Friday, September 26, 2008

Entry for September 26, 2008


Trên blog bạn Phanxine có nói cảm giác như cái cây bị bứng gốc. Cảm giác ấy của bạn có thể hiểu được, nhất là vì bạn là người làm nghệ thuật và công việc sáng tạo nghệ thuật liên quan chặt chẽ với nền tảng văn hóa. Trong khi đó, văn hóa lại là một quá trình thẩm thấu nhiều năm. Thế nên có rất ít trường hợp một người đã trưởng thành ở một nền văn hóa này, sang nền văn hóa khác lại có thể đạt được những thành công lớn về nghệ thuật. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, như Lý An chẳng hạn, thành công cả với phim với nền tảng văn hóa phương Tây như Brokeback Mountain. Cũng như vậy, trong cuộc sống, có những người có thể hòa nhập rất nhanh vào một nền văn hóa khác, có người lại rất khó.

Khi đọc blog đó của Phanxine, tôi thử tự hỏi mình liệu mình có cảm giác đó không? Tôi cũng không rõ. Quả thực, có những lúc thấy nhớ Hà Nội, nhớ Việt Nam, nhớ cảm giác khi mình ở đấy, những lúc vui, lúc buồn, dạo này còn lẩn thẩn, thỉnh thoảng còn nhớ cả thời thơ ấu. Nhưng cái cảm giác gắn bó với nước Việt Nam hiện tại cũng mơ hồ đi nhiều, so với lúc khi mới bắt đầu rời khỏi Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác đầu tiên khi bắt đầu đi học xa Việt Nam, cũng vào dịp này cách đây 6 năm. Buổi sáng chủ nhật ngủ dậy trong một căn phòng trên tầng 2 ký túc xá, nghe tiếng người xôn xao xa lạ ở dưới sân, cảm thấy trống trải vô cùng. Và lúc đó có một ý nghĩ, nửa như câu hỏi, nửa như sự tự chấp nhận “như vậy đấy.”

Sau này mọi thứ quen đi, tôi không còn có cảm giác da diết hay mong về Việt Nam nữa, thậm chí còn cảm thấy khá dửng dưng khi tới thời điểm về. Tôi chưa bao giờ có cảm giác gắn bó với nước Mỹ, luôn có một cảm giác dửng dưng với xứ sở này. Thế nên tôi rất ngạc nhiên trước việc nhiều người sống ở một số nước, như Nga chẳng hạn, có tình cảm dồi dào với đất nước đó thế. Hoặc cũng có thể những người trải qua tuổi mười bảy, đôi mươi ở nước ngoài sẽ có cảm giác gắn bó với nơi đó hơn những người đi ra nước ngoài khi đã quá tuổi 25?

Nhưng với Việt Nam thì cái cảm giác gắn bó, quen thuộc cũng lỏng lẻo gần đi. Chắc vì thế nên quê hương thực ra là kỷ niệm. Trong tiếng Anh, chữ nostalgia vừa có nghĩa nhớ quê hương, lại vừa có nghĩa là hoài niệm. Nhưng chừng nào những nỗi nhớ còn có hình thù, nó không phải hoài niệm. Hoài niệm không phải nỗi nhớ cụ thể mà là nỗi nhớ về cái gì đó không hình thù, không rõ rệt. Khi những hình ảnh của quá khứ mờ dần đi, trộn vào với nhau thì lúc đó hoài niệm sẽ xuất hiện, như những bông súng trên mặt ao nước lặng. Và đó là cảm giác vừa như lắng xuống lại vừa như dội lên, nửa cồn cào, nửa trầm lặng.

Kundera có viết một tiểu thuyết ngắn mang chủ đề “nostalgia” có tên tiếng Anh “Ignorance” (Sự không biết) về “hoài niệm” của những người xa quê. Ông so sánh nỗi nhớ quê với sự ghi nhớ của ký ức:

"During the twenty years of Odysseus' absence, the people of Ithaca retained many recollections of him but never felt nostalgia for him. Whereas Odysseus did suffer nostalgia, and remembered almost nothing.

We can comprehend this curious contradiction if we realize that for memory to function well, it needs constant practice: if recollections are not evoked again and again, in conversations with friends, they go. Émigrés gathered together in compatriot colonies keep retelling to the point of nausea the same stories, which thereby become unforgettable. But people who do not spend time with their compatriots, Iike Irena or Odysseus, are inevitably stricken with amnesia. The stronger their nostalgia, the emptier of recollections it becomes. The more Odysseus languished, the more he forgot. For nostalgia does not heighten memory's activity, it does not awaken recollec tions; it suffices unto itself, unto its own feelings, so fully absorbed is it by its suffering and nothing else."


[“
"Trong hai mươi năm vắng mặt Odysseus, người Ithaca vẫn lưu giữ nhiều ký ức về chàng, nhưng chưa bao giờ họ cảm thấy hoài niệm về chàng. Trong khi Odysseus thì hoài niệm, nhưng gần như không nhớ được ký ức gì.

Chúng ta có thể hiểu được sự mâu thuẫn này nếu chúng ta biết rằng để cho trí nhớ hoạt động tốt, nó cần thường xuyên luyện tập: nếu các ký ức không được nhắc lại thỉnh thoảng, trong đối thoại với bạn bè, chúng sẽ ra đi. Những người lưu vong thường tụ họp trong những cộng đồng đồng bào để kể cho nhau, nhiều tới mức buồn nôn, những câu chuyện giống nhau , và vì thế những câu chuyện đó trở nên khó quên. Nhưng với những người không dành thời gian của mình ở bên những người đồng bào như Irena hay Odysseus thì sẽ không thể nào tránh khỏi việc mất trí nhớ. Lòng hoài niệm của họ càng mạnh mẽ, các ký ức càng trở nên trống rỗng.
Odysseus càng buồn khổ, chàng lại càng quên nhiều. Bởi hoài niệm không làm tăng hoạt động của trí nhớ, nó không đánh thức các ký ức; nó tự hài lòng với mình, tự hòa vào cảm giác của nó, tự vùi lấp trong nỗi đau của nó và không gì khác nữa.”]

Trong câu thơ của Thanh Tâm Tuyền “Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”, thì nỗi nhớ ở đây không phải nỗi nhớ của hai người yêu nhau, mà là một nỗi nhớ hoài niệm. Thời gian đã là một cái trục ngược chiều, khi người ta hoài niệm không chỉ quá khứ mà cả tương lai. Cảm giác đó chỉ có khi người ta biết rằng đó là hoài niệm, rằng không phải tôi sẽ nhớ tới em trong vòng tay tôi ngày hôm nay, mà tôi sẽ nhớ cái cảm giác của tôi ngày hôm nay, nhớ đôi mắt sáng long lanh của em (chẳng hạn) và những gì nó gợi trong tôi lúc này. Hay đúng hơn nữa, những thứ đó sẽ không trở thành một ký ức cụ thể với tôi, mà sẽ trôi vào trong cảm giác của tôi một ngày nào đó trong tương lai. Và tôi cảm được cái ngày đó ngay từ bây giờ, vào lúc này.

Anh sợ những cột đèn đổ xuống
Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta
Bóp chết mọi hy vọng
Nên anh dìu em đi xa

Đi đi chúng ta đến công viên
Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối

Ôi môi em như mật đắng
Như móng sắc thương đau
….Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới
Chiếc kèn hát mãi than van
Điệu nhạc gầy níu nhau tuyệt vọng
…”
[Dạ khúc- Thanh Tâm Tuyền]

Hoài niệm và Odysseus. Kundera viết về Odysseus và nỗi nhớ quê của chàng. James Joyce cũng từ câu chuyện chàng Odysseus để viết nên tác phẩm văn học lớn nhất thế kỷ 20. Cả Kundera và Joyce đều là những kẻ lưu vong, một bị bắt buộc, một tự nguyện. Hẳn vì thế mà cả hai đều cảm thấy gần gũi với Odysseus.

Một nhà văn lớn khác, Jorge Luis Borges, cũng viết về Odysseus:

“Người ta nói Ulysses, mệt mỏi vì các kỳ quan chàng thấy,
Khóc với yêu thương khi thấy lại Ithaca, xanh mướt, khiêm nhường.
Nghệ thuật chính là Ithaca,
Một màu xanh vĩnh cửu, nào phải kỳ quan. ”

Borges cũng là một kẻ lưu vong-lưu vong trên chính quê hương mình, trong những bức tường thư viện u tối, với đôi mắt dần mù lòa. Nostalgia của ông không còn là nostalgia về một miền đất, một khoảng thời gian, một nền văn hóa hay một lối sống cụ thể, mà đã trở thành sự tìm kiếm một trạng thái tồn tại khác. Thời gian và ký ức (thực - hư) luôn là những thứ ám ảnh Borges.

“Hãy nhìn dòng sông được tạo bởi thời gian và nước
Và nhớ rằng Thời Gian là một dòng sông khác
Để biết chúng ta lưu lạc như sông
Và khuôn mặt ta biến mất đi như nước.”
[Nghệ thuật thi ca- Borges]


“Ở phía bên kia, nơi chúng ta từng trẻ
Có một thế giới quyến rũ diệu kỳ
Những ý nghĩ của chúng ta lang thang
Không dừng lại, không biên giới
Khi tiếng chuông đổ vang...

Cỏ thêm xanh tươi
Ngày thêm rạng rỡ
Vị thêm ngọt ngào
Những đêm kỳ diệu
Bên cạnh bè bạn
Sương mai lóng lánh
Nước chảy trong lành
Dòng sông vô tận”

(High Hopes- Pink Floyd)

Ngày gặp lại, nếu Ithaca không còn xanh mướt, khiêm nhường, chắc gì Odysseus đã khóc?

No comments: