Điều khiến Batman khác hẳn các superhero khác có lẽ là ở một niềm tin vào sứ mệnh của anh. Và đó cũng là điều khiến hai tập phim Batman của Nolan đi ra ngoài phạm vi của một phim giải trí superhero để thành những bộ phim có ý nghĩa triết lý về cuộc sống, về con người, về những tình thế con người phải lựa chọn. Batman là một superhero đặc biệt hơn cả, ở anh không có khả năng gì siêu nhiên, anh chỉ là một con người bình thường và trở thành siêu nhân từ những nỗ lực của mình, sự run rủi của số phận (trong đó là cả những bất hạnh).
Càng nghĩ càng thấy Batman giống với hình tượng Jesus, cả ở những niềm tin (conviction) của anh, ở ước mong cứu vãn Gotham, thành phố bệnh tật và tối tăm, ở cả niềm tin không bao giờ lấy đi tính mạng người khác cho dù đó là ai, và sẵn sàng hy sinh vì người khác. Batman có lẽ là superhero duy nhất không bao giờ giết người. Và cũng như Jesus Christ, Batman hoàn toàn cô đơn, luôn bị hiểu lầm, và bị người đời đối xử tệ bạc. Cuối phim là cảnh anh bị chính quyền thành phố Gotham săn đuổi như người Do Thái từng săn đuổi Jesus. Khuôn mặt khắc khổ của Chritian Bale, ánh mắt cô độc, u buồn của anh này lại càng gợi ra hình ảnh này.
Trong Batman Begins, đối thủ của Batman là người thầy của anh, Ra's al Ghul, thủ linh Liên đoàn bóng tối. Ra's al Ghul tự cho mình sứ mệnh phải hủy diệt Gotham, vì thành phố này đã trở nên nhơ nhuốc và tội lỗi. Chi tiết này dễ gợi nhớ tới việc các thiên sứ được Thượng đế phái tới Sodom và Gomorrah để hủy diệt hai thành phố tội lỗi này. Ra's al Ghul và Liên đoàn bóng tối cũng tự cho mình quyền và nhiệm vụ tương tự các vị thiên sứ đó. Gotham chỉ được cứu nhờ Batman, the Dark Knight. Cũng như trong Kinh Thánh, Jesus đã cứu chuộc tội lỗi của thế giới, và trở thành Christ. Và nhà tỷ phú Bruce Wayne thì trở thành Batman.
Trong The Dark Knight, đối thủ chính của Batman là The Joker. Trái ngược hoàn toàn với hình ảnh u ám của Batman, The Joker là một kẻ hay đùa, và với những trò đùa của y, thường thi người bị y đùa sẽ phải trả giá bằng cái chết, hoặc của mình, hoặc của người khác, và thường thì y cho phép kẻ đó có thể chọn. I started a joke, which started the whole world crying. Nếu Batman có hình ảnh của Christ thì the Joker có hình tượng gần gũi với quỷ Mephistopheles trong huyền thoại Faust. Mephistopheles luôn xuất hiện, đùa cợt với những dục vọng của con người, ban cho họ lựa chọn, và tạo cơ hội cho họ bộc lộ những hèn hạ, thấp kém nhất của mình, và kết cục luôn là hủy diệt. Đó cũng là những gì The Joker đã làm, y đùa cợt với cả thế giới, chứng minh rằng loài người ti tiện, hèn hạ và ích kỷ và tất cả (chỉ trừ Batman) đều có thể trở nên đồi bại.
Ở một góc độ khác, The Joker là một kẻ hư vô (nihilist) tuyệt đối. Y chối từ đạo đức, giá trị cuộc sống, lòng tốt, vị tha, tình yêu...Khuôn mặt của The Joker giống như nhân vật Người đàn ông mang bộ mặt cười trong tiểu thuyết cùng tên của Hugo, với chiếc miệng ngoác rộng như kẻ lúc nào cũng cười. Trong The Dark Knight, y xuất hiện như một thứ biếm họa về loài người, nhưng là một thứ biếm họa khiến người ta phải sợ hãi. The Joker là đỉnh cao của cái ác, là cái ác ở mức độ hoàn hảo của nó, đã hoàn toàn loại trừ mọi cảm xúc như sợ hãi, mặc cảm, tội lỗi..., chỉ còn là một khoái cảm, một sự ham thích khiến cho con người trở nên suy đồi.
Nhân vật quan trọng thứ ba trong The Dark Knight hẳn là Two-Face. Nếu như Batman là Dark Knight, là hiệp sĩ của bóng tối thì Two-Face từng là hiệp sĩ của ánh sáng (White Knight) trước khi sa đọa thành kẻ xấu. Tính cách của cả Dark Knight và Two-Face đều xảy ra quá trình biến chuyển bởi các bi kịch cá nhân (với Dark Knight, đó là cái chết cha mẹ và với Two-Face là cái chết của một người mà anh ta yêu quý nhất), nhưng đó là quá trình ngược nhau. Batman đi từ ý định trả thù, máu đền máu, từ kẻ luôn sợ hãi bóng tối và lũ dơi trở thành người chấp nhận hy sinh, không bao giờ lấy tính mạng người khác, và đồng hành cùng bóng tối để làm việc thiện. Two-Face thì ngược lại, từ kẻ không bao giờ chấp nhận hai mặt của cuộc sống (đến đồng xu cũng chỉ có một mặt) đến quan niệm sống rằng tất cả mọi thứ, tốt và xấu, may mắn và bất hạnh, sống và chết đều thuần túy chỉ là cơ hội (chance), là xác suất.
Ở cuối phần 2 có cái chết của Two-Face nhưng rất có khả năng là Two-Face chưa chết (như trong comic book thì hình như Two-Face không chết dễ dàng thế?).
Trong con mắt của đạo diễn Nolan, những người bình thường trong phim nhìn chung khá tồi tệ. Cư dân thành phố Gotham hèn nhát, thụ động và ích kỷ. Họ e sợ Batman bởi vì Batman không giống họ. Đối với họ, Batman cũng không khác The Joker là mấy, đều xa lạ như những sinh vật ở thế giới khác. Người hùng của họ phải là Two-Face, kẻ có hai bộ mặt tốt xấu như những người bình thường khác, chứ không thể là một Người Dơi (và dơi thì không phải chim cũng không phải thú). Ở đây, sự đón nhận của công dân thành Gotham với Batman khác hẳn những gì người dân đối với Spiderman. Spiderman là con người của công chúng, còn Batman thì không. Anh chỉ là con người của công chúng khi khoác bộ dạng của một nhà tỷ phú trẻ, đến dự dạ tiệc bằng trực thăng với các cô nàng diễn viên xinh đẹp. Trong xã hội hiện đại, trong những thành phố Gotham với những tòa nhà chọc trời phủ kính vô hồn, nhà tỷ phú Bruce Wayne mới thực sự là siêu anh hùng, chứ không phải gã Batman, với gã này thì họ cần lùa chó săn đuổi và sẵn sàng hy sinh ngay khi gặp nguy hiểm đầu tiên để bảo vệ cuộc sống "yên bình" của họ.
Tuy nhiên, Nolan cũng chứng tỏ rằng con người có thể suy đồi, có thể hèn nhát, có thể ích kỷ nhưng không phải lúc nào cũng vậy, và ngay cả khi suy đồi thì
họ cũng không hề dễ đoán như The Joker, nhà lập kế hoạch hoàn hảo và vĩ đại nhất, vẫn tưởng. Trong phim, the Joker chỉ gặp phải hai bất ngờ duy nhất trong chuỗi kế hoạch siêu việt của y: bất ngờ thứ nhất là Dark Night thực sự là kẻ không thể sa ngã, luôn luôn chính trực và có lòng nhân. Bất ngờ thứ hai là sự lựa chọn của một số công dân thành phố Gotham khi y đưa ra cho họ một bài toán lựa chọn, liên quan tới tính mạng của họ.
The Joker
No comments:
Post a Comment