Một trong những thông tin rất mù mờ của Việt Nam là vấn đề lương bổng. Hiện nay tôi không rõ chế độ lương ở VIệt Nam như thế nào. Nhưng nếu căn cứ vào bản tin từ đầu năm 2005 thì lương Chủ tịch nước và Tổng bí thư là 3,8 triệu, Thủ tướng khoảng 3,6 triệu...Cứ giả sử trong 4 năm qua, lương của các vị này tăng gấp đôi (tức là còn tăng hơn đáng kể so với lạm phát) thì tới giờ lương Chủ tịch nước và Tổng bí thư cũng chưa đến 500 USD.
Tất cả chúng ta đều không tin rằng thu nhập của các vị ấy chỉ chưa đến 500 USD/tháng, thấp hơn lương đi làm công tại công ty nước ngoài của một cử nhân mới ra trường loại giỏi tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong tất cả các cơ quan nhà nước, chế độ lương đã trở thành một thứ hình thức, không phản ánh mức thu nhập thực sự của cán bộ, công nhân viên. Lương cơ bản, lẽ ra phải là căn cứ chính xác định ít nhất 70% thu nhập thông thường, lại trở thành một cái gì đó mang tính hình thức. Hậu quả là sự lùng nhùng, là sự thiếu minh bạch về thu nhập trong các cơ quan Nhà nước. Và đó cũng là môi trường khiến tham nhũng dễ có điều kiện sinh sôi.
Chế độ lương thấp đó còn làm vô hiệu hóa việc chống tham nhũng. Bởi lẽ hầu như không mấy ai chỉ sống bằng đồng lương. Hậu quả là ai chống chống ai, chẳng có mấy ai trong các cơ quan Nhà nước không có tì vết gì để có thể thực sự yên tâm "chống tiêu cực" cả. Và đó cũng là nguyên nhân khiến chương trình công khai hóa tài sản các quan chức Nhà nước gặp trở ngại, ì ạch bao năm. Mãi tới cuối năm 2007, Chính phủ mới thông qua được Nghị định về việc kê khai tài sản của cán bộ Nhà nước. Nhưng thay vì "công khai tài sản" thì giờ chỉ còn là "kê khai tài sản" và công chúng (và báo chí) không có quyền biết về tài sản của các quan chức. Thêm nữa, việc kê khai này vẫn chưa tính tới các viên chức Nhà nước tại các Tập đoàn Nhà nước, nơi nắm những nguồn tài chính khổng lồ.
Nói chung, tôi rất tò mò với các kết quả kê khai này. Lấy ví dụ, một quan chức bậc trung (cỡ ông Sỹ?) có lương 3 triệu sẽ kê khai thế nào cho giá trị căn biệt thự 3 tỷ và chiếc xe 1 tỷ của mình. Chỉ tính riêng 4 tỷ tiền nhà và xe này và chưa kể các tài sản khác thì quan chức đó cũng sẽ phải làm việc liên tục trong 111 năm và không được ăn uống hay tiêu pha gì trong thời gian này, tạm bỏ qua việc trượt giá trong 111 năm này và giả sử ông này được vợ con nuôi ăn, mặc, ở trong 111 năm đó. Thế nhưng tất cả chúng ta đều biết chẳng có quan chức bậc trung nào sống với mức lương 3 triệu cả. Một viên chức Nhà nước mới được tuyển vào thì có thể sẽ phải sống ở mức lương này hay thậm chí chỉ 1- 2 triệu, và rất có thể anh ta sẽ phải tìm cách xà xẻo gì đấy khi có cơ hội để bổ sung thêm thu nhập (cá nhỏ bắt mồi nhỏ).
Bao nhiêu vốn ODA được đổ vào cho cải cách hành chính công, cải tổ khu vực kinh tế Nhà nước....Nhưng trong chừng 12-13 năm qua, có thể nói những cải cách này rất chậm chạp, nhất là ở khu vực hành chính-sự nghiệp. Khu vực Nhà nước không bị thuyên giảm về lao động mà còn có phần phình ra về vốn.
Để chống tham nhũng, hẳn cần phải cải tổ triệt để khu vực này, công khai hóa tài sản viên chức, thuyên giảm số lượng những viên chức kém hiệu quả, giảm vai trò Nhà nước trong các tập đoàn, đồng thời tăng lương cho các viên chức có hiệu quả. Một hệ thống mà lương (chính thức) Chủ tịch nước chỉ bằng ba lần lương một anh gác cổng là một hệ thống giả dối, trá hình trong tấm mặt nạ bình quân thu nhập.
Lấy ví dụ, lương Tổng thống Mỹ hiện nay là 400.000 USD/năm, bằng khoảng 10 lần lương một cử nhân mới ra trường. Ngoài lương này, Tổng thống Mỹ còn nhận được một số bổng lộc (benefit) và ưu đãi khác và những bổng lộc, ưu đãi này đều được công khai rõ ràng. Thế nhưng Tổng thống Mỹ có nghĩa vụ phải kê khai tất cả những món quà mà người ta biếu ông ở trong và ngoài nước, và chỉ được giữ lại những món quà có trị giá chừng vài chục USD, còn lại phải nộp vào ngân sách. Hệ thống đó không phải là hoàn hảo và vẫn có tham nhũng (ví dụ như vừa rồi, một người Việt đã lần đầu đắc cử Hạ nghị sĩ ở Mỹ vì đối thủ của ông bị cáo buộc nhận hối lộ nửa triệu USD) nhưng dù sao nó cũng đảm bảo được tính minh bạch và khả năng giám sát, kiểm sát của các nhánh quyền lực khác, của báo chí và công luận.
Giả dụ áp dụng thang bậc này thì ở Việt Nam, nếu một cử nhân ra trường có lương 3 triệu thì lương Chủ tịch nước ít nhất cũng phải 30 triệu. Hay thậm chí số tiền này cũng còn là ít và ít nhất ông phải có lương tương đương với CEO của một công ty lớn trong nước. Vậy hãy trả cho ông chừng 100 triệu/tháng. Lương của các Bộ trưởng và các quan chức khác thì cũng căn cứ vào đấy- ví dụ lương Bộ trưởng 60 triệu, Thứ trưởng 50 triệu chẳng hạn. Tất nhiên, lương cao cũng phải gắn với trách nhiệm, và một trách nhiệm quan trọng nhất là không tham nhũng hay nhận những khoản tiền mờ ám. Trong khi đó nếu cả Bộ trưởng và Thứ trưởng đều nhận lương 3-4 triệu, và tất cả đều biết rằng thu nhập thực của họ không phải là số tiền này thì liệu còn ai bảo được ai mà không phải ngượng ngùng không? Hay họ sẽ phải bao che cho nhau cho khỏi xấu chàng thì hổ ai như ông Nguyễn Thành Tài chỉ trích phía Nhật không chịu đưa bằng chứng về việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ tham nhũng?
Riêng đối với hệ thống Đảng, việc trả lương bằng vốn Ngân sách cho các cán bộ Đảng là một điều hài hước bởi vì ngân sách là từ tiền thuế cho hệ thống Nhà nước, còn Đảng chỉ là một tổ chức, có thu nhập từ Đảng phí và các hình thức khác. Trong hệ thống Nhà nước, tất cả công chức đều được trả lương cho công việc công chức của mình. Nếu giả sử như vai trò của Đảng cũng tương tự vai trò Nhà nước và cũng cần được trả lương thì tại sao trong hệ thống Đảng, chỉ có những cán bộ cấp cao mới có lương, còn Đảng viên thông thường thì không những không có mà còn phải đóng Đảng phí? Cần minh bạch việc thu chi của Đảng với Nhà nước và không nên dùng vốn Ngân sách để trả lương cho các cán bộ Đảng. Tất nhiên việc này là khó khả thi trên thực tế khi không đời nào
Đảng lại chịu để mất phần kinh tế (theo nguyên lý chủ nghĩa Marx: ai nắm được kinh tế, người đó kiểm soát chính trị).
Mức lương thấp và tình trạng tham nhũng tràn lan trong hệ thống chính quyền hiện nay còn có tác dụng khiến nhiều người giỏi và có lòng tự trọng không muốn tham gia bộ máy Nhà nước khi họ phải đứng trước hai lựa chọn khi tham gia bộ máy này: hoặc nhận đồng lương rẻ mạt và không tham nhũng, hoặc chấp nhận tham nhũng (tất nhiên còn có những khoang màu xám ở giữa hai cực này, những khoản thu nhập nửa chính nửa tà...nhưng nhìn chung đó là bản chất của hệ thống). Và như thế, hệ thống chính quyền dần dần thành một thị trường "chanh", thu hút những người kém năng lực và cả tư cách, và đào thải những người giỏi và có tư cách. Tại sao ở nhiều nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản...hệ thống công chức vẫn thu hút được những người giỏi giang và nghề công chức trở thành một trong những nghề danh giá nhất, cho dù rất nhiều công chức có thể nhận được mức lương cao hơn nhiều lần nếu họ làm việc ở khu vực tư nhân? Đó là vì hệ thống chính quyền các nước này vẫn giữ được "phẩm giá", và một công chức có thể hãnh diện, bù đắp cho sự hao hụt về thu nhập bằng một niềm tin rằng mình đang đóng góp cho đất nước, cho xã hội, cho cộng đồng, và những việc mình làm sẽ tạo ra một tác dụng mạnh mẽ hơn cho xã hội so với việc đi làm công ở một ngân hàng hay một công ty chứng khoán. Còn ở Việt Nam, trong mắt người dân thì gần như viên chức Nhà nước nào cũng có chữ "tham nhũng" trên trán, cho dù không phải ai cũng tham nhũng hay có thể tham nhũng (70% hay 80%, hay 90%- làm sao mà biết?). Đó chẳng phải điều đáng buồn sao?
Monday, December 08, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment