Nhận định của GS Trần Văn Thọ từ Nhật Bản trên tờ Tuần Việt Nam. Giáo sư Thọ gọi phát biểu của ông Nguyễn Thành Tài là "thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ". Cũng nói thêm là chưa báo nào dám viết bài phê phán phát biểu của ông Tài. Về phát biểu của ông Thứ trưởng Ngoại giao yêu cầu phía Nhật can thiệp để báo chí Nhật ngừng đăng tin về vụ PCI thì cho tới nay, cũng mới chỉ có một bài của Huy Đức phê phán trên Sài Gòn Tiếp Thị (sau khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo làm rõ vụ PCI).
Theo GS Thọ thì phát biểu của ông Thứ trưởng này "đã gây bất bình cho công luận ở Nhật trong khi người Nhật đang trông chờ một lời giải thích đúng đắn và tích cực từ phía Việt Nam."
Trích một đoạn GS Thọ phát biểu về vai trò của ODA và hình ảnh đất nước:
"GS Trần Văn Thọ: Sự kiện PCI và quyết định của chính phủ Nhật ảnh hưởng đến thể diện của đất nước, đó là một tổn thất lớn. Tổn thất này không thể so với chuyện bị ngưng cung cấp ODA.
Do đó, lấy lại hình ảnh tốt cho đất nước không phải là để được tiếp tục nhận ODA. Phải xem ODA chỉ là hiệu quả phụ trong vấn đề nầy.
ODA chỉ có vai trò giúp cho quá trình phát triển tiến nhanh chứ không phải có tính cách quyết định cho công cuộc phát triển. Những nước phát triển trước 1945 hầu như không nhận ODA.
Sau 1945, Nhật Bản có nhận ODA của Mỹ nhưng với kim ngạch rất nhỏ và chỉ trong thời gian 10 năm. (Nhân tiện đây, tôi xin mở ngoặc, trong thời gian Nhật Bản nhận viện trợ của Mỹ, các Bộ trưởng, thứ trưởng khi đi công du nước ngoài luôn chọn ở khách sạn 3 sao, giá phòng ở thủ đô Mỹ Washington hồi đó khoảng 7 –8 USD/đêm, có lẽ tương đương 40-50 USD bây giờ, và ở chung 2 người một phòng).
Sau thế chiến thứ hai, nhiều nước nhận ODA nhưng thành quả phát triển thì rất khác nhau. Chẳng hạn, Thái Lan và Philippines đều nhận nhiều ODA từ Nhật, nếu tính gộp từ năm 1960 đến năm 1995, tổng ngạch ODA của Nhật rót vào hai nước nầy hầu như ngang nhau. Nhưng Thái Lan thì phát triển mạnh mẽ còn Philippines thì trì trệ. Năm 1960, GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan, nhưng đến năm 1995 thì chỉ bằng một nửa.
Như nhiều ước tính cho thấy, Việt Nam thất thoát tới khoảng 30% ngân sách các công trình trong xây dựng cơ bản. Vấn đề tiên quyết của Việt Nam bây giờ là cải thiện tình trạng này trước khi tính chuyện tìm thêm các nguồn tài trợ ODA.
Tại Việt Nam, ODA chỉ chiếm độ 25% trong tổng kim ngạch đầu tư của khu vực công. Do đó, nếu con số thất thoát 30% là đúng thì, nói một cách hơi cực đoan, dù không có ODA, kinh tế Việt Nam vẫn phát triển như bây giờ nếu tình trạng thất thoát hoàn toàn được khắc phục."
Trong bài, GS Thọ so sánh Philippines và Thailand, hai nước đều nhận được nhiều viện trợ của Nhật (và còn của Mỹ nữa). Nếu so sánh thêm thì hai nước này đều nằm dưới các chế độ độc tài dù vẫn mang hình thức là các chế độ dân chủ, tuy chế độ độc tài ở Philipines nặng nề và có tính tuyệt đối hơn. Nhưng Thailand đã sử dụng tốt tiền viện trợ và vay nợ để phát triển, và tình trạng tham nhũng không quá mức nặng nề. Trong khi Philippines thì trì trệ và bất ổn, tham nhũng khủng khiếp (trên thế giới, người ta biết nhiều tới bộ sưu tập giày của bà Marcos hơn là về thủ đô Manila) từ chỗ có thu nhập đầu người gấp đôi Thái Lan trở thành chỉ còn bằng một nửa (và hiện nay, không hơn Việt Nam bao nhiêu).
Tuy nhiên, nếu so sánh Việt Nam thì có lẽ thích hợp hơn khi so sánh Việt Nam với Indonesia. Cả Việt Nam (sau Đổi mới) và Indonesia (thời Suharto) đều được các nhà tài trợ như NHTG đánh giá là các tấm gương sử dụng hiệu quả vốn ODA để phát triển. Thế nhưng ở cả hai nước, tình trạng tham nhũng đều hết sức nặng nề, và sự phát triển chủ yếu dựa vào đầu vào (vốn, lao động, đất đai) thay vì công nghệ. Hậu quả là những lâu đài trên cát và một dư chấn động đất cũng có thể khiến những lâu đài này sụp đổ. Lâu đài cát Indonesia đã sụp đổ năm 1998, kéo theo người hùng Suharto từng thống trị đất nước 30 năm, và mở đường cho chế độ dân chủ. Sau khi lâu đài này sụp đổ thì các nhà tài trợ đã không còn nêu gương Indonesia như hình mẫu lý tưởng của việc sử dụng ODA hiệu quả nữa. Trách nhiệm làm hình mẫu đó được chuyển sang cho Việt Nam. Và họ sẽ còn tán tụng Việt Nam tới khi có thảm họa thực sự xảy ra như ở Indonesia, và đến lúc đó họ sẽ lại tìm ra những poster boy khác.
Gần đây có quan điểm của một số người, điển hình nhất là William Easterly ở Đại học New York, cho rằng viện trợ hầu như không giúp gì cho các nước nghèo cả, và những nước như Việt Nam hay Trung Quốc thành công cho tới giờ không phải nhờ viện trợ.
Đoạn mở ngoặc trong bài của GS Thọ cũng khá thú vị. Nó cho thấy lòng tự trọng của người Nhật tới mức nào.
Tờ Tuần Việt Nam gần đây đăng rất nhiều bài mạnh mẽ xung quanh các vấn đề nóng hổi của đất nước, từ ODA, sừng tê giác, lụt ở Hà Nội cho tới Hoàng Sa-Trường Sa.
Tuesday, December 09, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment