Tờ Vietimes nói chung vẫn là một tờ lởm khởm, nhưng có loạt bài dịch về Gia Cát Lượng và những người cùng thời như Quan Vũ, Ngụy Diên khá hay. Các bài này chủ yếu dịch từ cuốn "Đưa Gia Cát Lượng rời khỏi thánh đàn" của Chu Tử Ngạn với lập luận rằng Gia Cát Lượng là kẻ gian hùng, mưu toan cướp ngôi Thục Hán và mưu hại Quan Vũ, Ngụy Diên trong khi Ngụy Diên là trung thần và tướng giỏi nhất Thục Hán vào thời điểm Khổng Minh ra Kỳ Sơn.
Các lập luận có phần hơi suy diễn nhưng cũng khá chặt chẽ, và sử dụng một số nguồn sử, chủ yếu là Tam Quốc Chí của Trần Thọ- là nguồn sử chính cho bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung. Trần Thọ là người thời Tấn, có cha từng làm tướng cho Thục. Cuốn này tiếc thay lại chưa được dịch ra tiếng Việt, trong khi rất nhiều sách "ăn theo" Tam Quốc được dịch ra.
Kể ra nếu đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa cũng cảm thấy cái chết của Ngụy Diên có phần oan và Gia Cát Lượng đối với Ngụy Diên có phần hẹp hòi. Nếu so Gia Cát Lượng với Lưu Bị thì vẫn phải thấy là Lưu Bị biết nhìn người hơn Khổng Minh, rất tinh tường trong việc hiểu người và dùng người, ràng buộc người với mình. Có lẽ chính vì khả năng đó, cùng với sự kiên trì và ý chí bền bỉ, không bao giờ chịu khuất phục của ông ta mà Tào Tháo nhận định rằng trong thiên hạ, anh hùng chỉ có Tháo và Bị. Lưu Bị làm tướng bất tài, hủ nho, đạo đức giả...nhưng cái tài phát hiện ra ngọc trong đá, cũng như hiểu được năng lực, sở đoản của những kẻ dưới quyền thì quả là hơn người. Tuy Bị không có được cái hào sảng trong việc dùng người như Tào Tháo nhưng lại có cái nghiêm cẩn, nhũn nhặn, khiêm tốn trước người tài. So cách đánh giá của Gia Cát Lượng và Lưu Bị với Mã Tốc là một ví dụ cho thấy tầm nhìn người của Lưu Bị vẫn có độ khái quát và chính xác cao hơn Khổng Minh.
Khổng Minh dùng người vẫn có phần nặng cảm tính cá nhân: thích Mã Tốc vì gã này có vẻ thông minh, học rộng hiểu nhiều lại là em trai bạn mình là Mã Lương (Mã Tốc có phần hơi giống Triệu Quát nước Triệu), không ưa Ngụy Diên vì gã này kiêu ngạo, không sùng bái Thừa tướng như những viên tướng khác và thường có những chiến lược riêng. Ngay như việc Khổng Minh trọng dụng Khương Duy cũng có phần hơi thiên lệch quá, Khương Duy có tài nhưng không có đủ tài xuất chúng để có thể mở mang bờ cõi trong khi việc nội chính của nước Thục sau khi Lượng chết lại khá rối rắm (kể cả khi Lượng còn sống, do mải đưa quân ra Kỳ Sơn, việc nội chính đã gặp nhiều chuyện bê bối như Lý Nghiêm tâu dối, Hoàng Hạo gièm pha..). Duy chỉ là một viên võ tướng, không có khả năng bao quát xử lý như Gia Cát Lượng (nhưng cũng vì thế quá ham xử lý cả việc lớn lẫn việc nhỏ mà Lượng chết sớm trong khi Tư Mã Ý thì sống thọ), cũng không hiểu việc nội chính như bọn Tưởng Uyển, Phí Vĩ. Lẽ ra nếu hiểu tài Khương Duy có hạn thì Khổng Minh nên di chúc để Khương tập trung vào việc củng cố đất nước chứ không để Khương chín lần đánh Ngụy, khiến nước Thục Hán đã nhỏ bé, dân ít lại càng thêm suy kiệt, để cuối cùng chỉ một đạo kỳ binh của Đặng Ngải đã khiến tâm huyết hàng chục năm của Lưu Bị-Gia Cát Lượng tiêu vong, riêng họ Gia Cát cả con trai lẫn cháu nội Khổng Minh đều lấy thân đền nợ nước. Tất nhiên, cũng có phần lý do khách quan do chắc Lượng không thể ngờ rằng bọn Tưởng Uyển, Phí Vĩ, Đổng Doãn lại chết sớm như vậy. Ngụy Diên bị giết, Dương Nghi bị bãi quan rồi tự sát, Lý Nghiêm buồn rầu mà chết, bọn Tưởng- Phí theo nhau qua đời, khiến nước Thục đã khan hiếm nhân tài trở thành cạn kiệt tài năng chỉ một thời gian ngắn sau khi Khổng Minh qua đời.
Tuesday, July 29, 2008
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment