Đọc một entry của một người ban, tôi lại nghĩ tới sự phân biệt Bắc- Nam hay Hà Nội- Sài Gòn trong dân Việt mình.
Bạn viết " Có lẽ phải có một chuyên mục tâm sự chị Thanh Tâm nhằm chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào con trai Bắc thuyết phục được bố mẹ cho vào Nam sinh sống và lập nghiệp. Thế giới người ta nhắc nhiều đến từ “toàn cầu hóa”, có lẽ VN nên bắt đầu từ … “toàn quốc hóa” thì hơn. Những người có tuổi đã đành, đằng này còn cả thanh niên nữa, rất nhiều người đặt nặng và phân biệt Bắc / Nam trong cuộc sống, công việc. Ừ thì hàng trăm năm Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi mấy chục năm chiến tranh vừa qua, nỗi ám ảnh đó làm sao dễ dàng dứt bỏ được. Biết vậy nhưng đôi khi vẫn bực mình, bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ ra, sao chúng ta vẫn nhỏ nhen đến vậy? Ừ nhỉ, máu và nước mắt có bao giờ là cách giải quyết tốt nhất đâu …"
Cách đây không lâu, từng có một entry của một em bé Sài Gòn có tiêu đề “F..king Hà Lội”, có lẽ là entry có nhiều comments nhất trong thế giới Y360 Việt. Em bé này sau đó còn được cả BBC phỏng vấn (chứng tỏ muốn nổi tiếng, đôi khi cũng không phải khó, nhỉ). Trận chiến blog HN-SG ấy thu hút hàng nghìn comments hai bên, thôi thì đủ cả mọi thứ, tôi cũng không khoái đọc mấy thứ đó nên chỉ liếc vài giây rồi đóng blog đó lại, nên cũng không biết gì hơn.
Lại cách đây ít lâu nữa, thỉnh thoảng đọc vài bài trên báo hải ngoại hay talawas, lại thấy nhiều “phóng sự” về Hà Nội của một số bác người Nam hay hải ngoại trong đó hình ảnh Hà Nội hiện ra rất xập xệ, khá là bôi bác. Có bác trong bài còn bô bô kể chuyện đi ăn tiệc với Nguyễn Huy Thiệp thấy ông này quên cài khuy quần, chắc là cũng định học tập phong cách ẩn dụ của Thiệp nhằm bỉ người Hà Nội chăng, tôi cũng không biết chắc.
Trích một số đoạn chat với một số bạn bè (có modified, không hoàn toàn chính xác):
Thanh nữ SG:
- Em không ghét Hà Nội nhưng em anti- Hà Nội (?).
- Em có bạn người Bắc không?
- Em chỉ có bạn gốc Bắc nhưng sống ở trong này nên họ khác
Thanh nữ Hà Nội:
- Ôi, em không thể hiểu được cái humour của người miền Nam. Rất chi là Bảo Quốc.
- Em không thể thích được con trai Sài Gòn. Các bạn ấy đi chơi toàn đi xem kịch hay đi xem cải lương. Mà lại là kịch Sài Gòn nữa chứ.
Với kinh nghiệm cá nhân, chắc hẳn các bạn cũng biết được sự kỳ thị Nam- Bắc này, qua cách đối xử và cách nghĩ của người khác và có thể của cả chính bạn với người khác nữa, chẳng cần phải nói thêm.
Theo tớ vấn đề kỳ thị và bất đồng Nam-Bắc hay xảy ra do các việc sau :
1. Nhiều người Bắc, nhất là người nào sống ở Hà Nội, thường ngầm tự cho mình là nhất, và coi thường dân những nơi không phải Hà Nội. Vì thế họ rất nhạy cảm với ai chê Hà Nội. Trái lại, người Bắc hầu như không chê Sài Gòn bao giờ, nhưng lại hay có tâm lý coi thường người Nam về độ sâu sắc trong ứng xử, tâm lý hay hưởng thụ văn hóa.
2. Do đặc điểm văn hóa khác người Bắc, nên khá nhiều người Nam không ưa người Bắc. Thêm nữa, với nhiều người Nam, Hà Nội đến với họ trong thơ nhạc là những hình ảnh rất đẹp, lãng mạn, hào hoa, thanh lịch. Nhưng khi lần đầu ra Hà Nội thì rất nhiều người thất vọng vì thành phố xấu, nhỏ, bẩn, bụi, thất vọng hơn nữa vì người Hà Nội không thanh lịch như họ tưởng và đối xử phân biệt với họ. Mà người Nam lại hay thẳng tính, nên hay nói thành lời cái việc không ưa đó, chạm vào tự ái của người Bắc.
Tất nhiên còn có nhiều nguyên nhân khác (chia cắt địa lý, chính trị, chiến tranh…) nhưng mà chủ yếu, tớ nghĩ vẫn là từ sự khác biệt văn hóa.
Thế là thôi, lại cãi nhau, Bắc kỳ thì khinh khỉnh mà coi Nam bộ là hai lúa hay nông cạn, thiếu chiều “xâu”, còn Nam bộ thì chê bai dân Bắc là chỉ được cái nói, thực chất thì kém cỏi hay không thật lòng, nói một đằng, làm một “nẽo”.…
Như đợt về Việt Nam, mình vào SG chơi mấy hôm mà ra Bắc, đã bị hỏi dò là có người yêu ở SG à, rồi không nên lấy con gái miền Nam thế này, thế kia, ôi đúng là phức tạp.
Entry này cũng chỉ là một quan sát thôi, chẳng để rút ra điều gì. Cũng là thứ để viết chơi trong một ngày bão tuyết quay cuồng nơi “xứ tuyết”, nơi việc gặp những người đồng hương, ăn món ăn quê hương, dù là Bắc hay là Nam cũng là một điều quý.
Norah Jones thì vẫn đang réo rắt bên tai “Come away with me and we'll kiss. On a mountaintop. Come away with me. And I'll never stop loving you”.
PS: Chủ đề này có thể nhạy cảm, hơn nữa việc nói "người Bắc" thế này, "người Nam" thế kia chắc chắn không tránh khỏi những stereotype nhất định (có thể có lý hay không có lý), hy vọng không khiến bạn nào phật lòng.
2 comments:
Không biết bài này bạn viết lâu chưa, xin lỗi mình ấn nhanh quá chưa kịp nhìn. Mình tham khảo nhiều bài và hiện nay mình thấy các bạn phía Nam, chắc chủ yếu là SG đang gia tăng mức độ và độ nặng của từ ngữ trong các bài văn, câu nói của mình.
Vấn đề Nam - Bắc mình nghe được 2 3 lần từ phía chú bác mình vào Nam kể lại nhưng mình không nghĩ nó nặng tới mức như trên mạng hiện nay, điển hình như bài của bé Cry. Nếu bạn muốn tham khảo thêm có thể vào các 4rum game của Việt Nam.
Ở ngoài đời mình ko chắc nhưng mình đoán mọi người giữ ý mà ít đề cập. Bạn tham khảo trên mạng chắc được nhiều thông tin hơn. Mình dạo này gặp nhiều bạn phân biệt Bắc - Nam, đặc biệt là các bạn Nam với lối ăn nói khá trịch thượng.
Không hay lắm nếu đi quá xa trong vấn đề Nam - Bắc nhưng mình tin tìm hiểu thì không có gì là sai cả. Nhiều người biết đến vấn đề này hơn sẽ dẫn ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa nhưng dần dần mọi người sẽ cùng nhau bước qua các định kiến để thực sự "toàn quốc hóa".
Đôi lời của mình, tìm được bài bạn trên Google. Có gì cần trao đổi, bạn có thể email:
quangtrunge8k42@gmail.com
Trung.
Nếu thật sự em muốn hiểu tại sao có chuyện kỳ thị bắc nam, bắc ở đây là bắc vô nam sau 1975 thì chịu khó hỏi chuyện mấy cô bác lớn tuổi khoảng 60 trở lên thì hiểu liền.
Post a Comment