tốt, con gái Việt Nam thực sự xinh đẹp nhất nhì thì lạc quan hơi sớm. Đơn giản, nhìn vào góc độ tổ chức và con người thì nếu các tổ chức này cho Việt Nam vay được nhiều dự án, giải ngân nhanh chóng thì có nghĩa là công việc của họ cũng được tiến hành thuận lợi và các tay Country Manager, Regional Manager cũng có thêm cơ hội thăng tiến.
2. Vụ PMU 18: cơ hội cải cách và thanh lọc
Bài này của TS Lê Đăng Doanh, có thể coi là nhà kinh tế có uy tín nhất ở Việt Nam hiện nay về cả tài và tâm và là người từng phải trả giá cho những phát biểu trung thực của mình.Ông Doanh vạch ra nguyên nhân của những vụ tham nhũng khổng lồ như PMU18 là từ "khuyết tật của hệ thống", "lỗ hổng trong hệ thống chính trị của chúng ta, từ khâu thiết kế và trong khâu vận hành." Và nếu theo đánh giá của ông Doanh "Vụ PMU18 trở nên một trường hợp điển hình, một liều thuốc thử phản ứng và hiệu lực của chế độ chúng ta." thì rõ ràng là liều thuốc này cho thấy sự bất lực, bất hợp lý và tham nhũng lan tràn trong hệ thống chính trị hiện nay của Việt Nam. Có cảm giác như người ta chỉ cần kéo nhẹ vài sợi dây là có thể ra một đống bùng nhùng mà tất cả các thành viên của hệ thống ấy cũng như những con rối bị buộc bởi vô số thứ dây dợ bùng nhùng, và nhiều sợi có thể nói là bẩn thỉu.
Những ý kiến này của ông Doanh, từng làm Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TW, Thư ký Tổng bí thư, rất đáng xem xét.
"Quan hệ giữa quyền lực và giám sát quyền lực trong Đảng và Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thế nào trước những lỗ hổng nghiêm trọng đã được phát hiện, các quyền dân chủ của người dân được hiến pháp long trọng xác định được thực thi và bảo vệ thế nào trong thực tế trước những biểu hiện vi phạm, tham nhũng, lạm dụng chức quyền.
Quyền được thông tin, trách nhiệm công khai, minh bạch phải được sửa đổi, bổ sung thế nào để tránh “khép kín”. Trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm tập thể đến đâu? Những qui định nào là lỗi thời, những hoạt động nào là hình thức và có cách gì để sửa đổi, bổ sung?
Dưới ánh sáng của các diễn biến mới, các vấn đề dân chủ trong Đảng, quyền hạn và trách nhiệm giám sát của Ủy ban Kiểm tra phải được nâng cao thích đáng, phương thức lãnh đạo của Đảng, quan hệ giữa Đảng và Nhà nước phải được xem xét và đặt ra tại Đại hội X."
Có thể hiểu là phải xác định lại vai trò "bao trùm" và tồn tại song song của Đảng lên trên hệ thống chính quyền như một thứ quyền lực tối thượng, làm vô hiệu hoá trên thực tế hệ thống tam quyền: hành pháp, lập pháp, tư pháp. Quyền dân chủ và quyền được thông tin của người dân phải được tôn trọng trên thực tế như là những nguyên tắc được ghi long trọng trong Hiến pháp.
Nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay chưa thể tiến hành đa nguyên thì cũng nên xác định lại đúng đắn vai trò của mình trong mối quan hệ với hệ thống quyền lực. Không thể để tình trạng ông có quyền lực nhất nước thì lại không phải là nguyên thủ, chẳng có quyền gì trong hệ thống chính quyền nhà nước và đi Tây thì chẳng có tổng thống, thủ tướng nào nó tiếp đón một cách long trọng. Có thể học tập mô hình các đảng cầm quyền trong một nền chính trị độc đảng về pháp lý hay trên thực tế như ở Đài Loan trước đây, ở Malaysia, Singapore...Đảng chỉ đóng vai trò tư vấn và cung cấp nhân sự cho chính quyền chứ không tồn tại song song và bên trên bộ máy nhà nước.
Có như vậy thì mới tách bạch được vai trò và quyền lực của Tư pháp, Hành pháp, Lập pháp, để các bộ phận này độc lập với nhau đư
ợc. Chứ giờ ông Hành pháp và ông Tư pháp cũng là đại biểu quốc hội tức là có quyền lập pháp. Mà pháp luật đưa ra cũng do hai ông trên soạn thảo. Tư pháp lại là một bộ phận của Hành pháp, không có toà án độc lập. Và cả ba đều nằm dưới chiếc ô lãnh đạo của Đảng. Thế mới có chuyện Thủ tướng không cách chức được Bộ trưởng mặc dù Bộ trưởng là thành viên Chính phủ mà phải đệ trình lên Bộ Chính trị. Bộ Chính trị gật đầu thì Thủ tướng mới có thể tạm để ông Bộ trưởng thôi nhiệm vụ nhưng lại phải chờ đến kỳ họp Quốc hội để Quốc hội thông qua. Hmm, tóm lại là một đống bùng nhùng trói buộc tất cả, và làm lợi cho một số người. :(
No comments:
Post a Comment