Monday, December 15, 2008

Entry for December 15, 2008

Ông GS Nhật này cho rằng Hồ Chí Minh là người theo tinh thần Cộng hòa Pháp. Tôi không nghĩ như vậy. Dù sống ở Pháp khá lâu (ít nhất từ 1911 tới 1923) nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng của Hồ Chí Minh bởi văn hóa Pháp và tinh thần Cộng hòa Pháp không nhiều, nó có nhưng chỉ là bề ngoài. Lý tưởng "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của cách mạng Pháp không phải là cái đích Hồ Chí Minh hướng đến.

Tôi nghĩ về cơ bản Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc mang đặc điểm Á châu, một mô hình nhà nước hơi giống Tôn Trung Sơn hay Nehru mong muốn theo đuổi: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế khẩu hiệu tam dân của Tôn Trung Sơn mới có mặt trên mọi văn bản của nhà nước CHXHCN Việt Nam: độc lập, tự do, hạnh phúc. Độc lập là trước hết, trên hết, sau đó mới tới tự do hay (mưu cầu) hạnh phúc. Tuy nhiên, phải hiểu chữ "tự do" ở đây theo một cách hiểu khác phương Tây, và khác chữ "tự do" trong khẩu hiểu cách mạng Pháp. Tự do theo Hồ Chí Minh (và có lẽ Tôn Trung Sơn) trước hết là tự do của dân tộc chứ không phải là tự do của cá nhân. Nói cách khác, nó là quyền tự quyết, không bị lệ thuộc, và gần gũi với chữ "độc lập". Tôi nghĩ tự do cá nhân chưa bao giờ là điểm thu hút Hồ Chí Minh, một người được đào tạo theo tinh thần Nho giáo, ở một xứ tuy hay học nhưng lại là bảo thủ nhất Việt Nam.

Đúng là chữ "bình đẳng" có sức hấp dẫn với Hồ Chí Minh, và có thể là một nguyên nhân quan trọng đưa ông tới với CNCS. Tất nhiên, "bình đẳng" không phải là phạm trù riêng của CNCS mà còn có một sức hấp dẫn lớn với những người cánh tả nói chung. Khác với những nhà cách mạng cùng thời và trước đấy, Hồ Chí Minh coi "bình đẳng" là một điều kiện quan trọng của nhà nước tương lai. Với các nhà nho hay cả lớp trí thức tiểu tư sản đương thời, nhiều người hẳn khó hình dung được sự bình đẳng giữa một ông cử nhân Tây học với một anh kéo xe thất học và khúm núm. Ngay cả tới thế kỷ 21 mà cả một lớp trí thức Tây học, Mỹ học nhiều đời bên Thái Lan còn nhất quyết không cho người dân nông thôn có quyền bầu cử tương đương với người thành thị, lấy lý do là họ kém hiểu biết, thất học hơn, thì việc hình dung "quyền bình đẳng" hẳn là xa xôi với các nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20. So với Phan Bội Châu chẳng hạn thì ý thức về quyền bình đẳng của Hồ Chí Minh cao hơn hẳn.

Còn "bác ái"? Tôi nghĩ đây là khái niệm thật xa vời với những nhà cách mạng VN, không riêng gì Hồ Chí Minh. Riêng với Hồ Chí Minh thì lại càng không có khái niệm này bởi vì "bác ái" là một thứ tình cảm xuyên dân tộc, xuyên giai cấp, theo kiểu tình yêu của Mặc Tử. Nhưng có lẽ ở đây là do cách dịch: chữ fraternité trong "Liberté, égalité, fraternité" theo tôi hiểu chỉ là tình bằng hữu, đồng chí, không hiểu thế nào khi dịch sang tiếng Việt lại thành "bác ái". Nếu chỉ là "fratenité" thì nó lại rất thích hợp cho lý tưởng CNCS mà HCM chọn sau này, bởi lẽ những người cách mạng theo CNCS thường sinh hoạt một cách hết sức chặt chẽ, có kỷ luật, dựa trên lòng trung thành với nhau và với tổ chức.

Nói cách khác, nếu như Hồ Chí Minh ảnh hưởng của tư tưởng "tự do, bình đẳng, bác ái" như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt như ông GS Nhật kia nói thì thực ra, "tự do, bình đẳng, bác ái" đó phải được nhìn nhận qua lăng kính người châu Á bị đô hộ, chứ nó đã chệch so với khái niệm nguyên thủy đưa ra bởi cách mạng Pháp. Và nền cộng hòa Pháp, như quan sát của HCM, hoàn toàn không phù hợp với khẩu hiệu này. Trong khi đó, CNCS là một sự lựa chọn lý tưởng. Xét một cách thực tế, nó hứa hẹn một giải pháp thần kỳ mang lại độc lập và tự do cho dân tộc (với những ưu thế vượt trội cả về kỷ luật, kinh nghiệm và sự trợ giúp có tính quốc tế). Tham gia các đoàn thể Cộng sản trong những giai đoạn đầu còn là nơi hun đúc tinh thần "bình đẳng" và "bằng hữu". Còn về lâu dài, CNCS cũng hứa hẹn một xã hội có được tự do tuyệt đối cả về kinh tế lẫn phát triển con người, sự bình đẳng và tình hữu ái giữa những công dân đó. Nói cách khác, nó thỏa mãn cả mong ước ngắn hạn, sôi sục trong lòng người cách mạng HCM và cả mơ mộng xa xôi về một xã hội không có cảnh người bóc lột người.

Như vậy, hoàn toàn không có mâu thuẫn trong việc HCM vẫn kính trọng tinh thần "tự do, bình đẳng, bác ái" của Cách mạng Pháp, hay "tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" của cách mạng Mỹ với việc ông là người trung thành với lý tưởng Cộng sản cho dù từng đích thân chứng kiến cuộc Đại Thanh trừng khủng khiếp của Stalin (trong đó sếp của Hồ Chí Minh ở Quốc tế cộng sản là các lãnh tụ Zinoviev và Radek cũng bị giết). Hồ Chí Minh không phải là người theo chủ nghĩa Stalin (và Stalin cũng nghĩ thế nên từ chối mọi sự giúp đỡ Hồ Chí Minh cho tới khoảng 1950). Trong mắt Stalin, Hồ Chí Minh là một người theo chủ nghĩa quốc gia, chỉ mượn danh cộng sản. Nhưng dẫu không phải người theo chủ nghĩa Stalin, Hồ Chí Minh vẫn cho rằng CNCS là cái đích cần đến, là lý tưởng của loài người, và nó không hề mâu thuẫn với tinh thần tự do, bình đẳng của cách mạng Pháp cả. Ngược lại, nó còn là phương tiện để thực hiện điều đó. (Và trong lúc chờ đến cái đích bình đẳng đó thì các cháu cứ gọi Bác là Bác).

Vậy Hồ Chí Minh là một người cộng sản hay một người cộng hòa? một người dân tộc chủ nghĩa hay một người quốc tế chủ nghĩa? Có lẽ là tất cả. Cũng như người Việt Nam có thể trộn cả đạo Phật, đạo Lão và đạo thờ Tổ tiên để vừa thờ Phật, vừa thờ Thánh, vừa thờ Ma ở nhiều nơi, thì Hồ Chí Minh cũng có thể kết hợp cả chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, tư tưởng Tôn Trung Sơn, lý tưởng cách mạng Pháp-Mỹ, thậm chí cả Khổng Tử hay tín ngưỡng dân gian* mà không cảm thấy mâu thuẫn. Sự mềm dẻo ấy là ưu thế khiến Hồ Chí Minh có thể thành công trong bao nhiêu năm, trước những hoàn cảnh khắc nghiệt. Nó cũng khiến cho người ta có những đánh giá khác nhau về ông, từ việc ông là quốc gia hay c
ộng sản cho tới việc ông thân Nga, thân Tàu, thân Pháp hay thân Mỹ? Nhưng mặt khác, nó cũng là nhược điểm khiến người ta không hiểu ông là ai, tư tưởng Hồ Chí Minh (một môn học mà sinh viên Đại học nào ở Việt Nam cũng phải học) rốt cục là gì? Hơn nữa, nó có thể là biểu hiện của sự thiếu nguyên tắc, khi một người đứng đầu cũng không rõ định hướng đất nước là gì? Điều này khác xa so với Lê Duẩn chẳng hạn, hay Mao, hay Stalin, hay thậm chí cả Gorbachev- họ đều có những kế hoạch, đường hường chỉ đạo rất rõ ràng về một mô hình xã hội mà họ muốn có, hay tạo ra (còn thành hay bại lại là chuyện khác).

Nếu nói về một nhà cách mạng có tư tưởng cộng hòa Pháp thì người triệt để nhất phải là Phan Chu Trinh (cho dù ông không hẳn là nhà cách mạng, và dù sống chục năm ở Pháp, ông cũng không biết tiếng Pháp- theo Duiker).

Đáng nói hơn, là dù thế hệ kế cận Hồ Chí Minh đa phần đều Tây học nhưng hầu hết các vị này đều học ở Việt Nam chứ không du học, và ít hay không chịu ảnh hưởng của tư tưởng cộng hòa Pháp. Những người chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả của tư tưởng này là lớp trí thức trong Nội các thời Trần Trọng Kim và Chính phủ Hồ Chí Minh 1945-1946, và những đại biểu Quốc hội khóa 1946. Chính họ đã cho ra đời bản Hiến pháp 1946, chứa đựng tinh thần Dân chủ-Cộng hòa rõ rệt nhất, và cho tới nay vẫn là Hiến pháp tự do nhất, là văn bản nhà nước tôn trọng quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền con người nhất trong lịch sử hơn 2000 năm của đất nước. Nó tự do và khoan dung hơn Hiến pháp VNCH khi xưa từng đưa nguyên tắc chống cộng vào Hiến pháp, cũng như Hiến pháp CHXHCN Việt Nam hiện nay đặt Đảng Cộng sản vào vị trí lãnh đạo chính quyền. Nhưng rồi những hạt giống của một nhà nước dân chủ-cộng hòa nhanh chóng bị giày xéo bởi cả ngoại bang lẫn những người từng hứa hẹn gieo trồng. Ngẫm cho kỹ thì đó là kết quả tất yếu, bởi một đảng cộng sản được xây dựng theo mô hình đảng Lê-nin-nít thì sẽ luôn phải gắng giành độc quyền lãnh đạo, như bất kỳ các đảng Lê-nin-nít nào khác. Và việc Hồ Chí Minh từ bỏ đảng Xã hội Pháp (theo tinh thần Quốc tế 2) để tham gia sáng lập đảng Cộng sản Pháp (theo Quốc tế 3 và chủ thuyết Leninism) cũng có nghĩa là cái viễn cảnh dân chủ-cộng hòa thực sự sẽ mâu thuẫn triệt để với tinh thần cộng sản. Trong hai giấc mơ của Hồ Chí Minh, ông chỉ có quyền chọn một.

Năm 1945, ông vẫn còn băn khoăn giữa hai giấc mơ này: dân chủ-cộng hòa hay cộng sản. Rất có thể, tới thời điểm này ông đã nhận thức được rằng hai giấc mơ này không thể nào đồng thời thực hiện. Nhưng những người đồng chí của ông thì dứt khoát đi theo con đường cộng sản.

Tới năm 1950 thì ông có muốn lựa chọn cũng không còn quyền lựa chọn nữa. Và nhà nước VNDCCH trở thành một nhà nước cộng sản điển hình, do một đảng Cộng sản Leninist (có pha trộn Stalinist và Maoist) độc quyền lãnh đạo.

50 năm sau, người ta tiếp tục tranh luận ông Hồ là cộng sản hay cộng hòa. Và liệu có (tới) bao giờ Việt Nam trở thành một nước dân chủ- cộng hòa? 50 năm sau nữa?


* Ví dụ chuyện ông tự viết sách lấy tên Trần Dân Tiên, tôi cho rằng nó giống chuyện Nguyễn Trãi bôi mật cho kiến cắn thành chữ "Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm quan" hay Lý Thường Kiệt cho người giả thần đọc sấm trên sông Như Nguyệt.

No comments: