Bài này nói được nhiều điều. Việt Nam dẫn đầu thế giới về số tìm kiếm từ khóa "sex" và "blog" trên Google. Không có Trung Quốc trong những nước dẫn đầu có lẽ vì người Trung Quốc ít dùng Google, hơn nữa Google cũng bị "lọc" ở Trung Quốc.
Việc người Việt Nam tìm kiếm các thông tin liên quan tới "sex" và "blog" nhiều nhất thế giới cho thấy sự kìm nén của xã hội cả về mặt tình dục và quyền tự do phát biểu chính kiến của người Việt.
Chính vì thế Internet mở ra một phương tiện giải phóng cá nhân.
Có thể thấy điều này khi xem xét các nước có số lượt tìm kiếm "sex" tiếp theo Việt Nam, đa số đều là các nước kém phát triển: Ấn Độ, Indonesia, Ai Cập, Morocco...Ở đây cũng còn một ý mà GS Trần Hữu Dũng gọi là "substitution effect" (hiệu ứng thay thế). Khi những quan tâm có thể khác của thanh niên như quyền tự do tư tưởng, chính trị, khả năng phát biểu ý kiến... bị chèn ép thì sex trở thành đối tượng thay thế, giải tỏa bớt năng lượng và bức xúc. Trong sách giáo khoa lịch sử cho học sinh, sinh viên cũng thường nhắc tới điều này, khi gọi những phong trào văn hóa-thể thao-hướng đạo do thực dân Pháp phát động hay tài trợ những năm cuối thập niên 30, đầu thập niên 40 là những biện pháp nhằm ru ngủ thanh niên, khiến thanh niên lãng quên cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, đánh mất ý chí chiến đấu và tinh thần cách mạng...
Đứng trên phương diện đó, lẽ ra công an không nên bắt mocxi, càng không nên xử án những người quản trị diễn đàn. Họ chính là những người tháo ngòi nổ hữu hiệu nhất.
Cũng tương tự, có biện pháp chi phối công luận hiệu quả nhất mà hình như các chuyên gia ở Bộ 4T hay Ban Tuyên huấn chưa thực sự quan tâm. Đó là khi dư luận đang phẫn nộ vì một việc gì đó, ví dụ PCI chẳng hạn, thì xì ra một vụ scandal nào đấy trong giới show-biz. Thử hình dung xem, giả sử chuyên án PCI hay vụ xử nhà báo đang bức xúc, nóng hết trên thế giới Internet và cộng hưởng sang cả thế giới thực thì xảy ra một vụ tương tự sex scandal của Vàng Anh/Thùy Linh. Lập tức, các báo, người đọc, các blog hot (như Tắc Kè, Vàng Anh...) sẽ tập trung vào khai thác vụ scandal chứ ai quan tâm gì tới tham nhũng, hải đảo hay nhân quyền nữa. Hay chỉ cần một vụ nho nhỏ như em Thùy Dung không có bằng trung học là cũng có tác dụng tháo ngòi không nhỏ.
Có câu "Sex Sells" và thực tế là nó sell được ở mọi lúc, mọi nơi. Bộ 4T cần nghiêm chỉnh nghiên cứu phương châm này, để pha chế liều lượng sex cho vừa đủ trên các phương tiện truyền thông. Nếu nhiều quá thì dân tình bão hòa, chán ngấy lại chuyển sang thắc mắc những thứ không nên thắc mắc. Nếu ít quá thì không có tác dụng. Hợp lý nhất là cho liều lượng vừa phải, có kiểm soát, và gia giảm tùy giai đoạn. Ví dụ lúc nào nhân dân có vẻ bức xúc về kinh tế, chính trị hay xã hội (cái này thì TS Quang và 13 đồng sự cùng vô số cộng tác viên giấu mặt và không giấu mặt ở Viện nghiên cứu dư luận của TW Đảng hẳn phải biết) thì sẽ tăng liều lượng sex, khuyến khích một vài vụ scandal nào đó. Lúc nào tình hình im ắng, dân tình có vẻ bình yên thì rút bớt lại để nền báo chí đích thực là nền báo chí cách mạng lành mạnh, trong sáng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Cứ lấy hàn thử biểu đo lường dư luận là hai tờ Nhân Dân và Dân Trí (cùng có chữ Dân). Quản lý chặt chẽ nồng độ sex và tính Đảng ở hai tờ này. Các tờ khác thì cứ căn cứ vào hai tờ này mà di dịch, lúc sang phải, lúc sang trái, khi nhiều sex, khi nhiều Đảng, cho hợp lý, đảm bảo tạo được một cái "lề phải" hữu hiệu hơn "lề phải" của ông Doãn hay ông Hợp.
Friday, December 12, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment