Bỏ qua chuyện những danh hiệu của Viện tiểu sử Hoa Kỳ mà đối tượng nhằm vào chủ yếu là các nhà khoa học ở các nước đang phát triển có nhu cầu mua danh đã được nhiều người nhắc tới thì việc nêu công ông Toàn với toán học thế giới là không thỏa đáng. Báo CAND viết "Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn được thế giới biết đến như một danh nhân khoa học thế giới qua phát minh nổi tiếng của ông mang tên: "Hình học siêu phi Euclid"."
Không phải là người học Toán nên tôi không biết ông Toàn có "phát minh" (?) "hình học siêu phi Euclid" hay không. Không biết chính xác tên tiếng Anh của từ này là gì nhưng trên Wikipedia tiếng Việt có ghi công trình của ông Toàn là "Ultra non euclidian geometry” (“Hình học siêu phi Ơclit”; 1999), viết bằng tiếng Pháp". Thử tìm với từ khóa này "Ultra non euclidian" trên Google thì có 10 kết quả (!) và gần như tất cả đều từ các website của Việt Nam. Vậy là phát minh của ông Toàn cho thế giới chỉ được biết đến ở Việt Nam.
Theo báo CAND thì ông Toàn rất năng suất, ở tuổi hơn 80, mỗi tuần ông viết một bài báo khoa học. Nhưng theo Wikipedia tiếng Việt thì dựa trên kết quả tìm kiếm trên MatSciNet trong cả đời nghiên cứu, ông chỉ có 8 bài báo khoa học được liệt kê, trong đó có 4 bài đăng ở tạp chí Việt Nam (nhưng là những tờ được công nhận có tính quốc tế và do đó được liệt kê trên MatSciNet). Tôi có kiểm chứng thì bài về hình học siêu phi Euclid của ông cũng là đăng trên tạp chí Acta Mathematica Vietnamica. Bốn bài còn lại đăng ở tạp chí của Hungary (tại sao lại không phải tạp chí Liên Xô nhỉ vì ông Toàn bảo vệ luận án TSKH ở Liên Xô). (Tìm theo từ khóa Toan Nguyen hay Canh Toan Nguyen không có kết quả nào).
Đáng chú ý hơn, bài đăng gần nhất của ông Toàn trên tạp chí Toán Hungary là từ năm 1963, tức là 45 năm trước. Bài đăng gần nhất của ông trên tạp chí Acta Mathematica Vietnamica là từ năm 1989, tức là 20 năm trước. Vậy không hiểu với năng suất 1 tuần một bài báo khoa học của ông thì các bài báo khoa học đó sẽ được đăng ở đâu. Toán học và Tuổi trẻ?
Có thể ông Toàn là một tấm gương tự học đáng nể. Có thể ông là một nhà sư phạm có nhiều đóng góp cho nền toán học Việt Nam, qua việc đào tạo nhiều nhà khoa học trẻ, cũng như việc truyền cảm hứng học Toán cho nhiều thế hệ từ tờ Toán học và Tuổi trẻ mà ông làm TBT hơn 40 năm. Nhưng nếu xét trên phương diện đóng góp cho khoa học thế giới thì đóng góp của ông rất nhỏ, hoàn toàn không xứng đáng với những gì mà tờ CAND (và nhiều bài báo, tờ báo khác ca tụng ông). Để so sánh với những người cùng thời hay gần thời với ông, tìm kiếm từ "Hoang Tuy" có 150 kết quả, "Phan Dinh Dieu" 30 kết quả. Thế hệ trẻ khoảng 40 tuổi hiện sống ở nước ngoài có Lê Tự Quốc Thắng 37 bài, Ngô Bảo Châu 13 bài
Một điều đáng nói hơn, xét về phương diện sư phạm, ông Toàn thường được nhắc tới như một tấm gương với thế hệ trẻ và như một nhà giáo dục quan trọng. Nhưng những gì ông làm như mua mấy cái chứng chỉ dở hơi của bọn bán chứng chỉ bên Mỹ rồi để báo chí bơm vá mình thì hoàn toàn là những việc làm phản giáo dục. Tuy rằng nó gần gũi với truyền thống coi trọng "học giả" hơn "học thật", bằng cấp hơn kiến thức ở nước ta nhưng thật là mỉa mai khi tấm gương nhà giáo dục lớn, người từng dạy dỗ, hướng dẫn không biết bao nhiêu nhà khoa học lại là một người chạy đua với những chứng chỉ giả dối như thế. Một người lãnh đạo khoa học, lãnh đạo giáo dục của Việt Nam như thế (ông Toàn là Nhà giáo nhân dân, phó Chủ tịch hội Toán học Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục) thì trách gì nền giáo dục Việt Nam ngày càng trọng hình thức và những chuyện mua bán bằng cấp trở nên phổ biến, thường ngày.
No comments:
Post a Comment