Monday, March 19, 2007

Tam quốc chí vs. Tam Quốc diễn nghĩa

Từ Wikipedia. Một số chi tiết về thời Tam quốc.

- Chúng ta biết Ngũ hổ tướng của Thục là Quan, Trương, Triệu, Mã, Hoàng. Thế còn các tướng Nguỵ thì các tướng nào là giỏi nhất. Theo Tam quốc chí của Trần Thọ là người sống thời cuối Tam Quốc- đầu Tấn, thì Ngũ hổ tướng của Ngụy là Trương Liêu, Từ Hoảng, Trương Cáp, Vu Cấm, Nhạc Tiến chứ không phải những cái tên như Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Tào Nhân là những tướng thường chỉ huy hẳn một đạo quân. Ngòai Trương Liêu- tướng rõ ràng xuất sắc nhất của Ngụy- thì danh sách này hơi đáng ngạc nhiên vì các tướng đó đều khá tầm thường trong Tam quốc diễn nghĩa. Từ Hoảng chỉ nổi lên như một vị võ tướng dạng Hứa Chử, thế nên đến trận Phàn Thành thì lại bùng phát một cách đáng ngạc nhiên như một vị tướng xuất sắc khi chặn được Quan Vũ khi Quan Vũ đánh lên phía Bắc. Vu Cấm, Nhạc Tiến đều có vai trò khá lờ mờ, Vu Cấm còn bị Quan Vũ bắt sống. Trương Cáp cũng chỉ được nhắc tới như một tướng khá của nước Ngụy trong giai đoạn sau mà thôi. Trong khi trái ngược lại, Ngũ hổ tướng của Thục thì được mô tả như thần thánh.

- Trận Xích Bích được ước lượng trên wikipedia gồm 200.000 quân Tào và 50.000 quân Tôn-Lưu. Số 5 vạn quân thì giống như trong Tam quốc diễn nghĩa còn số quân Tào trong truyện thì lên tới 80 vạn. Trong trận này thì vai trò của Chu Du là chủ yếu còn Gia Cát Lượng thì mờ nhạt không đáng kể. Trong chiến dịch trừng phạt Ngô của Thục do Lưu Bị thân chinh thì quân mỗi bên được ước khoảng 5 vạn (truyện hình như là 50 vạn quân Thục?). Gia Cát Lượng không tham dự chiến dịch (quân sư của Lưu Bị chiến dịch này là Mã Lương) nhưng không phản đối nó như ở trong truyện.

- Nhiều chi tiết trong truyện không được coi là đúng ví dụ như cái chết của Thái Sử Từ, Hoàng Trung, Từ Hoảng hay Cam Ninh đều không phải là tử trận mà là chết do bệnh tật. Quan Hưng, Trương Bào cũng không tham gia chiến trận gì cho bên Thục. Cũng không có chuyện tướng Phan Chương bên Ngô bị Thục giết hay bọn My Phương bị Thục đem tế Quan Vũ mà My Phương về sau vẫn tiếp tục làm tướng Ngô.

- Cả nhà Quan Vũ về sau bị con trai Bàng Đức giết sạch khi Ngụy chiếm được Thục. Chi tiết này không nhớ có ghi trong Tam quốc diễn nghĩa không.

- Thống kê dân số thời Tam Quốc ghi trong Tam quốc chí: Ngụy 4.4 triệu, Thục 940.000 người và Ngô 2.3 triệu người. Thống kê dân số cuối thời Đông Hán, toàn đế quốc là 56 triệu trong khi thống kê thời Tây Tấn sau khi mới thống nhất đất nước, là 16 triệu dân. Chứng tỏ các cuộc chiến thời nay tiêu hao nhân lực các nước như thế nào.

- Tiếc là ở Việt Nam người ta dịch rất nhiều sách Tàu và rất nhiều người say mê Tam quốc diễn nghĩa mà không biết tại sao vẫn chưa dịch cuốn Tam quốc chí của Trần Thọ, một cuốn sách sử chính thức về giai đoạn này (được kể trong 24 pho sử chính thức của Trung Quốc, xếp thứ 3 về thứ tự thời gian sau Sử ký của Tư Mã Thiên và Hán thư của Ban Cố).

No comments: