Saturday, December 06, 2008

Entry for December 06, 2008

+ Tường thuật vụ đi biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội trên blog Người buôn gió. Số công an đông gấp 5 lần số người định biểu tình.

+ Tuần Việt Nam đăng bài của Dự Trần, Ph.D. Kinh tế, Đại học Texas Austin về chiến lược diều hâu của Trung Quốc nhưng bài này nhanh chóng bị rút xuống chỉ trong vài giờ.

Biển Đông và chiến lược diều hâu của Trung Quốc

Trích một đoạn:

"Có ba lý do quan trọng để chiến lược diều hâu của Trung Quốc thành công ở Biển Đông: Một là các nước ASEAN như Việt Nam và Phillipine đã rất yếu trong việc đưa vấn đề tranh chấp này tới công luận quốc tế trong khi cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của Trung Quốc đã làm tốt việc kết nối Biển Nam Trung Quốc với chủ quyền của Trung Quốc. Vì thế, về mặt công luận quốc tế, Việt Nam và các nước ASEAN cùng tranh chấp ở Biển Đông không được ủng hộ - mặc dù lập trường của họ chính nghĩa hơn về mặt pháp lý.

Thứ hai là các nước này đều phản ứng rất yếu ớt trước sự lấn át của Trung Quốc. Điều này có cơ sở thực tế là nếu đứng riêng biệt từng nước thì họ đều ở vào thế yếu xét cả về tiềm lực kinh tế và quân sự. Do ở thế yếu, họ không thể đưa ra những đe dọa khả tín nào ngay cả khi họ muốn.

Thứ ba là mặc dù ở vào tình thế lép vế nếu đứng riêng lẻ, các nước ASEAN lại không hợp tác với nhau trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Thí dụ như Phillipine đã dễ dàng bị mua đứt để đồng ý ký thỏa thuận hợp tác song phương với Trung Quốc trong khi bỏ mặc Việt Nam sang một bên. Điều này phản ánh ba thực tế đáng buồn: (1) sức ảnh hưởng của Trung Quốc ăn quá sâu vào ASEAN, (2) thiếu sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông, (3) các chính phủ ASEAN trong từng thời điểm cụ thể đã tỏ ra thiếu viễn kiến. Bài học về cuộc tranh chấp của Trung Quốc với Nhật và thỏa ước hợp tác khai thác giữa hai nước này cho thấy Trung Quốc không phải không chịu nhượng bộ. Diều hâu chỉ có thể nhượng bộ diều hâu chứ không thể nhượng bộ bồ câu. Với các nước ASEAN có tranh chấp trên Biển Đông, trừ phi họ cùng đứng lại với nhau, sẽ không phải là đối thủ đáng để Trung Quốc nhượng bộ."

Thực ra chính sách của Tàu hiện nay cũng là chính sách của Tần Thủy Hoàng khi xưa: viễn giao, cận công, kết hiếu với các nước lớn ở xa như Sở, Tề và thôn tính các nước nhỏ ở gần như Hàn, Ngụy. Trong đó thì nước Triệu là nước quyết tâm chống Tần hơn cả, và là đối thủ chủ yếu, thậm chí gần như là duy nhất đáng kể, của Tần trong suốt mấy chục năm. Trái ngược với Triệu, nước Hàn liên tục nhượng bộ, mỗi lần bị Tần đe dọa là dâng đất cho Tần để đổi lấy an nguy. Lục quốc cũng có lúc hợp tung để đánh Tần (thời Tô Tần làm tướng sáu nước) và từng thành công khiến mấy chục năm, quân Tần không dám rời khỏi cửa Hàm Cốc sang Đông. Nhưng rồi chính sách liên hoành, kết hợp mua chuộc và đe dọa, viễn giao cận công của Trương Nghi đã khiến kế hợp tung của Tô Tần tan rã và lục quốc dần dần đều bị Tần thôn tính.

Tình trạng biển Đông hiện nay cũng trên đà như vậy. Trung Quốc dùng kế chia rẽ, khiến ASEAN không thể đoàn kết như một khối, khuyến khích ký các thỏa thuận song phương Trung-Phi, Trung-Việt.

Bên cạnh đó, họ đầu tư, viện trợ rất mạnh vào các nước nhỏ trong khu vực vốn không có mâu thuẫn trực tiếp về quyền lợi và lãnh thổ với họ như Lào, Cambodia, Miến Điện khiến các nước này chịu ảnh hưởng chính trị của họ, để trở thành những chư hầu của họ trong khối ASEAN. Cuộc chiến Việt-Miên 1978 và Việt-Trung 1979-89 là kết quả trực tiếp từ việc Trung Quốc kết hiếu với Cambodia để đe dọa Việt Nam.

No comments: