Sunday, March 11, 2007

Entry for March 11, 2007

.img

1. 300 và Apocalypto

300- Không phải là review vì chưa xem phim này.

Nhưng đọc review rất hay này của em Mất dép thì thấy rất ấn tượng. Check trên IMDB thấy khán giả cho 8.5 nhưng vào Rottentomatoes thì thấy các nhà phê bình ý kiến trái ngược nhau, nhưng các nhà phê bình của các tờ báo lớn thì đa phần đều chê. Ví dụ Scott của NY Times (đọc review phim thì mình hay đọc bài của bác này cùng với bác Ebert của Chicago Suntimes) thì nói "about as violent as Apocalypto and twice as stupid." Một số bác còn có ý rằng phim này phân biệt chủng tộc và không chính xác về mặt sử. Anyway, phim này dựng theo truyện tranh chứ không phải là phim sử thi, chính xác thì nó là sự lai tạp giữa sử thi với fantasy nên không nên khắt khe về phương diện sử. Tất nhiên, ở đây sẽ dễ dẫn tới việc khán giả nào không biết gì về sử sẽ hiểu lầm, sẽ nghĩ người Ba Tư hồi đó da cũng nâu nâu, đen đen, bẩn bẩn (xem trailer có đoạn chú sứ giả da đen của người Ba Tư bị đẩy xuống giếng) và là thứ dân quái dị, man mọi trong khi thực ra trình độ văn minh của người Ba Tư hồi đó khá cao, họ chỉ khác người Hy Lạp là theo thể chế quân chủ trong khi người Hy Lạp là nền chính trị tương đối dân chủ. Nhưng lại lan man ngoài lề rồi, thôi để lúc nào xem phim thì bình luận vậy.

Cũng về chủ đề lịch sử thế thì phim Apocalypto mình cũng xem rồi, phim này mình thích, có lẽ là phim hay nhất của Mel Gibson, dù vẫn có một cái undertone mang màu sắc phân biệt tôn giáo. Nhưng màu sắc phim, các đoạn máu me và các pha hành động thì khá tượng. Phim này cũng bị nhiều nhà nhân chủng học phản đối vì sẽ làm công chúng hiểu sai về người Maya và lịch sử của họ. Thật ra người Maya không làm lễ hiến sinh nhiều như người Aztec và cũng chỉ hiến sinh các thủ lĩnh của các bộ lạc khác thôi chứ không hiến sinh thường dân. Hơn nữa người Maya đã rời bỏ các thành phố và đánh rơi nền văn minh của mình từ 300 năm trước khi người Tây Ban Nha đến châu Mỹ chứ không phải hai việc đó diễn ra đồng thời. Chi tiết nhật thực trong phim cũng hơi ngớ ngẩn vì nhật thực gì mà ngắn thế. Nhưng nói chung, là một phim xem được về phương diện giải trí, dù hơi bị máu me một cách quá đáng.

2. Hai phim Tàu xem hôm qua: Chungking Express và Hoàng Kim Giáp.

Chungking Express hay, các đoạn độc thoại, đối thoại có nhiều câu thú vị, hóm hỉnh phết. Xem phim này mình lại liên tưởng tới Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng, có lẽ cũng là ở cái cố gắng capture một xã hội (Hongkong của Vương Gia Vệ và Việt Nam của Trần Anh Hùng) và những vấn đề nhân sinh trong những lát cắt trong cuộc sống hàng ngày của một số nhân vật. Một điểm chung nữa là âm nhạc của hai phim đều quá hay, và đóng góp rất nhiều cho việc tạo nên không khí của phim. Một liên hệ khác là phim Amelie, thấy nhân vật cô gái bán hàng rất giống Amelie.

Hoàng Kim Giáp thực ra không có gì đặc biệt lắm là Lôi Vũ của Trương Nghệ Mưu thôi. Thành ra nếu ai từng xem kịch Lôi Vũ của Tào Ngu rồi thì nội dung xem 10 phút đầu là đã biết hết. Cũng có một số ý tưởng trong phim chứ không đơn thuần chỉ là bữa tiệc màu sắc nhưng có điều những ý tưởng đó hầu hết không phải của Trương Nghệ Mưu (mà của Tào Ngu). Nhưng theo mình, Hoàng Kim Giáp là một phim anti-Hero. Nếu trong Hero, Trương Nghệ Mưu bị coi là ca ngợi chế độ chuyên chế, lấy mục đích để biện minh trong phương tiện thì ở Hoàng Kim Giáp, Trương đã phần nào vạch ra những thảm kịch trong lịch sử Trung Quốc, sự tàn bạo, phi nhân, chà đạp con người của các chế độ chuyên chế. Ví dụ chi tiết sau khi giết sạch đám quân sĩ phản loạn, các hoạn quan dọn xác và bày lại hoa lại sạch đẹp như không có gì thì có khác gì Thiên An Môn sau sự kiện 1989. Hoặc các lễ lạt đại khánh đầy hoành tráng, pháo hoa rợp trời (ủa, ngày xưa Trung Quốc sao có pháo hoa như bây giờ à), quần thần hô hào chúc tụng (trong khi trong cung đình vừa xảy ra đâm chém, con phản bố, bố giết con xong) thì có khác gì hình ảnh Đại Lễ Đường Nhân Dân Trung Hoa trong những ngày quốc lễ là bao nhiêu. Thế mới biết họ Trương khôn, nói kiểu gì cũng được!.

3. Hai phim về châu Phi xem gần đây: Blood Diamond và The Last King of Scotland.

Cả hai phim này đều hay. Số phận châu Phi trong hai phim đó mới thảm thương làm sao. Đó là sự suy đồi từ những ngày mới độc lập đầy hăm hở và lạc quan (cảnh trong phim The Last King of Scotland). Nhưng do sự quản lý điều hành đất nước tồi tệ và tham nhũng của các nhà độc tài ngu dốt và vĩ cuồng mà châu Phi đã trở thành một bãi chiến trường bắn giết nhau rất man rợ. Và trong đó không thể không nói tới vai trò của thế giới bên ngoài dân chủ hơn, văn minh hơn- họ thờ ơ trước cảnh bắn giết ở nơi này trong khi tìm mọi cách để trục lợi, vơ vét hết của cải từ châu lục này. Nếu nói theo những người Marxist thì đó là chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Dù nguyên nhân là gì thì kết quả cũng là việc châu Phi thụt lùi sau hơn 40 năm độc lập, và ngày nay hàng năm có hàng trăm nghìn người chết vì nội chiến, vì đói, vì AIDS… ở một châu lục giàu có về tài nguyên bậc nhất và cũng là cái nôi của lòai người này.

So sánh giữa Blood Diamond với The Last King thì thấy khác nhau. Ở Blood Diamond, chú da trắng xả thân để cứu mạng chú da đen còn chú da đen thì nghi ngờ với chú da trắng và coi tai họa của châu Phi là do các chú da trắng đến đó cướp tài nguyên mang lại. Ở The Last King, nhân vật có thể coi là chính diện duy nhất lại là chú bác sĩ da đen, chú này xả thân cứu mạng cho chú da trắng mặc dù vẫn nghĩ là chú da trắng không xứng được sống. Động cơ cứu mạng của chú da trắn
g trong Blood Diamond là 1. Nhân đạo và 2. Có thể là một phần để chuộc lại những đau thương ở lục địa đen mà chú ấy góp phần qua việc buôn lậu kim cương. Động cơ cứu mạng của chú da đen trong The Last King là 1. Nhân đạo và 2. Muốn qua chú da trắng để cho thế giới biết về ách cai trị của Amin ở Uganda. Hai chú được cứu sống cùng chung tác dụng làm nhân chứng.

Nhưng khác nhau là 1 là phim Mỹ và phim kia là phim Anh. Phim Mỹ vẫn theo truyền thống Holywood, nhân vật chính là anh hùng da trắng xả thân cứu dân lành da đen. Phim Anh thì không có nhân vật chính anh hùng nào, nhân vật chính là một chú da đen tàn bạo và vĩ cuồng còn nhân vật chú da trắng thì hèn nhát, hám dục vọng. Nói chung cả 2 phim cùng chủ đề về châu Phi và đều hay nhưng hay theo những cách khác nhau. Mà xem Blood Diamond cũng gợi nhớ tới Lord of War, một phim thú vị khác, ít drama nhưng nhiều ironic hơn Blood Diamond. Đoạn cuối Blood Diamond khi anh Leo ở lại chiến đấu tới viên đạn cuối cùng (trước các đồng đội cũ trong đội quân đánh thuê Nam Phi) hao hao giống anh Gary Cooper trong Chuông nguyện hồn ai nhỉ, chỉ khác anh Gary là vì ở thế kỷ 21 nên anh Leo dùng điện thoại di động chia tay người yêu đang ở New York.

4. Hai phim hoạt hình mới xem: Monster House và Happy Feet.

Monster House funny và cũng scary, nói chung là thích. Happy Feet thì thường, nội dung rất chán, thông điệp về môi trường bị áp đặt một cách quá trắng trợn, âm nhạc và các đoạn nhảy nhót trong đó cũng OK, xem 20 phút đầu thì thích nhưng sau đó thì lặp lại nhiều quá đến phát nhàm. Kết thúc phim cũng dở. Phim animation năm nay có vẻ không có gì ấn tượng cho lắm thì phải (ngoài Monster House nhưng phim này thì không hẳn cho trẻ em mà phải trên 13 tuổi xem mới hợp).

Tàm tạm thế cho các phim mới xem trong 1-2 tuần vừa rồi. Còn có Volver nữa nhưng mà đĩa mua ở Việt Nam không có phụ đề tiếng Anh (nói tiếng Tây Ban Nha) mà phụ đề tiếng Việt thì rất láo, láo tới mức trắng trợn không tưởng tượng được khi người dịch bịa đặt hoàn toàn, chỉ nhìn vào hình mà đoán chứ không phải dịch. Hóa ra ở Việt Nam bây giờ vẫn có trò dịch láo thế à, hôm trước xem cái đĩa Borat cũng thấy dịch láo như vậy. Thế nên xem được ½ thì mình đã quẳng nó vào thùng rác cho nhanh gọn.

No comments: