Tuesday, December 09, 2008

Entry for December 09, 2008

Đọc cái này thấy hết sức khó hiểu

Giảng viên đại học phải giảng dạy 900 giờ/năm

"Về thời gian, giảng viên làm việc theo chế độ tuần làm việc 40 giờ và được xác định theo năm học. Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên bình quân trong một năm học là 1760 giờ sau khi trừ những ngày nghỉ; trong đó có 900 giờ giảng dạy. Phân công cụ thể theo nhiệm vụ và chức danh thì giảng viên có 500 giờ nghiên cứu khoa học, 360 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; Phó giáo sư và giảng viên chính có 600 giờ nghiên cứu khoa học và 260 giờ hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác; với Giáo sư và giảng viên cao cấp, số giờ nghiên cứu khoa học là 700 và số giờ hoạt động chuyên môn và các nghiệp vụ khác là 160."


Như vậy 900 giờ giảng dạy này có tính thời gian chuẩn bị bài không, hay chỉ là thời gian đứng lớp?. Nếu 900 giờ giảng dạy tính cả thời gian chuẩn bị bài và chấm thi thì quy chuẩn thế nào, số giờ đứng lớp phải là bao nhiêu? Còn nếu 900 giờ giảng dạy là thời gian đứng lớp thì sẽ là con số không thể chấp nhận được. Tức là mỗi học kỳ, giảng viên sẽ phải đứng lớp 450 giờ. Cứ cho rằng
một học kỳ gồm 19 tuần (trừ đi 3 tháng hè, 2 tuần Tết và 2 tuần thi trong năm) thì mỗi tuần giảng viên sẽ phải giảng xấp xỉ 24 tiếng, mỗi ngày sẽ phải giảng chừng 4,5 tiếng? Thế thì còn thời gian đâu mà làm việc khác, mà nghiên cứu khoa học và chuẩn bị bài giảng, giáo án...Để so sánh, giáo sư ở các trường đại học bên Mỹ thường chỉ phải giảng từ 1-2 lớp mỗi kỳ, với số giờ chừng 3-5 tiếng mỗi tuần. Có phải giảng viên Việt Nam năng suất gấp 5-7 lần giảng viên bên Mỹ?

Bộ Giáo dục thường đưa ra những con số rất mập mờ khó hiểu, dẫn tới những diễn giải khác nhau. Ví dụ cuối tháng 10/2008, Bộ Giáo dục đưa ra quy định về điều kiện thỉnh giảng và một loạt các báo đưa tin rằng chỉ có giáo sư hay phó giáo sư mới được thỉnh giảng, chẳng hạn như ở đây hay ở đây. Rất nhiều trường Đại học lên tiếng rằng quy định này bắt chẹt họ. Nhưng sau đấy 1 tháng, Bộ lại thanh minh là các báo hiểu sai văn bản này, và văn bản này chỉ quy định là người đi thỉnh giảng phải hoặc là giáo sư, phó giáo sư hoặc phải có chứng chỉ sư phạm.


Cũng tương tự, trong một báo cáo của Sở Giáo dục Hà Nội nêu ra con số 218.200 người mù chữ khiến một loạt báo giật tít "Hà Nội đứng đầu cả nước về số người mù chữ". Sau đó bà Nga, Phó Sở GD Hà Nội mới trả lời trên báo là vì "lỗi cơ học" nên đã "nhầm" từ số thống kê người mù chữ ở tuổi trên 36 là 18.200 thành ra số thống kê người mù chữ là 218.200. Cũng không thấy bà Nga đính chính xem số thống kê thực sự số người mù chữ. Xem ra dạo này những "người đánh máy" tại các công sở Nhà nước rất hay được đổ tội: từ chuyện thống kê mù chữ cho tới tin vỡ đê Hà Tây. Thật là tiện lợi.


Tóm lại là mọi thứ cứ như canh hẹ. Chẳng ai hiểu được ai nói cái gì. Mấy hôm nữa có khi Bộ Giáo dục lại xin đính chính là các báo đã hiểu sai tinh thần công văn bộ?


+ VNN đưa tin đầy đủ hơn báo Đảng và trả lời rõ hơn câu hỏi nêu trên:

"Theo đó, GS và giảng viên cao cấp có khung giờ chuẩn định mức giảng dạy là 360 giờ (riêng giảng viên dạy các môn Giáo dục thể chất, Quốc phòng-An ninh là 500 giờ); PGS và giảng viên chính: 320 giờ; giảng viên: 280 giờ."

Như vậy mỗi giảng viên thường phải dạy tối thiểu 280 giờ một năm hay 6h một tuần, giáo sư phải dạy tối thiểu 360 giờ/năm hay khoảng 8 giờ/tuần. Định mức chuẩn như thế vẫn là nhiều. Chẳng trách hoạt động nghiên cứu ở các trường Đại học Việt Nam rất ít. Một trong những lý do là việc giảng viên phải dạy quá nhiều. Với việc quy định định mức như trên thì thì sẽ còn gây khó khăn cho chương trình xây dựng các Đại học nghiên cứu (research university). Một nghịch lý là các chính sách giáo dục cứ đá chân nhau, thiếu nhất quán và định hướng rõ ràng. Một mặt Bộ Giáo dục cho mở đại học tràn lan, đào tạo tiến sĩ tràn lan, giành ưu tiên phát triển giáo dục Đại học (và hy sinh phần nào giáo dục phổ thông và phổ cập). Nhưng mặt khác, lại ra quy định khá ngặt về giáo viên thỉnh giảng. Vậy thì 1 trường Đại học mà Bộ mới cho thành lập, chỉ có 1 tiến sĩ cơ hữu, 5-7 cử nhân cơ hữu sẽ phải giảng dạy cho hàng trăm sinh viên như thế nào khi việc mời thỉnh giảng không dễ dàng bởi quy định của Bộ (đòi hỏi chứng chỉ sư phạm hoặc là giáo sư/phó giáo sư, có bài báo đăng tạp chí chuyên ngành, hay có sách, hay tham gia đề tài đã nghiệm thu trong 3 năm). Một mặt muốn đào tạo các cơ sở giáo dục có chất lượng nghiên cứu tốt, mặt khác lại mở rộng đại học tràn lan dẫn tới giáo viên bị quá tải, và quy định thời gian giảng chuẩn quá nhiều. Thế thì giảng viên lấy đâu thời gian để phấn đầu 1000 USD một bài báo?

Và ai cũng biết số tiền được quy định trả cho tiết giảng chuẩn rất thấp, chỉ vài chục nghìn một giờ giảng (có mua được 2 bát phở?). Do vậy ở một số trường Đại học còn có hiện tượng giảng viên bóc lột lẫn nhau, các giáo viên có thâm niên, có địa vị, nhờ hay thuê giảng viên trẻ đi giảng chuẩn thay cho mình, để cho mình đủ số
tiết trong sổ sách, còn mình thì đi giảng cho tại chức, bằng 2, hướng dẫn nghiên cứu sinh hay làm ngoài- nơi dễ có những khoản thu nhập béo bở hơn.

No comments: