Saturday, July 19, 2008

Entry for July 19, 2008

Mấy hôm nay thấy các báo và các blog nhà báo nói nhiều tới vụ một anh nhà báo đưa tin Hoa hậu Hoàn vũ bị anh con rể bà Tư Hường đấm chảy máu cam. Có vẻ các nhà báo hết sức bất bình, từ đó còn lôi ra một loạt vụ làm ăn "có vấn đề" của nhà tư sản Tư Hường như việc thông đồng với chính quyền Khánh Hòa cướp đất của dân để xây khu du lịch với giá đền bù vài trăm đồng/ m2.

Thực sự mình chẳng lấy làm bất bình gì lắm cho anh nhà báo bị đấm, dù có thể anh bị đấm oan và thằng cha đấm anh đúng là một thằng trọc phú rất láo. Nhưng các anh nhà báo ở đâu khi bà Tư Hường mới cướp đất của dân? Các anh nhà báo ở đâu khi người dân bất bình vì bị chính quyền cướp đất làm thơ vè "nói xấu cán bộ", rồi bị bắt và xử tù treo? Cú đấm vào miệng và mũi của anh nhà báo có so sánh với những việc như thế này: công an bắn chột mặt một người dân chỉ vì anh này dám cãi lại công an khi bị đuổi về nhà? Hay một con mắt chột của người dân thường không có giá trị bằng vài giọt máu mũi của nhà báo? Và chả nhẽ đến bây giờ các nhà báo mới biết có nhiều doanh nhân giàu có là trọc phú, vô văn hóa và vẫn coi nhiều người trong nghề báo như những kẻ viết thuê? Tại sao họ cứ làm như họ đang sửng sốt?

Cái sự việc ầm ĩ của các nhà báo khi đồng nghiệp bị đánh phải chăng là phản ứng khi họ cảm thấy cái quyền lực thứ tư của họ chỉ là quyền lực giấy. Họ không chỉ phải sợ hãi, câm lặng khi chính quyền quyết định bắt người, và ngoan ngoãn nộp phạt khi bị phạt tiền. Giờ đến cả giới doanh nhân cũng coi họ chẳng ra gì, khi một thằng oắt con 16 tuổi cũng có thể dí cái thẻ tác nghiệp vào mặt họ mà bảo rằng
: “Mày phải biết rằng có cái thẻ này là do tiền của gia đình tao bỏ ra”. Vâng, ngòi bút là sức mạnh, ngòi bút là quyền lực nhưng là khi ngòi bút được tự do. Chứ còn khi ngòi bút bị chi phối quá nhiều bởi những sức mạnh thực sự, như cây roi của ông Doãn, cái gậy của ông Hồng Anh, như đồng tiền của bà Hường, thì xin đừng ảo tưởng rằng ngòi bút cũng là quyền lực. Tất nhiên một số người trong số họ vẫn có quyền lực, như khi ông gì nhà báo bụng phệ có quyền tham gia quyết định ẻm nào trúng hoa hậu và được chụp ảnh ôm eo các em thí sinh trên bãi biển. Nhưng đó là thứ quyền lực có điều kiện, trên cơ sở thỏa thuận ngầm giữa các bên. Và cả cái quyền lực đó cũng run rẩy như lá tre trong gió, rất dễ bị tước đi nếu họ vi phạm những nguyên tắc bí ẩn nào đó, động chạm tới các quyền lực thực sự kia.

Thỉnh thoảng đọc blog một số nhà báo, lại thấy các nhà báo bàn nhau về chuyện các nhà báo đồng nghiệp của họ, anh A, chị B, ông C, định bỏ nghề. Khi đọc thế, tự nhiên tôi có ý nghĩ: so pathetic, so self-pitious. Thậm chí có nhà báo còn tự giễu bằng cách ví nghề nhà báo với một số nghề không lành mạnh (và các chị em làm nghề này vẫn hay kêu là: em sẽ bỏ nghề khi nào em đủ tiền lấy chồng và lo cho bố mẹ ở nhà bị bệnh). Nếu họ cảm thấy thực sự nghề của mình ngày càng chật chội, mất tự do, hạ nhân phẩm, phải thỏa hiệp quá mức thì họ cứ bỏ nghề đi, việc gì mà cứ phải hễ ai động vào là lại than vãn là đến bỏ nghề mất thôi? Nhưng nếu thống kê thì tôi nghĩ chắc khó tìm ra được trường hợp nhà báo nào thực sự bỏ nghề (chứ không phải chỉ nói suông) vì những việc như anh Hải, anh Chiến bị bắt, anh gì đưa tin hoa hậu bị đấm sưng miệng?

No comments: