Thursday, July 24, 2008

Entry for July 24, 2008

Sách đọc gần đây.

1. Đọc Mở rộng phạm vi đấu tranh của bác Houlebecq (chắc chắn viết sai, không bao giờ nhớ được tên bác này) do Thuận dịch, cứ hình dung ra Thuận. Hoặc cũng có thể giọng văn bác H. cuốn này cũng tưng tửng như giọng văn Thuận. Cuốn này có thể đổi tên là Nhật ký một ca trầm cảm.
Nghi bác H. viết cuốn này theo lời khuyên bác sĩ tâm lý để chữa bệnh trầm cảm lắm. Hình như cuốn Zeno's Conscience của bác Italo Sveno cũng được viết theo cách đó. Cuốn Mở rộng phạm vi đấu tranh này mỏng, đọc vèo một buổi chiều là hết. Nội dung là nhật ký của một anh trầm cảm, một công chức chán chường, chẳng có gì nổi bật, và hai năm không có sex. Và cái đau lòng của anh ta, nói theo cách của tác giả, là cái đau lòng một con đực tầm thường và bị loại ra khỏi cuộc cạnh tranh tình dục là nhìn cảnh các con đức hấp dẫn khác roạp hết các con cái ngon lành. Nhưng anh ta còn chưa đến nỗi bĩ cực như gã bạn đồng hành, xấu giai khủng khiếp, đến nỗi gái nhìn vào là kinh tởm và đến 28 tuổi vẫn còn tân vì anh ta không muốn sex phải trả tiền (khi đọc đoạn này tự nhiên nhớ tới một vài cô gái xấu kinh khủng mà mình từng gặp và nghĩ đời thật bất công với một số người). Cuốn này khá hay nhưng không sâu lắm, chỉ như bản phác các ý tưởng của tác giả.

2. Tập truyện ngắn Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước. Tôi thích cuốn này hơn tập truyện ngắn trước của Phước, thấy cuốn này viết chặt chẽ và gọn gàng hơn, nhiều truyện hay (nhưng cũng có nhiều truyện đọc lên chả hiểu gì). Truyện của Phước cũng có thể gọi là Những câu chuyện về những ca trầm cảm- có thật và tưởng tượng. Trong tập truyện này có sự ám ảnh của cái chết. Cái chết có mặt ở hầu hết các truyện: cái chết của người thân (nhiều nhất), của người lạ hay người không thân nhưng không lạ, và cả cái chết tưởng tượng của mình- hay là sự đánh mất bản thể, ví dụ như trong một truyện cực ngắn, nhân vật tôi mơ thấy mình có quyền năng siêu phàm trong giấc mơ, muốn làm gì cũng được nhưng chỉ với điều kiện, đó là không thể ra khỏi giấc mơ- chi tiết này làm tôi nhớ tới phim Waking Life, một bộ phim về những giấc mơ bất tận (hoặc là về cái chết). Chẳng phải Hamlet cũng từng bảo cái chết chỉ là ngủ thôi, chỉ có điều mình sẽ không biết có giấc mơ không, và không thể thoát khỏi giấc mơ ấy (đoạn này Shakespeare nếu thức khỏi giấc mơ có lẽ sẽ mắng mình vì nhét lời vào miệng ông ấy, hay miệng Hamlet qua miệng ông ấy. Hay thực ra là Hamlet đã nhét lời vào miệng Shakespeare chứ không phải ngược lại?).

Quay lại tập truyện của Nguyên Phước thì như đã nói, cái chết là một nhân vật trong tập truyện này (hình như tôi có đọc thấy ý như vậy ở blog bạn Nhị Linh). Cùng với cái chết là ám ảnh về sự đánh mất ký ức. Những điều nhàn nhạt trong cuộc sống trong truyện của Phước cũng trở thành những ám ảnh mệt mỏi, chỉ như sự chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của cái chết. Nhân vật chính trong truyện Hội thảo ở đảo... đối mặt với cái chết, và tỉnh dậy với quyết tâm mạnh mẽ để sống cho ra sống, nhưng rồi lại tiếp tục trôi theo sự nhàn nhạt của cuộc sống, như thể không còn khả năng sống thực sự. Truyện ngắn của Phước cũng có thể gọi là vật vã tuổi 30, nhất là tuổi 30 cô độc- sự cô độc phần nhiều do bản tính, như là một sự tự kết án. Phước viết về cuộc sống nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng rất hay, từ truyện ngắn đầu tiên "Tâm trạng khi điên" cho tới truyện "Hội nghị ở đảo...." này.

Truyện ngắn được lấy tên làm tên chung cho cả tập- Lần đầu tiên- kể về lần đầu tiên làm tình của một nhân vật với một cô gái điếm. Mọi sự không có gì đặc biệt, đúng như cái thông lệ trong văn học về lần làm tình đầu tiên: cô gái nhàu nhĩ, bụng dưới hơi xệ, phòng trọ tối tăm bẩn thỉu, lần đầu tiên xuất tinh rất nhanh....Cái khác biệt là sau đó anh chàng khóc, khi cô gái hỏi tại sao thì anh nói "Bố tôi mới mất". Đó là chi tiết khiến cho lần đầu tiên ấy khác với rất nhiều lần đầu tiên khác, và tạo ra một ấn tượng khó quên với người đọc.

3. Tập truyện ngắn của 4 cây bút nữ: Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ. Nói thật là tuy nghe danh các cây bút này từ lâu nhưng mình gần như chưa đọc tác phẩm của họ bao giờ, ngoài vài truyện ngắn của Vàng Anh đọc từ lâu lâu. Giờ mới đọc tuy sách có trong nhà từ lâu rồi. Đọc truyện ngắn của Vàng Anh thấy thật sự thán phục chị này, cảm giác là một người rất thông minh, tinh tế, sắc sảo nhưng cũng rất nữ tính. Tiếc là Vàng Anh giờ không còn viết truyện ngắn nữa mà chuyển sang viết tản văn và thơ. Nói thực đọc tản văn của Thảo Hảo, tuy vẫn thấy tác giả thông minh, sắc sảo nhưng vẫn cảm thấy nó thiếu hơi, vẫn những chuyện ai cũng biết và cách kể kiểu ngụ ngôn của chị có thể khiến nó hấp dẫn và được nhiều người ưa chuộng nhưng chẳng mới mẻ gì về nội dung và sức khơi gợi cả. Ví dụ cái tản văn Thỏ Bông Thỏ Biếc gì của Vàng Anh cứ 8/3 nào là thấy được post đầy chỗ nhưng đọc mãi mình vẫn chẳng hiểu bài đấy có gì hay ho cả.
Ba chị kia thì chưa đọc đến phần truyện của họ nên miễn bàn.

4. How Fiction Works, tập tiểu luận (chính xác hơn thì là 1 tiểu luận chia thành nhiều đoản văn) của James Wood, nhà phê bình văn học phụ trách mục Sách trên tờ New Yorker (trước đó ở New Republic). Cuốn này rất đáng đọc, nếu được dịch ra ở VN thì cũng rất hay. James Wood viết cô đọng, dễ hiểu nhưng vẫn rất sắc sảo. Bạn nào quan tâm có thể đọc các bài điểm cuốn này (bằng tiếng Anh) trên rất nhiều báo chí nước ngoài. James Wood cho rằng văn học hư cấu hiện đại được bắt đầu từ Flaubert (so sánh với Kundera: Kundera cho rằng bắt đầu tất tần tật là ở Cervantez), và tất cả những người khổng lồ khác từ cuối thế kỷ 19 tới nay đều đứng trên vai Flaubert hết, kể cả Tolstoy, Dostoevsky... James Wood cũ
ng tỏ ra không mấy ưa văn học hậu hiện đại, cho rằng nó chẳng có gì mới mẻ, những ý tưởng tương tự đã có trong văn học thế kỷ 17-18, và ít tác giả hậu hiện đại thực sự viết hay. Nói chung James Wood có phần ưa thích văn học hiện đại hơn là hậu hiện đại. Trong các tác giả gần đây, ông ca tụng Saul Bellow nhất, Philip Roth, Cornac McCarthy và Ian McEwan cũng được khen ngợi, còn các bác như John Updike (là đồng nghiệp điểm sách trên New Yorker, hehe) thì còn được lấy ra để làm ví dụ cho việc viết văn tồi.

No comments: