NGUYỄN HIẾN LÊ-NGƯỜI TỰ LÀM NÊN BẢN THÂN MÌNH
Đỗ Lai Thúy
(trích)
...Điều đập vào óc chúng ta trước tiên là thấy Nguyễn Hiến Lê giông giống với các tiền bối của ông như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh…, những học giả trước thuật nhiều với mục đích khai sáng. Họ không phải là những nhà nho thuần túy, dù ít nhiều được giáo dục Nho học một cách không truyền thống và chính thống. Bởi thế, họ có cốt cách một nhà nho. Có tâm huyết với đất nước, các nhà nho phi nho này muốn hành đạo giúp đời. Trước sự bất lực của văn hóa Nho giáo với thảm trạng đất nước, họ quay sang văn hóa phương Tây nhằm tìm kiếm một công cụ hiện đại để canh tân đất nước. Thế là họ chủ động tiếp thu Tây học, và bằng con đường tự đào tạo trở thành những trí thức Tây học đầu tiên tuyên truyền, xây dựng văn hóa mới. Họ không nề hà đóng những viên gạch móng như làm tự điển, từ điển, sưu tầm truyện cổ dân gian, ca dao tục ngữ, biên soạn các sách lịch sử, văn học, ngôn ngữ, dịch thuật sách vở nước ngoài để nâng cao kiến thức, học tập kinh nghiệm…
Sống trong một hoàn cảnh xã hội ít nhiều khác các cụ, ứng xử trước nhân tình thế thái cũng không giống hẳn các tiền nhân trên, nhưng tôi vẫn thấy Nguyễn Hiến Lê giống những người trước ông. Đó là tri thức Tây học mang cốt cách Nho gia. Điều này chi phối cách nhìn, cách ứng xử, cách hoạt động học thuật và quan trọng hơn, cơ chế tiếp thu văn hóa phương Tây nói riêng và văn hóa nước ngoài nói chung. Đó là cơ chế tiếp thu theo kiểu chủ/khách. Ta là chủ thể, là trung tâm, là cổng ngõ qui định khách nào thì được vào và vào như thế nào. Vì thế, ta chỉ tiếp thu cái gì cần cho ta trước mắt, cắt xén đối tượng cho phù hợp với tỳ vị của ta…
Kiểu trí thức này có một căn cốt rất vững. Nó liên thông với các tri thức Nho gia truyền thống như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… Trước là tri thức Nho giáo, sau là cốt cách Nho gia, đã làm cho họ có một cái đế rất vững chắc để có thể lấy bất biến ứng vạn biến. Có thể nói, đây là kiểu trí thức đặc trưng của Việt Nam trong thế kỷ XX. Và kiểu trí thức này sẽ còn tồn tại lâu dài, chừng nào mà Việt Nam còn đi sau thế giới, còn bị chi phối bởi hai nguồn tư tưởng cổ truyền: tiểu nông và Nho giáo, tuy rằng, đóng góp của kiểu trí thức này đã rất lớn và sẽ còn rất lớn, cả về nhân cách và tri thức, mà Nguyễn Hiến Lê là một tiếp nối tiêu biểu và ngời sáng.
Hiện nay thế giới đang ở vào giai đoạn toàn cầu hoá mạnh mẽ nhờ sự phát triển bột phát của tin học. Đây là cơ hội vàng cho các nước tiền hiện đại, hoặc mới bước vào hiện đại để rút ngắn quá trình hiện đại hoá của mình. Nhằm mục đích đó, cùng với kiểu trí thức trên, Việt Nam rất cần một kiểu trí thức khác, không chỉ biết trạch tuyển, truyền bá, khai sáng, áp dụng, mà, quan trọng hơn, có tư tưởng và biết sáng tạo. Bởi lẽ, lúc này sự đối lập Ta và Thế giới không còn nhiều ý nghĩa, mà phải là Ta là Thế giới....
No comments:
Post a Comment