Friday, March 09, 2007

Entry for March 09, 2007

Danh xưng một tuyển thơ
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 (2007), báo chí đưa tin: Cuộc thi tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức trong hai năm đã kết thúc. Buổi lễ tổng kết cuộc thi này đã diễn ra vào đêm Nguyên tiêu tại Văn Miếu (Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Danh sách 100 bài thơ được tuyển chọn đã được công bố và in thành sách. Tôi có đôi điều bàn về danh xưng của sự tuyển chọn này.
1.

Trước hết là danh xưng “Việt Nam” trong tên gọi cuộc thi tuyển chọn. Chúng ta hiểu thơ Việt Nam thế kỷ XX là của người Việt làm ra dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào của trăm năm vừa qua. Ban tổ chức cuộc thi không hạn định không gian địa lý vùng miền của hai tiếng “Việt Nam” này, cho nên thơ chọn ở đây phải được hiểu là tất cả thơ của người Việt làm ra trong thế kỷ XX ở trên lãnh thổ Việt Nam và ngoài lãnh thổ Việt Nam, làm ra trong thời kỳ đất nước thuộc địa và đất nước độc lập, đất nước phân chia và đất nước thống nhất. Nhìn vào danh sách 100 bài thơ được tuyển chọn ta không thấy điều này. Danh xưng “Việt Nam” ở đây đã bị thu hẹp rất nhiều. Như vậy là danh không chính.


2.

Trong 100 bài thơ được chọn thì 99 bài là thơ tiếng Việt, 1 bài là thơ tiếng Hán. Không biết khi tiến hành cuộc thi, ban tổ chức có định nghĩa thơ Việt Nam thế kỷ XX là thơ do người Việt viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài hay không. Tôi tin là không có quy định đó vì nếu đề ra như vậy thì bất khả thi. Mà đã không có quy định đó thì sự tuyển chọn một bài này đã là phạm quy, phạm luật thơ. Và là sự bất nhất. Bất nhất giữa tiếng Việt và tiếng ngoại quốc. Bất nhất giữa lãnh tụ và thi nhân. Bất nhất giữa chính trị và thơ ca. Sự bất nhất này còn bị đẩy lên khi bài đó phá trật tự bảng chữ cái tên tác giả để đứng đầu danh sách. Thơ ca đòi hỏi được đối xử với tư cách thơ ca. Nhà thơ Hồ Chí Minh có thể có bài được chọn, nhưng không phải là bài chữ Hán, và đứng tên trong danh sách theo đúng thứ tự tên mình. Danh như vậy cũng là không chính.


3.

Giả sử hai điều danh trên đây là chính, tức là tiêu chí tuyển chọn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỷ XX là: 1) thơ của người Việt làm ra dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào của trăm năm vừa qua; và 2) thơ do người Việt viết bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài, thì những người tham gia cuộc thi, và cả ban tổ chức, sẽ không thể có đầy đủ dữ liệu cho sự tuyển chọn của mình. Hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam một trăm năm qua cho đến bây giờ chưa có điều kiện cho người đọc thơ được tiếp cận nhiều nguồn thơ của người Việt đến từ nhiều phía khác nhau. Cho nên dễ hiểu là trong 100 bài thơ được chọn thì chủ yếu là của các tác giả trước 1945 và sau 1975, và số lượng chính là các tác giả ở miền Bắc. Nhìn vào kết quả tuyển chọn thì có thể đoán biết thành phần người dự thi và phạm vi đọc của họ. Nhưng đó không phải lỗi của họ.


4.

Trong văn học nghệ thuật, ý kiến của công chúng là quan trọng nhưng không phải quyết định. Tại các liên hoan nghệ thuật, giải của khán thính giả bầu chọn không thể thay thế giải của ban giám khảo. Ban giám khảo là giới chuyên môn, là những người có thẩm quyền và trình độ để bình chọn và bảo đảm cho chất lượng sự bình chọn đó bằng thẩm quyền và trình độ của mình. Như gần đây báo chí vừa đưa tin 20 tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại của thế giới là được bình chọn bởi một hội đồng thẩm định gồm 125 trí thức của nhiều nước do Italia đứng ra tổ chức. Cố nhiên, mọi sự bình chọn đều không tránh khỏi phiến diện, chủ quan, nhưng sai số của giới chuyên môn có thể ở mức tương đối thấp. Ở Mỹ, có đại tuyển tập Những bài thơ cho thiên niên kỷ (Poems for the Millennium) tập hợp 350 nhà thơ thế kỷ XX do Jerome Rothenberg và Pierre Joris tuyển chọn. Cũng ở Mỹ, từ 1988 hàng năm có tuyển thơ Mỹ hay nhất trong năm (Best American Poetry), mỗi năm do một nhà thơ đứng ra tuyển chọn, và mỗi tập nhất thiết phải có bài giới thiệu của người tuyển chọn nói rõ quan điểm và nhận định của mình về thơ trong năm.

Cuộc tuyển chọn 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX, như kết quả cho thấy, là cuộc tuyển chọn của một bộ phận công chúng. Và như vậy, cùng với những điều trên, thơ được gọi là “hay nhất” trong tập này chỉ là tương đối ở cuộc này mà thôi, theo cách làm này mà thôi. Nhưng để gọi là “thơ Việt hay nhất thế kỷ XX” thì là thậm xưng, là vội vã và tùy tiện.


5.

Các nhà thơ có tác phẩm được chọn ở đây có niềm vui của họ. Họ không dự phần trách nhiệm vào một cuộc tuyển chọn mà danh xưng chưa chính như cuộc này, dù có thể có người lương tâm áy náy và băn khoăn khi đặt mình trong tương quan thơ Việt nói chung thế kỷ XX. Tôi tôn trọng các nhà thơ. Tôi tôn trọng những bình chọn của công chúng trong phạm vi khả năng đọc của họ. Họ không có nhiều lựa chọn. Cả nền thơ Việt miền Nam thời kỳ 1954-1975 họ chưa biết. Cả nền thơ Việt hải ngoại từ 1975 họ chưa biết. Cả một bộ phận thơ chìm bóng lâu nay họ chưa biết. Ai cũng rõ là càng nhiều khả năng lựa chọn thì càng khó lựa chọn. Điều chưa thỏa đáng ở đây là ở ban tổ chức. Họ có ý tốt đối với thơ Việt, nhưng kết quả chưa được như điều họ muốn. Thay vì có thể gây ngộ nhận và hiểu nhầm bằng tên gọi to tát mà danh chưa xứng với thực, họ hãy gọi đúng tên nó là một cuộc thi và danh sách đưa ra là kết quả của cuộc thi đó. Tập thơ chọn in ra cũng nên đề rõ như vậy. Điều đáng buồn là ngay từ đêm Nguyên tiêu ấn tượng để lại cho ng
ười yêu thơ về cuộc này là... phản thơ.

Hà Nội 8/3/2007

Nguồn: Bài đã đăng báo Phụ nữ TP HCM ngày 9/3/2007 với đầu đề do tòa soạn đổi là “Năm điều bất cập”. Bản đăng trên talawas là bản đầy đủ của tác giả.


Danh sách 100 bài thơ hay nhất (Ngoài Nguyên Tiêu, 99 bài còn lại được sắp xếp theo tên tác giả dựa vào bảng chữ cái).

1) Nguyên Tiêu - Hồ Chí Minh.

2) Ngày Hòa bình đầu tiên - Phùng Khắc Bắc.

3) Những bóng người trên sân ga - của Nguyễn Bính.

4) Tạm biệt Huế - Thu Bồn.

5) Vào chùa - của Đồng Đức Bốn.

6) Sư đoàn - Phạm Ngọc Cảnh.

7) Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc - Văn Cao.

8) Núi Đôi - Vũ Cao.

9) Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm.

10) Tràng Giang - Huy Cận.

11) Dọn về làng - Nông Quốc Chấn.

12) Quê hương - Nguyễn Bá Chung.

13) Say đi em - Vũ Hoàng Chương.

14) Miền Trung - Hoàng Trần Cương.

15) Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ.

16) Anh đừng khen em - Lâm Thị Mỹ Dạ.

17) Nguyệt cầm - Xuân Diệu.

18) Cô bộ đội ấy đã đi rồi - Phạm Tiến Duật.

19) Tây tiến - Quang Dũng.

20) Lên Côn Sơn - Khương Hữu Dụng.


21) Đò lèn - Nguyễn Duy.

22) Chiều - Hồ Dzếnh.

23) Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà.

24) Cha tôi - Lê Đạt.

25) Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm.

26) Núi mường Hung dòng sông Mã - Cầm Giang.

27) Mắt buồn - Bùi Giáng.

28) Hai sắc hoa tigôn - T.T.KH.

29) Đọc thơ ức Trai - Sóng Hồng.

30) Bài thơ tình ở Hàng Châu - Tế Hanh.

31) Trở về quê nội - Ca Lê Hiến.

32) Đêm mưa - Hoàn.

33) Những đứa trẻ chơi trước cửa đền - Thi Hoàng.

34) Cửu Long giang ta ơi - Nguyên Hồng.

35) Đêm nay Bác không ngủ - Minh Huệ.

36) Nỗi niềm Thị Nở - Quang Huy.

37) Đường khuya trở bước - Đinh Hùng.

38) Người về - Hoàng Hưng.

39) Đồng chí - Chính Hữu.

40) Khi con tu hú - Tố Hữu.

41) Lên Cấm sơn - Thôi Hữu.

42) Lời nói dối nhân ái - Trang Thế Hy.

43) Gánh nước đêm - Á Nam Trần Tuấn Khải.

44) Tỳ bà - Bích Khê.

45) Gửi bác Trần Nhuận Minh - Trần Đăng Khoa.

46) Thu điếu - Nguyễn Khuyến.

47) Bến Mi Lăng - Yến Lan.

48) Tháp Chàm - Văn Lê.

49) Ông đồ - Vũ Đình Liên.

50) Đèo cả - Hữu Loan.


51) Viếng bạn - Hoàng Lộc.

52) Tiếng thu - Lưu Trọng Lư.

53) Nhớ rừng - Thế Lữ.

54) Một vị tướng về hưu - Nguyễn Đức Mậu.

55) Những mùa trăng mong chờ - Lê Thị Mây.

56) Dặn con - Trần Nhuận Minh.

57) Hội Lim - Vũ Đình Minh.

58) Khóc người vợ hiền - Tú Mỡ.

59) Cuộc chia ly màu đỏ - Nguyễn Mỹ.

60) Quê hương - Giang Nam.

61) Thị Màu - Anh Ngọc.

62) Nhớ - Hồng Nguyên.

63) Trời và đất - Phan Thị Thanh Nhàn.

64) Người đàn bà ngồi đan - Ý Nhi.

65) Nhớ máu - Trần Mai Ninh.

66) Mẹ - Nguyễn Ngọc Oánh.

67) Bông và mây - Ngô Văn Phú.

68) Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương - Việt Phương.

69) Đợi - Vũ Quần Phương.

70) Tên làng - Y Phương.


71) Lời mẹ dặn - Phùng Quán.

72) Có khi nào - Bùi Minh Quốc.

73) Tự hát - Xuân Quỳnh.

74) Áo lụa Hà Đông - Nguyên Sa.

75) Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao.

76) Người đẹp - Lò Ngân Sủn.

77) Đồng dao cho người lớn - Nguyễn Trọng Tạo.

78) Tống biệt hành - Thâm Tâm.

79) Dấu chân qua trảng cỏ - Thanh Thảo.

80) Đất nước - Nguyễn Đình Thi.


81) Những người đàn bà gánh nước sông - Nguyễn Quang Thiều.

82) Nghe tiếng cuốc kêu - Hữu Thỉnh.

83) Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông.

84) Bờ sông vẫn gió - Trúc Thông.

85) Bến đò ngày mưa - Anh Thơ.

86) Thăm lúa - Trần Hữu Thung.

87) Cổ lũy cô thôn - Phạm Thiên Thư.

88) Nói sao cho vợi - Thu Trang.

89) Mưa đêm lều vó - Trần Huyền Trân.

90) Bên mộ cụ Nguyễn Du - Vương Trọng.

91) Nhớ Huế quê tôi - Thanh Tịnh.

92) Màu thời gian - Đoàn Phú Tứ.

93) Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử.

94) Nhớ vợ - Cầm Vĩnh Ui.

95) Em tắm - Bạc Văn Ùi.

96) Một ngày ta ngoái lại - Đinh Thị Thu Vân.

97) Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng - Chế Lan Viên.

98) Bếp lửa - Bằng Việt.

99) Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ.

100) Thương vợ - Trần Tế Xương.


No comments: